Quyết liệt các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch

13:54 | 03/12/2020
(LĐTĐ) Theo tính toán của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong tháng 12/2020, toàn quốc cần phát triển thêm 1,35 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (để đạt tỷ lệ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); phát triển thêm trên 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số) và cần phát triển thêm trên 1,12 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội: Tiếp tục tháo gỡ vướng mắc Sẽ thanh tra 75 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội Phát huy hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Quyết liệt các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch
Các doanh nghiệp nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội ký nhận Quyết định thanh tra của Thanh tra Hà Nội.

Theo báo cáo tổng hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính đến hết tháng 11/2020, toàn quốc có trên 15,88 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (đạt 32,3% lực lượng lao động trong độ tuổi), trên 13,18 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đạt 26,7% lực lượng lao động trong độ tuổi); và số người tham gia bảo hiểm y tế là trên 87 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 89,2% dân số).

Trong tháng, toàn ngành cũng đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội hằng tháng cho 13.171 người; chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần cho 90.891 người; chế độ ốm đau, thai sản và dưỡng sức - phục hồi sức khỏe cho 816.270 lượt người; giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 84.410 người; chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 16.507 triệu lượt người.

Mặc dù đã tập trung nỗ lực với nhiều giải pháp, tuy nhiên, việc phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 đang là một thách thức lớn đối với ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo tính toán, trong tháng 12/2020, toàn quốc cần phát triển thêm 1,35 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (để đạt tỷ lệ 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); phát triển thêm trên 1,1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số) và cần phát triển thêm trên 1,12 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về mục tiêu phát triển 1,35 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện Bảo hiểm xã hội các địa phương đã phân công cụ thể đối với từng lãnh đạo, cán bộ trong công tác rà soát dữ liệu từ cơ quan thuế, cơ quan quản lý lao động, kế hoạch đầu tư để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phối hợp chặt chẽ với các đại lý thu ưu tiên tuyên truyền, vận động nhóm đối tượng tiềm năng có thu nhập tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Trao đổi tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành, nhiều địa phương bày tỏ lo ngại trước tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ đọng còn cao. Việc xử lý nợ kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... chưa được các Luật có liên quan điều chỉnh. Số người đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có chiều hướng gia tăng.

Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị... Với tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang chiếm khoảng 5,3% số phải thu, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019, Bảo hiểm xã hội các địa phương cũng đang nỗ lực tăng cường đôn đốc thu nợ tại các doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành, nhấn mạnh nhiệm vụ của toàn ngành, bằng mọi cách hoàn thành kế hoạch được giao, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các địa phương đánh giá kế hoạch thu có khả năng hoàn thành; đồng thời đề nghị toàn ngành nỗ lực hơn nữa, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020.

Chủ động, tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị nợ đọng, đơn vị chưa tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia chưa đủ số lao động; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; trường hợp cố tình vi phạm kéo dài, củng cố hồ sơ chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (phấn đấu giảm số tiền nợ phải tính lãi của toàn ngành năm 2020 xuống mức thấp nhất).

Bên cạnh đó, nghiêm túc, quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành, kiểm soát dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo thực hiện trong dự toán năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao; đồng thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm y tế, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trục lợi Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này