Tăng cường phối hợp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ

09:11 | 11/03/2021
(LĐTĐ) Việc thực hiện Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2016-2020 giữa Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã góp phần nâng cao năng suất lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.
Cụm thi đua số 6 Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ký kết giao ước thi đua năm 2021 Phát động các phong trào thi đua bám sát với tình hình thực tế Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội giới thiệu nhân sự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa Sở Lao động Thương binh & Xã hội và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016-2020 tại hội nghị được tổ chức chiều ngày 9/3, đồng chí Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, 5 năm qua, Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên được triển khai chặt chẽ, đạt mục đích, yêu cầu đề ra trên tất cả các nội dung. Đáng chú ý trong đó phải kể đến việc hai bên đã phối hợp nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, việc làm, đời sống của người lao động, đề xuất Thành phố có biện pháp hỗ trợ.

Tăng cường phối hợp xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Nguyễn Phi Thường và Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đại diện hai cơ quan ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021- 2025

Cụ thể, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thường xuyên trao đổi, thông tin báo cáo định kỳ về tình hình các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động; tình hình tai nạn lao động; số lao động bị thất nghiệp và số người được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn để cùng trao đổi đưa ra các giải pháp kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Giai đoạn 2016-2020, hai ngành đã phối hợp với Ngân hàng chính sách Xã hội, tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố triển khai công tác vay vốn quốc gia giải quyết việc làm cho người lao động. Năm 2016, 2017 đã triển khai hướng dẫn lập dự án, thẩm định cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Thành phố 49,095 tỷ đồng, giải ngân cho 162 dự án, tạo việc làm cho 1.833 công nhân lao động nghèo có cơ hội phát triển kinh tế gia đình.

Hàng năm, hai đơn vị phối hợp tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố hỗ trợ kinh phí, tổ chức thăm hỏi từ 15 - 25 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm, tại các Chương trình “Tết sum vầy” do Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã tham mưu Uỷ ban nhân dân Thành phố hỗ trợ mỗi năm từ 3.000 đến 5.000 suất quà, mỗi suất trị giá 500.000 đồng trao cho công nhân lao động và đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn…

Cùng đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đối thoại, thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể.

Tính đến nay, đã có 2.150 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã thương lượng, ký kết được Thỏa ước lao động tập thể (đạt 58,32%) với nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với các quy định của pháp luật. Liên đoàn Lao động Thành phố và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố cũng phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức 06 buổi đối thoại trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp về các nội dung của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động.

Ngoài ra, từ năm 2016 đến năm 2020, các cấp Công đoàn Thành phố đã phối hợp với cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an chủ động tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình, tổ chức đối thoại, kịp thời giải quyết 28 vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2016-2020, Liên đoàn Lao động Thành phố và Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động tại 594 doanh nghiệp; hàng năm hai bên cũng phối hợp với các cơ quan liên ngành Thành phố tiến hành thanh tra từ 80 đến 100 đơn vị nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, từ đó đã góp phần giảm số nợ đọng bảo hiểm xã hội trên địa bàn Thành phố từ 2.600 tỷ chiếm 5,7% số phải thu (năm 2017), xuống còn 1.694 tỷ, chiếm 4,32% số phải thu (năm 2018) và xuống 2% (năm 2019).

Trong 5 năm, các cấp Công đoàn Thành phố còn phối hợp ngành Lao động- Thương binh và Xã hội và các ban, ngành liên quan giải quyết 614 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người lao động gửi đến các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn đề nghị can thiệp giải quyết quyền lợi lao động.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp

Đánh giá hiệu quả của Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên trong giai đoạn vừa qua, đồng chí Nguyễn Phi Thường- đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố và đồng chí Bạch Liên Hương- Thành ủy viên, Giám đốc sở Lao động- Thương binh và Xã hội Hà Nội đều cho rằng: Chương trình phối hợp đã được thực hiện nhịp nhàng, bài bản và chặt chẽ, đạt mục đích, yêu cầu đề ra ở tất cả các nội dung phối hợp.

Qua đó, tỷ lệ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động được nâng lên; công tác tuyên truyền giáo dục, vận động công nhân viên chức lao động được đổi mới, sáng tạo, qua đó nâng cao nhận thức về chính trị, ý thức pháp luật, trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ cho công nhân viên chức lao động góp phần nâng cao năng suất lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.

Phát huy những kết quả đạt được, dịp này, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường và Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương đại diện hai cơ quan đã tiếp tục ký kết chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021- 2025 với một trong những mục đích là phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi cơ quan trong triển khai, thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Theo đó, chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025 giữa 2 bên gồm 5 nội dung: Phối hợp trong xây dựng chính sách pháp luật, các chương trình, kế hoạch của Thành phố có liên quan đến công nhân viên chức lao động; phối hợp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp trong công tác quan hệ lao động và An toàn, vệ sinh lao động; Phối hợp tổ chức Hội thi thợ giỏi Thành phố và nâng cao kỹ năng nghề cho công nhân lao động; phối hợp chăm lo cho công nhân viên chức lao động và con công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội định kỳ chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố với công nhân lao động và cán bộ Công đoàn cơ sở. Phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động và tổ chức công đoàn các cấp với người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp.Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Liên đoàn Lao động Thành phố triển khai thực hiện các nội dung trong khuôn khổ Đề án “Phát triển quan hệ lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” (khi Đề án được Thành phố phê duyệt)./.

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này