Vị Chủ tịch Công đoàn tâm huyết

15:11 | 17/09/2020
(LĐTĐ) Hơn 20 năm ở cương vị Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam, ông Lê Mạnh Hà đã có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động chung của Công ty. Trong các phong trào thi đua do công đoàn cấp trên triển khai, ông luôn là người đi đầu, nhờ đó ông trở thành cánh chim đầu đàn cho công nhân noi theo.
Nâng cao tay nghề để tăng năng suất lao động
Khẳng định vị thế bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả
Ông Nguyễn Tràng Huy làm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt-Pacific

Điểm tựa tin cậy của người lao động

Chúng tôi gặp ông Lê Mạnh Hà, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam trong Hội nghị thành lập điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Công ty và khu tập thể địa chất. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông là một người thân thiện, cởi mở và tràn đầy nhiệt huyết. Trò chuyện với ông, chúng tôi được nghe ông kể nhiều về những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động công đoàn tại cơ sở, đặc biệt là vấn đề bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Vị Chủ tịch Công đoàn tâm huyết
Ông Lê Đình Hùng- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tặng Giấy khen của Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh cho ông Lê Mạnh Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cao su Inoue (thứ 2 phải ảnh qua).

Xuất phát điểm là công nhân nên hơn ai hết ông Lê Mạnh Hà là người hiểu rõ tâm tư, tình cảm của người lao động.Trong nhiều năm qua, ông cùng Ban Chấp hành Công đoàn công ty TNHH Cao su Inoue đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để ký thỏa ước lao động tập thể, thương lượng tăng lương, tăng thưởng, tăng phúc lợi cho người lao động. Đặc biệt, ông cũng là người giám sát và yêu cầu Công ty thực hiện các chính sách đảm bảo có lợi ích cho người lao động. Hành động trên của ông vừa làm lợi cho bộ máy nhân sự của công ty vừa giúp người lao động có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Với đặc thù là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ông Lê Mạnh Hà đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc đàm phán thương lượng với chủ doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích cho người lao động. Thông qua các diễn đàn như: Hội nghị người Lao động; Đối thoại tại nơi làm việc…ông đã đấu tranh, thuyết phục tổng giám đốc công ty (nhiệm kỳ 2013-2018) công nhận và đăng ký với bảo hiểm xã hội cho một số công nhân đã và đang làm việc tại môi trường lao động độc hại trong công ty.

Ông Hà cho biết, ngay từ ngày thành lập và đi vào hoạt động, công ty đã công nhận một số bộ phận làm việc trong môi trường độc hại nên đã chi trả chế độ phụ cấp độc hại và thêm ngày nghỉ phép năm cho công nhân (thêm 2 hoặc 4 ngày/ năm). Tuy nhiên, công ty lại không đăng ký với Bảo hiểm xã hội về những trường hợp trên, cũng chính từ sự việc trên đã tạo làn sóng bức xúc trong công nhân lao động.

Sau nhiều cuộc đối thoại, thương lượng, phải đến cuộc ngừng việc tập thể của công nhân cuối tháng 1/2018, Tổng giám đốc mới chịu công nhận và đăng ký cho những người làm công việc độc hại. Bắt đầu từ đó, quyền lợi của người lao động trong lĩnh vực độc hại của công ty mới được đảm bảo, kể từ đó họ mới thực sự yên tâm và tiếp tục hăng say lao động, sản xuất, đóng góp cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.

Chia sẻ về kinh nghiệm giải quyết mâu thuẫn giữa người lao động và doanh nghiệp, làm hài hòa lợi ích giữa 2 bên, từ đó ổn định sản xuất cho doanh nghiệp và đưa lại thu nhập cho người lao động, ông Lê Mạnh Hà cho biết: “Cán bộ công đoàn (không chuyên trách) cần phải làm tốt công tác chuyên môn; hiểu biết pháp luật, có khả năng lý luận và vận dụng thực tiễn để đấu tranh và thuyết phục chủ doanh nghiệp. Coi đấu tranh để cùng tìm giải pháp hợp lý cho phát triển bền vững, không coi lợi ích giữa người lao động và chủ doanh nghiệp là đối kháng mà là lợi ích hài hòa giữa các bên”.

Những việc làm của Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cao su Inoue không chỉ là việc làm thiết thực giúp người lao động bảo đảm được quyền lợi của mình mà còn củng cố niềm tin của người lao động vào tổ chức công đoàn. Với sự vào cuộc tích cực của ông Lê Mạnh Hà, đời sống vật chất của công nhân ngày càng được nâng cao. Từ một công đoàn cơ sở chỉ có hơn 500 công đoàn viên, đến nay, doanh nghiệp đã có tổng số hơn 1.200 người lao động, thu nhập bình quân gần 11 triệu đồng/người/tháng.

Hàng năm, 100% người lao động trong công ty được đóng, nộp đầy đủ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tự nguyện theo đúng luật. Người lao động được trang bị các trang thiết bị an toàn lao động; được khám sức khỏe định kỳ đầy đủ; được trang bị bếp ăn tập thể hiện đại... cùng rất nhiều các chế độ chính sách có lợi cho người lao động.

Hết lòng chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân

Không chỉ bảo vệ tốt quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cao su Inoue còn đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho toàn thể anh chị em tại công ty. Nắm bắt nhu cầu vui chơi giải trí của người lao động sau những giờ làm việc căng thẳng, ông đã đề nghị Ban giám đốc và Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh thành lập điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng để làm nơi sinh hoạt sau những ngày làm việc mệt mỏi, tái tạo sức lao động cho công nhân lao động.

Theo đó, đầu năm 2020, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của Công ty và khu tập thể địa chất đã được chính thức đưa vào sử dụng. Công trình được chia làm nhiều giai đoạn để đầu tư. Giai đoạn 1 từ năm 2018 – 2019: Đầu tư sân khấu cho các hoạt động văn nghệ và sự kiện với kinh phí là 178 triệu đồng; Giai đoạn 2 là nâng cấp hội trường thành phòng đa năng như hội họp, đọc sách, ca nhạc và đầu tư giàn âm thanh trị giá hơn 90 triệu đồng. Với việc ra mắt điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân đã được nâng lên rõ rệt.

Bên cạnh đó, trong suốt thời gian giữ chức vụ chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Cao su Inoue, ông Hà cũng luôn là người thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong công nhân lao động. Hằng năm, công ty đều tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền nội bộ; liên hoan văn nghệ cho công nhân lao động. Mỗi khi đội tuyển bóng của công ty đi giao lưu, ông Hà luôn là người đứng sau cổ vũ tinh thần cho cả đội.

Không chỉ là tấm gương cán bộ công đoàn tâm huyết, ông Lê Mạnh Hà được Ban lãnh đạo công ty đánh giá là người tận tụy, hết lòng vì công việc. Trong quá trình làm việc tại công ty, ông đã thúc đẩy phong trào sáng kiến sáng tạo trong công nhân lao động để từ đó đưa ra những ý tưởng hay làm lợi cho công ty. Không để ý tưởng nằm trên giấy, chính ông cũng là người tham gia đóng góp những ý tưởng hay vào phong trào sáng kiến sáng tạo.

Một trong những sáng kiến sáng tạo của ông được Ban lãnh đạo Công ty đánh giá cao là sáng kiến Nâng cao lượng chứa vải mành (vật liệu của lốp). Trong quá trình làm việc, ông đã nghiên cứu và cải tiến thành công lượng chứa vải mành lên hơn 15% sức chứa hiện tại, từ đó giảm được lượng xe cần dùng, tiết kiệm mặt bằng nhà xưởng dùng để xe và tăng năng suất lao động cho công đoạn cắt vải và công đoạn thành hình.
Để giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty, ông Hà còn có sáng kiến thiết kế biên dạng kẹp màng phù hợp với điều kiện làm việc, làm tăng tuổi thọ màng, góp phần giảm tỷ lệ phế lốp, tránh phải nhập khẩu thêm màng, tăng năng suất lao động cho công nhân lao động.

Với những thành tích trên, nhiều năm qua ông Lê Mạnh Hà đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng bằng khen, giấy khen cũng như Giấy khen của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này