Nâng cao văn hóa đọc trong trường học từ mô hình thư viện

14:29 | 03/11/2020
(LĐTĐ) Những năm gần đây, nhiều trường học trên cả nước đã đầu tư không gian thư viện trường, xây dựng các câu lạc bộ về sách, tổ chức các cuộc thi, chương trình về sách, mang lại hiệu quả tích cực trong việc giúp học sinh khơi dậy niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách.
Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng: Từng bước nâng tầm trí tuệ Việt Văn hóa đọc cho thiếu nhi: Một thập kỷ nhìn lại Khi người trẻ tận dụng mạng xã hội lan toả văn hoá đọc

Xác định khơi dậy và bồi đắp niềm ham thích đọc sách cho học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Trường Trung học cơ sở Phù Cừ (Hưng Yên) đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong hoạt động của thư viện trường.

Cô giáo Lê Thị Thanh Hồng – Phụ trách Câu lạc bộ Văn học nhà trường cho biết, trường Trung học cơ sở Phù Cừ là trường chất lượng cao của huyện Phù Cừ. Trường được biết đến không chỉ là ngôi trường có chất lượng dạy tốt, học tốt mà còn là trường luôn đi đầu trong mọi phong trào do các tổ chức phát động, đặc biệt trong phong trào phát triển văn học đọc.

Nâng cao văn hóa đọc trong trường học từ mô hình thư viện
Học sinh trường Trung học cơ sở Phù Cừ sinh hoạt Câu lạc bộ Văn học. (Ảnh: Thanh Hồng)

“Trường có thư viện với phòng đọc rộng rãi, thoáng mát, chia làm các khu đọc sách chuyên biệt như sách học tập, sách khoa học, sách giải trí. Các đầu sách ở đây cũng rất phong phú, đáp ứng nhu cầu đọc, tìm hiểu, giải trí của học sinh như sách giao khoa, tạp chí, đặc san, nhiều tác phẩm văn học, đặc biệt là sách thiếu nhi”, cô Hồng cho biết.

Thư viện được thành lập từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã huy động sách từ nhiều nguồn, thường xuyên bổ sung qua các năm học, từ sự quyên, tặng của học sinh, phụ huynh, học sinh gây quỹ mua sách, hay nguồn trích từ từ ngân sách của nhà trường… Chính vì vậy, không chỉ có những đầu sách phong phú mà thư viện còn cập nhật được những đầu sách mới, phù hợp với xu hướng đọc sách và tìm hiểu của học sinh.

Tuy nhiên, nhận thấy mô hình thư viện theo cách cũ từ trước không còn hấp dẫn, nhà trường đã chủ động nghiên cứu đổi mới cách khuyến khích học sinh đọc sách bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó điển hình là việc thành lập các câu lạc bộ đọc sách, câu lạc bộ văn học.

Đặc biệt, Câu lạc bộ văn học của trường đã có những hoạt động tích cực, thường xuyên tổ chức các buổi giới thiệu sách hay vào các sáng thứ hai hàng tuần; đọc các bài giới thiệu sách trong chương trình phát thanh 10 phút đầu giờ mỗi buổi học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế như thăm khu tưởng niệm Nam Cao, thăm nhà Nguyễn Khuyến…; tặng sách cho học sinh có thành tích trong học tập và công tác phong trào. Đặc biệt Câu lạc bộ còn khuyến khích học sinh tham gia viết bài cho các báo, tạp chí.

Kết quả cho thấy, sau nhiều năm hoạt động tích cực nâng cao văn hoa đọc, phong trào đọc sách trong nhà trường ngày càng có sức lan tỏa và nâng cao chất lượng đọc. Một trong những kết quả rõ nét nhất mang lại sự phấn khởi cho thầy và trò trường Trung học cơ sở Phù Cừ đó chính là các giải thưởng từ cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Nâng cao văn hóa đọc trong trường học từ mô hình thư viện
Em Mai Nhật Anh - Lớp 6C: "Đọc sách giúp em có thêm những thông tin thú vị, rèn tính kiên nhẫn..." (Ảnh: Thanh Hồng)

Thầy Bùi Đăng Thương - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Câu lạc bộ văn học có 3 em đoạt giải Đại sứ Văn hóa đọc, đó là em Nguyễn Đức Anh đoạt giải Nhì; em Bùi Tuệ Minh và em Doãn Thị Huế đoạt giải Ba. Những giải thưởng trong cuộc thi quy mô toàn quốc này là sự khích lệ tinh thần rất lớn đối với nhà trường và các em, để từ đó là động lực cho các em đến với văn hóa đọc ngày càng đông đảo hơn”.

Em Nguyễn Như Quỳnh, học sinh lớp 7C cho biết, việc đọc sách từ thư viện là thói quen của em. Đọc sách giúp em mở mang hiểu biết, thỏa sức sáng tạo và học được cách sử dụng ngôn ngữ, tự tin khi thuyết trình, đứng trước đám đông. Còn em Mai Nhật Anh, học sinh lớp 6C thì nói: “Đọc sách giúp em có thêm những thông tin thú vị, rèn tính kiên nhẫn, giảm stress sau những giờ học, và đặc biệt, đó là cách giải trí lành mạnh”.

Là người bám sát các phong trào đọc sách của các em trong nhiều năm qua, cô Lê Thị Thanh Hồng khẳng định, đọc sách có thể cải thiện khả năng tập trung của học sinh, giúp học sinh sống chậm, biết suy nghĩ, lắng nghe, cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Đặc biệt, giúp cho các em biết rung cảm, sẻ chia và yêu thương.

Nhận thức được tầm quan trọng của thư viện nhà trường đối với phát triển văn hoá đọc trong học sinh, các trường học trên địa bàn toàn tỉnh cũng chủ động tuyên truyền, vận động, khuyến khích học sinh thường xuyên đến thư viện đọc, tìm hiểu kiến thức qua sách, báo.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”, ngày 15/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” giai đoạn 2014 - 2020 (Quyết định số 2549/QĐ-BVHTTDL); tiếp đó, ngày 10/10/2014 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 3592/BVHTTDL-TV gửi các địa phương hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

Với kế hoạch triển khai ngày một hoàn thiện và sự phối hợp, hưởng ứng tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, Đề án đã được triển khai trên khắp các tỉnh/thành, tạo sự hưởng ứng sôi nổi trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện trường học, thư viện lực lượng công an nhân dân, các bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ... Tính đến nay, hệ thống thư viện tại các trường phổ thông trên cả nước đã lên tới 25.915 thư viện.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này