Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19

16:40 | 16/05/2021
(LĐTĐ) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trên địa bàn Hà Nội, nhiều địa phương đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tác nghiệp, truyền thông, y tế, giáo dục; khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính, mua sắm… Cách làm này đang mang đến tác dụng "kép" khi vừa bảo đảm duy trì hiệu quả công việc thông suốt, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm và phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả.
Tổ An toàn Covid-19: Cộng hưởng sức mạnh trong phòng, chống dịch tại doanh nghiệp 2.010 mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Trung ương đều âm tính Những "cuộc chiến" xuyên đêm ở nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nhiều nhất cả nước

Triển khai đồng bộ

Những ngày qua, cả nước căng mình chống dịch. Nhiều sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn đã tận dụng triệt để thế mạnh từ công nghệ thông tin, chủ động triển khai nhiều hình thức họp và làm việc mới phù hợp, góp phần giảm thiểu việc tập trung đông người, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19
Ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.

Chẳng hạn, ngành Giáo dục và Đào tạo với việc dạy và học trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ thông tin: Zoom, Microsoft Teams, VNPT meeting, ViettelStudy, thư điện tử, trang mạng trường học...; ngành Y tế với phần mềm khai báo y tế toàn dân NCOVI và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, quản lý, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chăm sóc, tư vấn sức khỏe cho nhân dân…

Với ngành Giao thông Vận tải, theo ghi nhận, hiện ngành cũng đã kích hoạt hình thức họp và làm việc trực tuyến. Cụ thể, ngày 12/5, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản số 4164/BGTVT-VP yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc, họp trực tuyến. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức họp tập trung, các cơ quan, đơn vị hạn chế tối đa thành phần tham dự và phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.

Ở cấp cơ sở, việc ứng dụng nên tảng công nghệ cũng được phát huy triệt để. Ghi nhận của phóng viên tại các bến xe lớn của Hà Nội như: Bến xe Giáp Bát, Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Yên Nghĩa… các đơn vị đều thực hiện in và dán hướng dẫn khai báo y tế bằng QR Code, đồng thời kiểm soát ra, vào hàng ngày đối với khách đến và đi qua mã QR Code khi sử dụng một trong các phần mềm như: Tờ khai y tế, Bluzone… Trên các website của các đơn vị cũng chủ động tích cực thực hiện công tác cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện khai báo y tế bằng QR Code.

Mang lại hiệu quả

Thực tế cho thấy, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiệu quả trong chỉ đạo và thực hiện phòng, chống dịch cũng được nâng lên. Cụ thể, tại quận Đống Đa, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, quận đã chủ động chỉ đạo các phòng, ban, ngành chuyên môn, Ủy ban nhân dân 21 phường trên địa bàn tiếp tục thực hiện và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Thường trực Thành ủy, Ban thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố, Ban Thường vụ Quận ủy.

Đáng chú ý, trong công tác chỉ đạo và phòng, chống dịch Covid-19, quận Đống Đa đã ứng dụng triệt để những tiện ích từ nền tảng công nghệ. Thông qua các ứng dụng trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, công tác tuyên truyền đến từng cụm dân cư được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19
Bằng việc tuyên truyền đồng bộ, ý thức của người dân đã được nâng cao.

Tương tự, tại thị xã Sơn Tây, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã, công tác phòng chống dịch được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Cụ thể, thị xã duy trì hoạt động nền nếp, quán triệt giao ban để thực hiện nhiệm vụ Thành phố giao. Thông qua tuyên truyền qua các loa đài, cổng thông tin điện tử, các ứng dụng Zalo, Facebook… các tin bài, khuyến cáo 5k, các chính sách chung được tuyên truyền đồng bộ để mọi người chấp hành.

Ngoài ra, lực lượng Công an thị xã còn sử dụng hình thức tuyên truyền lưu động, đi vào các điểm như chợ đầu mối, khu vực tập trung nhiều quán xá để tuyên truyền. Với những nơi như đường giao thông, trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước đều bố trí tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trực quan.

Ở góc độ khác, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, Thành đoàn Hà Nội đã và đang triển khai hiệu quả nhiều phần việc, mô hình, cách làm sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền thông điệp "Bầu cử trách nhiệm - Chống dịch toàn diện" sâu rộng trong các cấp bộ Đoàn Thủ đô.

Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, sáng tạo trong tuyên truyền với vai trò cơ quan chuyên trách của Đoàn Thanh niên Thành phố, tại trụ sở cơ quan Thành đoàn Hà Nội, bộ QR Code tuyên truyền bầu cử và QR Code khai báo y tế cho khách đến liên hệ công tác được bố trí ngay tại cổng đón khách ra vào cơ quan Thành đoàn. Trong đó, mã QR tuyên truyền bầu cử có tích hợp hệ thống đề cương tuyên truyền, infographic, clip nhảy cổ động, các clip đồ họa và file âm thanh tuyên truyền bầu cử gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19… Mã QR khai báo y tế giúp khách đến liên hệ công tác khai báo y tế nhanh thông qua scan bằng camera trên điện thoại hoặc qua ứng dụng Zalo, đồng thời giúp cơ quan Thành đoàn Hà Nội lưu lại thông tin người ra, vào cơ quan phục vụ khi cần rà soát, truy vết nếu có.

Bộ QR Code là ý tưởng sáng tạo được Chi đoàn Văn phòng Thành đoàn tham mưu triển khai gắn sát với nhiệm vụ chuyên môn của từng ban, văn phòng, thể hiện tinh thần xung kích và vai trò của người cán bộ đoàn chuyên trách, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này