Không thiếu hụt lao động sau Tết

12:21 | 16/03/2021
(LĐTĐ) Sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, tại nhiều công ty, khu công nghiệp ở Hà Nội, công nhân đã trở lại làm việc đầy đủ, hăng say tham gia lao động sản xuất. Qua đó, đã xóa bỏ nỗi âu lo của người sử dụng lao động về tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nỗ lực chăm lo đời sống cho người lao động Đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 tại khu công nghiệp Đảm bảo an toàn cho người lao động trước dịch Covid-19

Yên tâm trở lại làm việc

Thông thường, sau Tết Nguyên đán là giai đoạn cao điểm về nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng khiến nhiều người có tâm lý e dè, ngại quay lại vùng có dịch hoặc tập trung đông người. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô không khí lao động vẫn diễn ra hăng say, tích cực.

Bắt đầu từ mùng 6 Tết Âm lịch (30/1), phần lớn các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động bình thường. Theo ghi nhận, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đạt tỷ lệ cao.

Không thiếu hụt lao động sau Tết
Người lao động trở lại làm việc sau Tết (Ảnh: Minh Phương)

Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân Công ty cổ phần bia Sài Gòn – Hà Nội chia sẻ: “Gần 10 năm làm việc tại công ty, năm nào tôi cũng trở lại công ty làm việc sau kỳ nghỉ Tết đúng thời gian quy định. Trong ngày đầu tiên làm việc của năm mới, mặc dù vừa trải qua một kỳ nghỉ đầy khó khăn nhưng chúng tôi đã sẵn sàng bắt tay ngay vào công việc, hăng say lao động để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Nói về lý do luôn chấp hành đúng quy định nghỉ Tết của công ty, chị Thu cho biết, trước hết là ý thức trách nhiệm với công việc. Hơn nữa, làm việc tại công ty, người lao động luôn được quan tâm, chăm lo đảm bảo mọi chế độ, chính sách.

Ví dụ như Tết năm nay, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn cố gắng cho người lao động chế độ phúc lợi đầy đủ nhất, được tặng quà và những người có quê xa được hỗ trợ xe đưa về quê ăn Tết... “Chính sự quan tâm, chăm lo, bảo đảm các chế độ, chính sách đó là động lực để chúng tôi gắn bó lâu dài và cống hiến hết mình cho sự phát triển của công ty” – chị Thu bày tỏ.

Hiểu rõ tầm quan trọng và vai trò của mình đối với sự phát triển của công ty cũng như sự tương quan giữa ý thức làm việc với quyền lợi mà mình được hưởng, anh Nguyễn Văn Nam, công nhân Công ty Goldsun Việt Nam bày tỏ: “Trở lại sau kỳ nghỉ Tết, ngay từ những ngày làm việc đầu tiên, người lao động chúng tôi đã sẵn sàng với công việc và đặt ra mục tiêu cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao để góp phần vào sự phát triển chung của công ty. Bởi hoạt động sản xuất của công ty có phát triển thì đời sống việc làm của người lao động mới được đảm bảo và ngày càng nâng cao”.

Hài lòng trước sự trở lại đầy đủ của người lao động sau kỳ nghỉ Tết, bà Nguyễn Thùy Chi – Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động quận Bắc Từ Liêm cho biết, theo báo cáo từ các Chủ tịch Công đoàn cơ sở cho thấy, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã bắt đầu đi vào sản xuất ổn định, gần 100% công nhân lao động yên tâm quay trở lại làm việc. Tình hình quan hệ lao động, diễn biến tư tưởng của đội ngũ công nhân viên lao động trong các doanh nghiệp tương đối ổn định, không phát sinh mâu thuẫn hay vướng mắc.

Để tạo được tâm lý ổn định và động lực cho công nhân yên tâm quay lại làm việc, thời gian trước, trong và sau Tết chủ sử dụng lao động đã quan tâm phối hợp chặt chẽ với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, người lao động, quan tâm chăm lo đến lợi ích thiết thực và tạo sự gắn bó của người lao động đối với doanh nghiệp. Từ đó mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động cũng trở nên hài hòa, ổn định.

Cùng với đó, phát huy vai trò là tổ chức bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, ngay từ những ngày đầu công nhân trở lại làm việc Liên đoàn Lao động quận Bắc Từ Liêm cũng thường xuyên phối hợp với các chủ tịch công đoàn cơ sở tiến hành nắm bắt tình hình lao động sản xuất của công nhân lao động tại các đơn vị và kịp thời nhắc nhở cũng như động viên, thăm hỏi. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động để người lao động yên tâm làm việc.

Đồng hành cùng người lao động

Thời gian gần đây, tình trạng người lao động nhảy việc, đã giảm khá nhiều so với những năm trước. Một trong những lý do được các chuyên gia chỉ ra chính là nhờ giải pháp giữ chân người lao động bằng lợi ích hài hòa, có lợi cho đôi bên như đảm bảo công việc ổn định, lương và phúc lợi được cải thiện, chính sách chăm lo Tết tương đối chu đáo của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Công ty bia Sài Gòn - Hà Nội chia sẻ, nắm bắt được tâm lý của người lao động, thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty, tuy nhiên, Ban Chấp hành Công đoàn đã tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Công ty tạo điều kiện tối đa để không người lao động nào bị mất việc, nghỉ việc không lương.

Bên cạnh đó, Công ty cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, tặng vé xe cho công nhân về quê ăn Tết, thăm hỏi động viên, quán triệt tư tưởng cho người lao động cả dịp trước, trong và sau Tết. Nhờ đó, sau dịp Tết Nguyên đán, 99% công nhân của công ty đã trở lại làm việc bình thường.

Cùng với bảo đảm chế độ lương thưởng, phúc lợi xã hội, nhiều công ty còn chú trọng tối đa công tác phòng chống dịch Covid-19, tạo môi trường làm việc an toàn cho công nhân, người lao động. Ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long), cho biết, từ ngày 18/2, 3 nhà máy công ty chính thức quay trở lại làm việc.

Ngoài các biện pháp đeo khẩu trang, sát khuẩn, đo thân nhiệt vẫn duy trì thường xuyên từ trước Tết, từ 18/2, công ty lắp thêm các vách ngăn ở các dây chuyền sản xuất. Đối với người lao động quê ở Hải Dương, công ty đã có tin nhắn thông báo tạm cho nghỉ để theo dõi dịch bệnh. Trong thời gian này, người lao động vẫn được nhận 70% tiền lương.

Ông Nguyễn Anh Ngọc cũng chia sẻ thêm, những năm trước, trong ngày khai hội đầu năm, lãnh đạo Công ty thường tổ chức gặp mặt tập trung sân khấu ngoài trời. Năm nay, ai làm việc chỗ nào ở nguyên chỗ đấy, 15 phút đầu giờ, lãnh đạo đọc thư chúc mừng năm mới qua loa. Sau đó, công nhân quay trở lại làm việc.

“Dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều thứ, dù khó khăn, lãnh đạo công ty vẫn giữ nguyên mức lì xì cho người lao động 200.000 đồng/người, chỉ khác mọi năm là nay chuyển khoản. Trong ngày đầu tiên đi làm, người lao động sẽ nhận được tin nhắn lì xì đầu năm từ ngân hàng”, ông Ngọc cho hay.

Có thể thấy, nhờ sự quan tâm kịp thời của các cấp Công đoàn mà đặc biệt là chủ doanh nghiệp trong những năm qua, số người lao động hài lòng với công việc và mong muốn gắn bó với công ty ngày một tăng lên. Nhờ đó, góp phần vào việc nâng cao năng suất lao động cũng như thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này