Xóa bếp than tổ ong và câu chuyện “dân vận khéo”

17:11 | 03/02/2021
(LĐTĐ) Trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị văn minh và môi trường văn hóa lành mạnh của Thủ đô, sự đóng góp của công tác dân vận, đội ngũ những người làm công tác dân vận vô cùng quan trọng.
Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc xóa bếp than tổ ong Phụ nữ phường Thổ Quan nói không với sử dụng than và bếp than tổ ong Nhiều chuyển biến tích cực trong xóa bếp than tổ ong

Dân vận khéo khó mấy cũng thành công

Hơn 30 năm qua, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta ngày một phát triển vượt bậc, củng cố vị thế vững mạnh trên trường quốc tế, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Một ví dụ tiêu biểu thể hiện tầm quan trọng của công tác dân vận là việc xóa bỏ bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Chỉ thị số 15 CT/KU-UBND.

Từ thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có hơn 55.000 hộ dân đang sử dụng bếp than tổ ong, để dùng loại bếp này thì người dân đã dùng rất nhiều loại vật liệu khác nhau để nhóm lửa. Quá trình nhóm bếp cộng với việc đốt than đã gây ô nhiễm trong khu vực.

Xóa bếp than tổ ong và câu chuyện “dân vận khéo”
Hiện nay, trên địa bàn quận Đống Đa hầu hết đã xóa bỏ được bếp than tổ ong

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện Chỉ thị số 15 CT/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các quận trên địa bàn Hà Nội đã và đang tiến hành xóa bỏ bếp than tổ ong trong sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ. Trong đó nhiều nơi đã đạt và vượt tiến độ theo kế hoạch thành phố đề ra.

Đơn cử, tại quận Đống Đa, với đặc thù là một trong những quận có mật độ dân cư lớn nhất Hà Nội, có nhiều khu tập thể cũ và hầu hết phần tầng một của các khu tập thể này đều được các hộ dân tận dụng vừa để ở vừa kết hợp kinh doanh. Trước đây, không khó để có thể bắt gặp những hộ kinh doanh ăn uống nhỏ, bán nước trên vỉa hè hay các hộ nghèo sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu.

Tuy nhiên, được sự ủng hộ của người dân cùng với sự đồng lòng chung sức trong toàn bộ hệ thống chính trị, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức, hiện nay trên địa bàn quận Đống Đa hầu hết đã xóa bỏ được bếp than tổ ong, tiêu biểu trong đó là phường Trung Tự - phường đầu tiên về đích trước 2 tháng theo kế hoạch của Quận và Thành phố đề ra.

Lấy dân làm gốc

Theo đó, tại phường Trung Tự đã thành lập các tổ công tác gồm nhiều thành phần cán bộ cơ sở khác nhau như là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố rồi là Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Mặt trận Tổ quốc, đến tận từng hộ dân, hộ kinh doanh có sử dụng bếp than tổ ong đun nấu để vận động họ bỏ đi chuyển sang dùng loại bếp khác.

Ví dụ, gia đình bà Vũ Thị Đang vốn từ lâu nay đã gắn liền với chiếc bếp than tổ ong bởi vừa phù hợp với kinh tế của gia đình cũng vừa là thói quen nấu ăn của gia đình. Sau khi được các cán bộ của Chi bộ, Tổ dân phố xuống tận nơi tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, gia đình bà đã chuyển sang sử dụng bếp điện và không khỏi ngạc nhiên bởi những lợi ích từ việc dừng sử dụng bếp than tổ ong.

“Dùng bếp điện này nhanh lắm, không phải mồi như bếp than tổ ong. Ngày trước, dùng bếp than tổ ong thì người lớn đi làm cả ngày không sao, nhưng trẻ con ở nhà cả ngày thì hít phải hơi than độc nên ốm đau suốt. Từ ngày mà nhà tôi chuyển sang dùng bếp điện này thì bọn trẻ lại khỏe hẳn ra, ăn được mà ngủ được”, bà Đang chia sẻ.

Ông Hà Phú Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Tự cho biết, sau khi nhận được Chỉ thị của Thành phố, rồi văn bản hướng dẫn giao kế hoạch của quận, phường đã ngay lập tức ban hành kế hoạch chi tiết cụ thể đến từng cụm dân cư.

“Trong quá trình đó, chúng tôi đã rà soát thu thập được nhiều thông tin về tình hình sử dụng bếp than tổ ong và tiến hành thuyết phục vận động và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn cũng đã chung lòng chung sức cùng phường có những biện pháp hỗ trợ đối với những hộ gia đình nào mà gặp phải khó khăn khi chuyển đổi loại hình đun nấu”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Trung Tự chia sẻ.

Xóa bếp than tổ ong và câu chuyện “dân vận khéo”
Phường Trung Tự tuyên truyền, hỗ trợ các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong sang các loại hình đun nấu khác. (Ảnh chụp tháng 10/2020)

Cũng theo ông Hà Phú Bình, bên cạnh viêc xóa bỏ thì công tác kiểm tra, rà soát, phát hiện, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm hoặc tái sử dụng bếp than tổ ong vẫn được phường Trung Tự thực hiện nghiêm túc.

Chính nhờ vào việc nắm vững tình hình địa bàn, thực hiện tốt công tác dân vận, đề ra những chính sách hỗ trợ, ưu đãi kịp thời cho người dân mà Đảng và Chính quyền phường Trung Tự nói riêng và quận Đống Đa nói chung đã có thể hoàn thành tốt mục tiêu thay thế bếp than tổ ong, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ mỹ quan của thủ đô Hà Nội xanh – sạch – đẹp.

Có thể thấy, việc tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc là một bài học lớn được rút ra từ chiều sâu lịch sử. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn luôn nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của công tác dân vận, thường xuyên chăm lo xây dựng và củng cố mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân.

Làm tốt công tác dân vận và liên hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống tốt đẹp và là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta. Và chính nhờ dân vận tốt mà mặc dù với số lượng không đông, Đảng ta vẫn có đủ sức mạnh lãnh đạo cách mạng vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù, dù đó là kẻ thù nguy hiểm và hung bạo nhất.

K.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này