Phát huy quyền làm chủ của nhân dân qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

19:42 | 03/12/2020
(LĐTĐ) Ngày 3/12, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị giao ban quý IV/2020 nhằm đánh giá kết quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.
Chính quyền và tổ chức Công đoàn phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở Phát huy tốt vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở Kỳ cuối: Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Kim Hoàng, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cho biết, trong năm 2020, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp của Thành phố đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc các nội dung về thực hiện Quy chế dân chủ theo chương trình công tác đã đề ra.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ được gắn với chủ đề công tác năm “Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp” và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phát huy quyền làm chủ của nhân dân qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị

Ngay từ đầu năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Công tác giám sát, phản biện ngày càng đi vào chiều sâu, kịp thời, thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, trong năm đã thực hiện giám sát 5.085 cuộc và phát hiện 848 vụ có dấu hiệu vi phạm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp với nhiều lượt ý kiến tâm huyết, chất lượng.

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở thành phố Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong việc triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thành phố đã đạt được. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: “Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc triển khai có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở đã thể hiện rõ trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Thành phố, đồng thời góp phần tích cực vào việc tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị thời gian tới các thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản của Trung ương và thành phố về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm góp phần nâng cao chỉ số về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS); gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với việc triển khai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội.

Cạnh đó, các thành viên Ban chỉ đạo cần gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục phát huy vai trò của mặt trận, các đoàn thể để triển khai thực hiện Quy chế dân chủ; quan tâm tới hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, nhất là đối với tổ chức Công đoàn; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong năm 2021; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống…

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này