Đổi mới sáng tạo phải gắn với kết nối, phối hợp giữa các chủ thể

08:30 | 10/01/2021
(LĐTĐ) Chiều 9/1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã chủ trì Tọa đàm về vai trò của trung tâm đổi mới sáng tạo trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2021.
Khởi đầu của một làn sóng đổi mới sáng tạo Việt Nam Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả! Chuẩn bị khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Tại hội thảo, ông Vũ Quốc Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã chia sẻ thông tin sơ lược về Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Theo đó, Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã khẳng định rất rõ vai trò của đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ.

Đổi mới sáng tạo phải gắn với kết nối, phối hợp giữa các chủ thể
Đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước; các trường học; viện nghiên cứu; tổ chức tư vấn chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được Thủ tướng Chính phủ thành lập với mục đích kết nối các chủ thể tích cực của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong đó, có các chủ thể là doanh nghiệp; quỹ đầu tư; viện nghiên cứu; trường học... Trung tâm Đổi mới sáng tạo còn là nơi kết nối các ý tưởng kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp với các quỹ đầu tư cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu để nuôi dưỡng, phát triển các ý tưởng trên thành giải pháp, mô hình kinh doanh có hiệu quả, từ đó thúc đẩy kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Chia sẻ kinh nghiệm về những Trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới và vai trò của các trung tâm này đối với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, ông Marcin Miller, Phó giám đốc Hợp danh Mckinsey Việt Nam cho rằng, Trung tâm đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy sáng tạo của một đất nước.

Trung tâm đổi mới sáng tạo là sự kết nối của rất nhiều các đơn vị chủ thể trong hệ sinh thái, trong quá trình hợp tác giữa các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, có 4 chủ thể đóng vai trò rất quan trọng, bao gồm: Chính phủ và các cơ quan Chính phủ; các viện nghiên cứu và trường đại học; các doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ 4.0 vào thực tiễn.

"Điều quan trọng nhất đối với Việt Nam khi thúc đẩy đổi mới sáng tạo là xây dựng môi trường để các chủ thể, các bên liên quan có thể kết nối và phối hợp với nhau. Ví dụ như tại Singapore, quốc gia này thành lập các trung tâm số hóa, các công viên đổi mới sáng tạo, các viện nghiên cứu, các trường đại học… và các đơn vị này có vai trò bình đẳng trong việc xây dựng trung tâm đổi mới quốc gia cũng như hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Cạnh đó, cần thúc đẩy cơ chế chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp/đơn vị làm đổi mới sáng tạo."- ông Marcin Miller khẳng định.

Đổi mới sáng tạo phải gắn với kết nối, phối hợp giữa các chủ thể
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Đại diện Samsung Điện tử Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Đại diện Samsung Điện tử Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là xu hướng được nhiều quốc gia theo đuổi thực hiện. Mục tiêu chính của các quốc gia này là tập trung nguồn lực để phát triển các lĩnh vực theo kế hoạch định sẵn nhằm tạo ra giá trị mới có tính đột phá, ảnh hưởng sâu rộng hoặc một phần đến nền kinh tế.

Tại Hàn Quốc, từ năm 2015, Chính phủ nước này đã thành lập 17 trung tâm kinh tế và đổi mới sáng tạo trên cả nước, với mục đích chính là kết nối toàn bộ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp vừa và nhỏ với những doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại Hàn Quốc và khu vực. Bên cạnh chức năng kết nối, các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc còn đóng vai trò thu hút sự tham gia của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, SK, Huyndai, Lotte vào các trung tâm này theo lĩnh vực nghiên cứu mà họ chú trọng.

Để duy trì hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo này, Hàn Quốc dành nguồn lực lớn từ khu vực công và huy động sự nguồn lực từ các tập đoàn tư nhân lớn trong nước. Mỗi trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hàn Quốc hàng năng duy trì kinh phí 1,8 tỷ USD để đầu tư, bảo lãnh và cho vay phát triển các dự án đổi mới sáng tạo.

Nhờ có nguồn vốn này đã thu hút thêm hàng tỷ USD vào đổi mới sáng tạo hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Mô hình này đã gặt hái rất nhiều thành công không chỉ ở Hàn Quốc mà còn vươn ra thế giới. Tính đến nay đã có hơn 5000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang kinh doanh trong các mạng lưới của các công ty trên toàn cầu.

Cũng tại hội thảo, các đại diện đã cùng nhau chia sẻ về việc kết nối nghiên cứu hàn lâm cơ bản với việc phát triển sản phẩm ứng dụng cùng nhiều vấn đề quan trọng khác từ đó đưa Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam đi vào hoạt động có hiệu quả, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa khoa học công nghệ của Việt Nam vươn tầm thế giới.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này