Đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng, chống Covid-19

Bảo vệ mình là góp phần bảo vệ cộng đồng

10:30 | 17/11/2020
(LĐTĐ) Để ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, trong cuộc họp ngày 11/11 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã ra chỉ đạo, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi đến 5 địa điểm công cộng là bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ. Thế nhưng, đến nay tình trạng người dân thờ ơ với việc đeo khẩu trang vẫn đang diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn Thành phố, đòi hỏi lực lượng chức năng cần sớm có các giải pháp chấn chỉnh.
Đeo khẩu trang nơi công công cộng: Nơi nghiêm túc, nơi lơ là Bí mật đằng sau thành công đẩy lùi đại dịch COVID-19 của Việt Nam Xử lý nghiêm hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng Chưa hết dịch, sao đã bỏ khẩu trang?

Nhiều nơi còn bỏ ngỏ

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Thành phố yêu cầu người dân tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: Rửa tay, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Tuy nhiên, sau một thời gian tình hình dịch bệnh có phần lắng xuống, tâm lý chủ quan, lơ là đã bắt đầu xuất hiện trong một bộ phận người dân. Tình trạng người dân không đeo khẩu trang hoặc đeo theo kiểu đối phó đang diễn ra ở nhiều nơi.

Bảo vệ mình là góp phần bảo vệ cộng đồng
Người dân lơ là việc đeo khẩu trang tại các siêu thị. (Ảnh: Lê Thắm)

Là trung tâm tại khu vực Láng, mỗi ngày chợ Láng Hạ (Đống Đa) thu hút hàng nghìn người dân tới mua sắm. Cùng với khung cảnh mua bán tấp nập, tình trạng người dân vô tư phớt lờ quy định đeo khẩu trang cũng diễn ra phổ biến. Theo quan sát của phóng viên, phần lớn những người bán hàng ở đây đều không đeo khẩu trang, hoặc đeo một cách nửa vời mặc cho việc tiếp xúc gần giữa họ và người mua diễn ra thường xuyên.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại chợ Khương Thượng (Láng Thượng) và chợ Hà Đông (quận Hà Đông). Tại chợ Hà Đông, dù Ban Quản lý chợ đã đặt bảng thông báo nhắc nhở người dân phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ nhưng nhiều người vẫn cố tình phớt lờ, chỉ đeo khẩu trang khi đi qua cổng, còn khi vào bên trong thì lập tức tháo ra nhét vào túi. Một số tiểu thương dù có khẩu trang trên mặt nhưng chỉ đeo lấy lệ bởi chiếc khẩu trang luôn bị kéo xuống thấp phía dưới cằm.

Một tiểu thương tại đây cho hay, thời gian trước, khi dịch bệnh bùng phát, các tiểu thương ở chợ đều rất ý thức trong việc đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân cũng như khách hàng. Tuy nhiên, gần đây, tình hình dịch bệnh có phần dịu đi nên mọi người cũng ít đeo khẩu trang hơn để tiện bề giao tiếp. “Chúng tôi là dân buôn bán, phải mời chào khách gần như cả ngày, việc đeo khẩu trang sẽ cản trở ít nhiều đến công việc kinh doanh. Với lại đeo khẩu trang trong thời gian dài sẽ khiến tôi cảm thấy khó thở, mệt mỏi” – tiểu thương này cho biết.

Tương tự chợ dân sinh, cảnh người dân không đeo khẩu trang cũng diễn ra khá phổ biến ở các công viên, khu vui chơi ngoài trời. Tại Công viên Thủ Lệ, vào dịp cuối tuần có khá đông gia đình dẫn con tới tham quan, giải trí. Trong không gian nhộn nhịp, người lớn trẻ em vô tư cười nói, chỉ trỏ, ôm vai bá cổ nhau mà không ai quan tâm tới việc cần đeo khẩu trang để phòng vệ.

Cách đó không xa, tại công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy) trong buổi chiều ngày 14/11, có tới hàng nghìn người cùng chạy bộ tập thể thao nhưng số lượng người đeo khẩu trang chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dường như ai nấy đều mải mê tập luyện, nâng cao sức khỏe, tận hưởng bầu không khí trong lành mà quên mất việc thời tiết đang chuyển lạnh dần chính là môi trường thuận lợi cho virus lây lan nhanh chóng…

Không chỉ tại các địa điểm được cho là khó quản lý, ngay tại các siêu thị, nơi có lực lượng bảo vệ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tình trạng người dân phớt lờ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố cũng đang diễn ra. Cụ thể như tại siêu thị Big C Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) – một siêu thị lớn của Hà Nội. Theo quan sát của phóng viên vào 2 ngày thứ 7, chủ nhật, có tới hàng chục nghìn lượt khách cùng đổ về siêu thị Big C để mua sắm.

Tuy nhiên, bên cạnh những khách hàng tự ý thức rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang khi vào siêu thị thì có những khách hàng lại như không hề biết đến quy định của Thành phố. Đáng nói, không chỉ người dân tới mua sắm mà chính những người bán hàng ở một số điểm cũng không thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.

Chị Đặng Thùy An (Mai Dịch, Cầu Giấy) chia sẻ: “Quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng là quyết định đúng đắn của Ủy ban nhân dân Thành phố để phòng, chống dịch Covid-19. Tôi luôn nghiêm túc tuân thủ quy định này nhưng khi vào siêu thị thấy nhiều người vẫn chủ quan không đeo khẩu trang hay đeo khẩu trang không đúng cách khiến tôi thấy tương đối bất an”.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Khác với chợ, siêu thị hay công viên, việc đeo khẩu trang đang được thực hiện nghiêm túc tại các địa điểm như trung tâm thương mại, bến xe, đặc biệt là bệnh viện. Ghi nhận của phóng viên tại bệnh viện Việt Đức (Tràng Thi, Hoàn Kiếm) cho thấy, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại đây được triển khai hết sức nghiêm túc và hiệu quả.

Bảo vệ mình là góp phần bảo vệ cộng đồng
Việc phòng chống dịch được thực hiện nghiêm tại Bệnh viện Việt Đức. (Ảnh: Lê Thắm)

Tại mỗi cổng ra vào của Bệnh viện Việt Đức đều được cắt cử từ 1-2 bảo vệ túc trực để đo thân nhiệt cũng như yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang trước khi vào bệnh viện, nếu ai không đeo sẽ không được vào. Không chỉ ở khu vực cổng, bên trong sân, các sảnh, nhà chờ của bệnh viện đều có bố trí bảo vệ kiểm tra, nhắc nhở. Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Tràng Thi, Hoàn Kiếm) người dân cũng rất ý thức trong việc đeo khẩu trang. Tại đây, dù không có nhiều lực lượng bảo vệ túc trực nhắc nhở như Bệnh viện Việt Đức nhưng từ khuôn viên đến các sảnh chờ người dân đều chấp hành nghiêm chỉnh.

Cùng với bệnh viện, bến xe cũng là nơi đi đầu trong công tác nhắc nhở, quán triệt người dân thực hiện nghiêm quy định của Thành phố. Tại Bến xe Giáp Bát và Bến xe Mỹ Đình từ sảnh chờ xe khách tới các điểm chờ xe buýt người dân đều tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống dịch. Họ chủ động đeo khẩu trang và giữ khoảng cánh nhất định với người xung quanh để đảm bảo an toàn.

Được biết,tại các bến xe, khâu tuyên truyền rất được bến xe chú trọng, ngoài cho treo pano, biển báo, việc chống dịch còn được phát hằng ngày trên hệ thống loa phát thanh của bến. Không dừng lại tại đó, các nhân viên bến xe còn thường xuyên tuần tra, giám sát nhắc nhở đến từng lái xe, phụ xe cũng như hành khách trong quá trình di chuyển không được tự ý tháo khẩu trang.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết, việc yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch đã được bến xe thực hiện ngay từ khi dịch vừa bùng phát ở đợt 1. Tuy nhiên, ở đợt 2, khi tình hình dịch có phần dịu xuống thì tâm lý chủ quan, lơ là cũng đã xuất hiện ở 1 bộ phận người người dân. Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Tổng Công ty vận tải Hà Nội, Bến xe Giáp Bát đã phối hợp cùng với lực lượng chức năng trên địa bàn quận Hoàng Mai để nhắc nhở, yêu cầu đối với toàn bộ lái, phụ xe và hành khách thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào bến xe.

Bảo vệ mình là góp phần bảo vệ cộng đồng
Bến xe Giáp Bát là một trong những đơn vị đi đầu trong tuyên truyền, nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. (Ảnh: Lê Thắm)

Bên cạnh việc, thường xuyên truyên truyền trên hệ thống phát thanh của bến, nhân viên bến xe cũng trực tiếp nhắc nhở đối với lái phụ xe và các hành khách khi vào bến xe phải thực hiện đúng Chỉ thị của Chính phủ và Thành phố. Những hành khách và lái, phụ xe cố tình không chấp hành, bến xe sẽ từ chối phục vụ. Tuy nhiên, hiện nay bến xe đang gặp một số khó khăn trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở đó là Bến xe Giáp Bát không có chế tài, chức năng xử phạt người dân vi phạm mà việc xử phạt chỉ có thể thực hiện bởi lực lượng chức năng của quận Hoàng Mai. Vì vậy, việc siết chặt hơn nữa quy định bắt buộc người dân đeo khẩu trang tại bến xe đang rơi vào thế khó.

“Thời gian qua sau khi có các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thành phố ý thức chấp hành của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, với đặc thù là địa điểm công cộng, tập trung nhiều người, tại Bến xe Giáp Bát đôi lúc còn xảy ra tình trạng một bộ phận ngời dân cố tình phớt lờ quy định. Để quy định thực sự được đi vào chiều sâu, thiết nghĩ công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, cùng với đó là cần có cơ chế xử phạt nặng để tăng tính răn đe.

Từ ngày 15/11, Nghị định 117 của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Y tế chính thức có hiệu lực, với vai trò của mình, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng để xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm” – ông Tùng chia sẻ.

Còn theo ông Lý Trường Sơn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, việc xử phạt nặng người không đeo khẩu trang nơi công cộng là một trong những biện pháp góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn là phải đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền để việc đeo khẩu trang thực sự ăn sâu vào tiềm thức của dân.“Tại Bến xe Mỹ Đình, công tác tuyên truyền phòng chống dịch đều được thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền này chỉ có thể đến tai người dân trong khu vực thành phố Hà Nội, còn đối với người dân từ nơi khác đến, phần nhiều họ chưa nắm được các thông tin. Vì vậy, việc tiên quyết, đầu tiên vẫn là tuyên truyền, không chỉ tuyên truyền trong Thành phố mà cần mở rộng ra tại nhiều tỉnh thành khác để mọi người cùng biết đến. Chúng ta cần có những phương thức tuyên truyền đa dạng hơn, ví dụ như lồng ghép thông điệp phòng chống dịch vào các tiểu phẩm, các bộ phim, chương trình truyền hình hay đơn giản hơn là những đoạn quảng cáo ngắn vẫn thường được phát trên vô tuyến.

Cùng với các phương tiện truyền thông, chúng ta cần chú ý đến tâm lý và nhu cầu của người dân, ví dụ như sản xuất khẩu trang với những mẫu mã đa dạng, bắt mắt, phù hợp với từng lứa tuổi, giới tính… cũng sẽ là một cách làm hữu hiệu để người dân tự nguyện chấp hành” – ông Sơn bày tỏ.

Cần phải khẳng định, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, trách nhiệm của mỗi người dân, công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài, chưa có vắc-xin hay thuốc đặc trị thì những thay đổi tích cực trong cuộc sống thường ngày của mỗi người chính là yếu tố cần thiết để tiếp tục phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới. Do đó, việc đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động cộng đồng, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, hạn chế tập trung đông người là những việc làm cần thiết hiện nay để vừa tiếp tục thực hiện phòng chống dịch bệnh vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này