Ký ức của người quê ra phố

19:55 | 06/03/2021
(LĐTĐ) Với chủ đề “Người quê ra tỉnh”, Quán thanh xuân số tháng 3/2021 sẽ mang tới những câu chuyện thú vị nhưng cũng đầy sâu lắng về kỉ niệm của những người từ quê lên thành phố lập nghiệp.
Nhà báo Tuyết Nhung hồi ức về bữa cơm nhà và căn bếp tối Thương mãi bữa cơm nhà Cựu binh “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”

Sau năm 1975, đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển. Được sự chắt chiu, khuyến khích của bố mẹ, thế hệ 6x,7x lên thành phố để học tập, sinh sống, làm việc, mang theo cả nét đặc trưng riêng có của vùng quê mình.

Những nét đặc trưng ấy tạo nên nhiều câu chuyện khóc - cười, kỷ niệm, thói quen không thể hoặc không muốn từ bỏ. Trên tất cả là sự tự hào về nét văn hoá đặc trưng từng vùng miền, tô thêm những sắc màu rực rỡ cho nơi phố thị sôi động. Và sau này, nét “nhà quê” ấy vẫn được giữ gìn và trân trọng.

Ký ức của người quê ra phố
Khách mời tham gia chương trình. (Ảnh: VTV)

Đến với chương trình quán thanh xuân số tháng 3, nghệ sĩ nhân dân Trọng Trinh chia sẻ, ông được gửi lên Hà Nội khi vừa 18 tháng. Sống từ nhỏ giữa đất thành phố thế nhưng ông vẫn ấn tượng với hình ảnh trai phố thời đó về làng - những chàng áo sơ mi trắng, dép nhựa, cài bút kim tinh, bật đài oang oang đi từ đầu làng đến cuối làng.

MC Thảo Vân kể câu chuyện đã từng suýt đi theo con đường văn công nhưng rồi số phận xen vào, chị trở thành người duy nhất trong gia đình có 8 anh chị em lên thành phố học đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Quyết định đó lại là của người anh rể Thảo Vân, một người từng du học Nga.

Đến tận tây giờ khi được hỏi về ấn tượng lần đầu lên phố, MC Thảo Vân vẫn nhớ y nguyên bữa cơm đầu tiên tại nhà thầy cô giáo người Hà Nội. Đó là bữa cơm ngon chưa từng thấy, nhưng mà “cái gì cũng ít, đặc biệt là thịt. Người Lạng Sơn không bao giờ bày những đĩa thịt bé xíu như thế”- Thảo Vân chia sẻ.

Ký ức của người quê ra phố
Nghệ sĩ nhân dân Trọng Trinh chia sẻ về những kỷ niệm khi lần đầu tiên đặt chân lên Hà Nội. (Ảnh: VTV)

Cũng tại chương trình lần đầu tiên khán giả được biết đến câu chuyện của ca sĩ Phương Thanh, cô bé Núi Nưa năm nào mới 4 tuổi đã được cha thả lên một chuyến tàu vào Nam, qua… cửa sổ. Cuộc sinh tồn dường như đã bắt đầu từ khi đó, bởi vậy giọng hát của Phương Thanh sau này chất chứa những nỗi niềm dĩ vãng, cả sự căng mình bươn chải để có thể vươn lên giữa đất thành phố nhiều thử thách.

Ngày chuyển ra phố, sau những bỡ ngỡ ban đầu, là những ngày vất vả mưu sinh. Gia đình Phương Thanh dù đã mua được căn nhà giữa đất thành phố nhưng vẫn phải làm đủ nghề để bám trụ. Bố bơm xe ở đầu ngõ, mẹ may quần áo cho văn công. Bản thân Phương Thanh cũng từng làm quen với công việc bán báo, bơm xe.

Ký ức của người quê ra phố
Ca sĩ Trọng Tấn biểu diễn bài hát Về quê. (Ảnh: VTV)

Còn nghệ sĩ nhân dân Thanh Ngoan từng bị cảm giác nhớ nhà phát khóc, mà phải khóc lén. 6 tháng mới được về, những cô bé nghệ sĩ tương lai sợ nhất là trời mưa, mỗi lần mưa đều khóc vì mưa không nhìn thấy trăng mà lúc nào nhìn trăng cũng nghĩ là bố mẹ đang cùng nhìn. Những gói quà của mẹ gửi lên thành phố gói bằng lá chuối khô, buộc sợi rơm thơm, dùng hết quà để rơm lại để đỡ nhớ mẹ.

Sau này lớn lên, có những thói quen “nhà quê” cô vẫn luôn gìn giữ như khẩu vị, âm sắc giọng nói, thói quen “tụ tập”, họp hội đồng hương…

Nghệ sĩ nhân Trọng Trinh, thành viên tích cực của Hội Nghệ nhân (người Nghệ An) chia sẻ, mỗi lần mọi người gặp nhau là nói tiếng Nghệ. Anh kể, mùi quê lạ lắm, có lần chở cha về quê, cha anh đang ốm thế mà khi xe đỗ ở bên bờ sông Lam ông lại thấy khoẻ hẳn ra. Dường như quê hương cội nguồn có một sức mạnh bí ẩn nào đó, khó lý giải.

Những người thành công ở thành phố, vẫn có những ký ức quê. Và những người nghệ sỹ có nghĩa vụ lưu giữ ký ức ấy ở góc nhìn trang trọng nhất, đẹp nhất và được chia sẻ cho tất cả mọi người, thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật. Và đó chính là cội nguồn của những bộ phim, các ca khúc có đề tài và mang âm hưởng đồng quê/nhà quê.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này