Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở Hà Nội:

Bài cuối: Tháo gỡ những “nút thắt”

20:13 | 28/09/2020
(LĐTĐ) Mặc dù đã xuất hiện những “điểm sáng” trong phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số tại một số địa phương ở thành phố Hà Nội, tuy nhiên so với yêu cầu, nhiều địa phương vẫn chưa đạt được những mục tiêu như kỳ vọng. Khó khăn được nhắc đến bởi cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, song để làm tốt công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số bên cạnh việc khắc phục tình trạng “thiếu nguồn”, thì giải pháp hữu hiệu chính là thông qua những đảng viên nữ để tuyên truyền, vận động.
Bài 2: Thiếu nguồn “rào cản” trong phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở Hà Nội Bài 1: Phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số: Những bông hoa đẹp từ cơ sở Huyện Đan Phượng: Chú trọng phát triển đảng viên ở doanh nghiệp ngoài Nhà nước

Tạo nguồn đảng viên nữ để tuyên truyền, vận động

Như đã đề cập ở bài viết trước, công tác phát triển đảng, đặc biệt là đảng viên nữ người dân tộc thiểu số ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) và xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã đạt được một số kết quả khả quan và cho thấy công tác bình đẳng giới được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương rất quan tâm. Song không thể phủ nhận thực tế, việc bình đẳng nam, nữ vẫn còn có một khoảng cách nhất định tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế, nhiều phụ nữ năng lực, trình độ còn hạn chế so với nam; thậm chí nhiều người sớm kết hôn, sinh con dẫn đến quá trình phấn đầu, rèn luyện, bồi dưỡng đảng bị ngắt quãng, hay không nhận được sự đồng thuận của gia đình…

Chị Dương Thị Ánh Tuyết, đảng viên trẻ thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ, khó khăn nhất đối với các chị em khi tham gia vào tổ chức đảng đó chính là thuyết phục và nhận được sự đồng thuận của gia đình. Bởi, nhiều chị em vừa phải tham gia công tác ở cơ quan, đơn vị, làm nương rẫy… nhưng lại vừa phải chăm sóc con cái, gia đình nên khi được giới thiệu, bồi dưỡng kết nạp đảng thường không nhận được sự chia sẻ của gia đình.

Bài cuối: Tháo gỡ những “nút thắt”
Quách Thị Hạnh một trong những nữ đảng viên trẻ tiêu biểu ở thôn 4, xã Tiến Xuân, Thạch Thất (Hà Nội)

Từ chia sẻ của chị Ánh Tuyết, trở lại với câu chuyện của Quách Thị Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 4 (xã Tiến Xuân) và đảng viên trẻ Đinh Thị Phương Thảo, Bí thư Chi đoàn thôn 4 (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) để thấy rằng, bên cạnh sự hăng hái, năng nổ tham gia các phong trào thi đua, thì các nữ đảng viên này còn rất khéo léo trong công tác vận động, tuyên truyền. Thậm chí, nhiều trường hợp vừa phải thuyết phục đối tường, vừa phải thuyết phục gia đình đối tượng…

Nhận thức được tầm quan trọng của đảng viên nữ trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, thanh niên tham gia vào tổ chức đảng tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song, không phải chi bộ nào cũng có thuận lợi như chi bộ thôn 4 xã Tiến Xuân. Bởi lẽ, để tạo nguồn trước hết cần phải tạo được môi trường thuận lợi cho quần chúng nữ phấn đấu, thể hiện mình; đồng thời định hướng, giúp đỡ để họ vượt qua tâm lý tự ti, vượt qua “rào cản” của gia đình.

Những tấm gương đảng viên nữ người dân tộc thiểu số như Hạnh, Thảo hay Ánh Tuyết… trở thành số nhỏ đại diện cho những đảng viên nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn mình sinh sống, trở thành cầu nối đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đồng thời, góp phần quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Từ đó, đem đến nguồn sinh lực mới cho đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng từ cơ sở, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền.

Gỡ “nút thắt” thiếu nguồn

Có thể thấy, công tác phát triển đảng, đặc biệt là đảng viên nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm từ cấp ủy đảng, chính quyền tại các địa phương. Nhưng thực tế cho thấy, công tác tạo nguồn đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là việc thiếu hụt nhân sự, thiếu hụt nguồn đảng viên mới kế cận bởi những vướng mắc cả về khách quan lẫn chủ quan. Như đồng chí Quách Hữu Nghiệp, phó Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) chia sẻ, trong công tác tạo nguồn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các đoàn thể ở địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động thu hút, tập hợp đoàn viên, hội viên là nữ tham gia…

Bởi thế, nếu cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể không quan tâm chú ý, các chi bộ chưa làm hết vai trò trách nhiệm trong công tác phát triển đảng viên nói chung, đảng viên nữ người dân tộc thiểu số nói riêng, thì việc thiếu nguồn sẽ không tránh khỏi… Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giác ngộ ý tưởng cách mạng và nâng cao nhận thức về đảng cho quần chúng là nữ người dân tộc thiểu số. Và giải pháp cho vấn đề này đó là, cần phải có những nữ đảng viên làm “hạt nhân”, nhất là ở những địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

thieu-nguon-bai-toan-nan-giai-trong-phat-trien-dang-tai-xa-ba-vi-1
Đồng chí Dương Trung Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội)

Cùng với việc tìm kiếm, xây dựng các “hạt giống đỏ” là nữ, một trong những “nút thắt” tại địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chính là việc “thiếu nguồn”. Thực tế, việc thanh niên đi làm ăn xa ở các thành phố lớn khiến lực lượng “nguồn” kết nạp đảng tại nông thôn gặp khó, không phải đến thời điểm này mới xảy ra, mà thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Và để tháo gỡ “nút thắt” này, hiện tại vẫn còn là vấn đề nan giải tại nhiều địa phương.

Đồng chí Dương Trung Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì, chia sẻ, với đặc thù là xã miền núi, thành phần dân tộc thiểu số sinh sống chiếm đến 98% và cơ bản là sống bằng nghề bốc thuốc Nam, để gỡ “nút thắt” trên thì chính quyền cấp trên cơ sở cần phải có những chính sách đào tạo nghề phù hợp, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng…qua đó giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương. Có như vậy mới giữ chân được lực lượng thanh niên ở lại địa phương làm việc, và lúc đó cũng sẽ hạn chế tối đa được thực trạng thiếu nguồn đảng viên, đặc biệt là đảng viên nữ ở cơ sở.

Song song với công tác giải quyết việc làm tại cơ sở, theo đồng chí Dương Trung Tuấn, để giải quyết công tác thiếu nguồn đảng viên nữ tại cơ sở, đặc biệt là khu vực nông thôn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số thì tại các chi bộ nông thôn cần phải tạo được sự hứng khởi để các quần chúng ưu tú phấn đấu vào đảng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng và nhận thức về Đảng cho quần chúng, trong đó có quần chúng là nữ người dân tộc thiểu số, tạo niềm tin và động cơ để quần chúng tích cực tham gia xây dựng Đảng và phấn đấu vào Đảng.

Bên cạnh đó, đề cao tinh thần trách nhiệm của bí thư chi bộ thôn, bản; nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng trong công tác phát triển đảng viên nữ người dân tộc thiểu số. Đồng thời, tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, qua thực tiễn ở cơ sở phát hiện, giới thiệu đoàn viên, thanh niên, hội viên, quần chúng ưu tú cho Đảng…

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này