Cho đi nhiều hơn khi còn có thể…

15:42 | 18/08/2020
(LĐTĐ) “Việc hỗ trợ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đã trở thành việc làm thường xuyên của tôi và gia đình. Tôi luôn suy nghĩ phải cho đi, phải cống hiến nhiều hơn khi còn có thể. Những việc làm tuy đơn giản nhưng khiến tôi cảm thấy rất vui”, đó là chia sẻ hết sức chân tình của bà Hoàng Thanh Mai (71 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy).
Thắp sáng nụ cười cho người khiếm thị
Chuyện chàng sinh viên làm nhiều việc tốt
Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Nỗ lực vì cộng đồng

Một ngày mới của bà Mai bắt đầu bằng việc kiểm tra, nắm bắt các thông tin, lên kế hoạch để hoàn thành công việc trong ngày. Bao năm nay, bà đều có thói quen khoa học ấy trong mọi việc thường ngày. Cũng bởi vậy mà người phụ nữ ấy mang trong mình nhiều “vai”, có khi bà là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ đầy cần mẫn, khi là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ đầy tình thương, lúc lại là bà Tổ trưởng tổ dân phố đầy trách nhiệm. Ở tổ dân phố 19 (phường Dịch Vọng Hậu) bà được mọi người quý trọng bởi luôn đi đầu trong các hoạt động của khu dân cư, đặc biệt là luôn giúp đỡ những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn.

1031 1 13
Bà Mai là người khởi xướng ý tưởng lắp camera theo dõi những người đổ rác bừa bãi để nhắc nhở (Ảnh: K. Tiến)

Nhiều năm qua bà Mai đã gắn bó với công tác nhân đạo, từ thiện như công việc thường ngày. Kể từ khi nghỉ hưu, người phụ nữ ấy luôn dành nhiều tâm huyết cho công tác từ thiện, hễ gặp bất cứ hoàn cảnh nào khó khăn là bà lại tìm cách giúp đỡ. Thậm chí, mặc dù tuổi cao nhưng bà đã từng đến rất nhiều nơi xa xôi, hẻo lánh, mang những phần quà của mình đến động viên, chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn. Gần 10 năm qua, năm nào bà cũng giành những xuất học bổng tặng cho con em gia đình gặp khó khăn tại quê hương của chồng tại xã Quảng Đông, Quảng Xương, Thanh Hóa…

Còn tại địa phương, bà Mai cũng tự mình đứng ra xây dựng Quỹ Nhân đạo từ thiện tổ 19, vận động người dân đóng góp để mỗi khi Nhà nước, thành phố phát động ủng hộ đồng bào lũ lụt, hạn hán, quỹ vì người nghèo... là tổ trích quỹ ủng hộ. Mỗi năm bà và gia đình đóng góp vào quỹ của Hội Chữ thập đỏ phường Dịch Vọng Hậu 5 triệu đồng phục vụ công tác từ thiện chung.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, bà cùng các thành viên trong Chi hội Phụ nữ huy động được hơn 10 triệu đồng hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch và trao tặng hơn chục suất quà cho những gia đình trong tổ gặp khó khăn. Riêng gia đình bà đã ủng hộ 10 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Không những thế, người phụ nữ ấy còn tích cực tham gia xây dựng Quỹ Khuyến học của khu dân cư để khen thưởng học sinh có thành tích học tập tốt và tặng học bổng cho những cháu có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn quỹ vài chục triệu đồng mỗi năm này còn hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hè cho các cháu thiếu niên, nhi đồng trong tổ. Là người giàu lòng trắc ẩn, bà Mai không khoanh tay trước những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều năm qua, bà tự bỏ tiền túi mua thẻ bảo hiểm y tế cho một bé bị bệnh tan máu bẩm sinh, một phụ nữ trong khu dân cư mắc bệnh hiểm nghèo thường xuyên phải đi chạy thận.

Yêu Hà Nội theo cách riêng

Không sinh ra ở mảnh đất Hà Nội thế nhưng bà Mai lại gắn bó với Hà Nội. Bà chia sẻ, suốt gần 50 năm qua, bà đã gắn bó với Hà Nội, yêu từng con phố, từng ngõ ngách, từng nét riêng của Hà Nội. Đó cũng chính là lý do bà chưa bao giờ có ý định rời xa mảnh đất này. “Vợ chồng tôi có 2 người con, hiện nay các cháu đều chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, thế nhưng Hà Nội gắn bó với chúng tôi như một phần máu thịt vậy. Chúng tôi quen với lối sống, nếp sống của người Hà Thành và chưa bao giờ muốn rời xa nơi đây”, bà Mai chia sẻ.

Cũng vì yêu mà bao năm qua, bà tình nguyện cống hiến để “tô điểm” thêm những nét đẹp của Hà Nội. Đơn cử, trong công tác vệ sinh môi trường, bà Mai luôn có những ý tưởng sáng tạọ, làm đẹp ngõ phố. 4 năm trước, những ngách sâu trong ngõ 85 đường Xuân Thủy luôn trong tình trạng mất vệ sinh, nhếch nhác bởi những túi rác vứt bừa bãi hay vật liệu xây dựng rơi vãi, các cột điện, bờ tường dày đặc tờ rao vặt. Sự bề bộn ấy giờ đã được thay thế bằng sự khang trang, sạch đẹp. Kết quả đó có được là nhờ bà Mai đã vận động người dân và đi đầu trong công tác giữ gìn môi trường.

Nhiều năm qua, cứ mỗi sáng thứ 7 hằng tuần, dù mưa hay nắng, người dân ở ngõ 85 Xuân Thủy lại thấy bà Mai đều đặn quét dọn ngõ, xóm và vận động chị em trong chi hội cùng tham gia. Không những thế, hễ thấy ngõ, ngách có rác bẩn là bà lại đến dọn sạch. Những quảng cáo, rao vặt dán, treo khắp các bờ tường, cột điện được các bà, các chị bóc, xóa. Lâu dần, thấy ngõ, ngách sạch đẹp, mọi người cùng tham gia, ý thức giữ gìn vệ sinh chung được nâng lên từng bước.

Đặc biệt, bà cũng là người khởi xướng ý tưởng trích xuất camera, chụp ảnh những người đổ rác bừa bãi và treo ở nơi công cộng để nhắc nhở. Giải pháp này lập tức đem đến hiệu quả thiết thực - nạn đổ trộm rác được đẩy lùi. Từ đó, tổ dân phố số 19 luôn dẫn đầu phường Dịch Vọng Hậu trong công tác vệ sinh môi trường và mô hình này được nhân rộng ra nhiều nơi.

Không chỉ làm đẹp “bộ mặt” đường phố, bà Mai cho rằng Hà Nội chỉ thật sự đẹp khi mỗi cá nhân biết nhận thức, biết cư xử đẹp với nhau. Do vậy, bà cũng được mọi người quý trọng, bầu làm Tổ trưởng tổ hòa giải tại Tổ dân phố. Bà kể, bao năm sống ở đây, cứ có việc gì là mọi người lại sang gọi nhờ “hòa giải”. Đặc biệt, bà được các chị em phụ nữ coi là “địa chỉ tin cậy” để chia sẻ, tìm đến nhờ giúp đỡ.

Có lần vừa từ cơ quan về, chưa kịp ăn gì có chị hàng xóm chạy sang nức nở vì bị chồng đánh, bà lại tức tốc chạy ngay đi xử lý. “Điều quan trọng nhất trong công tác hòa giải chính là phải biết lắng nghe, chia sẻ và phân tích cho người ta một cách hợp tình hợp lý. Mình làm bằng cái tâm thì sẽ chạm đến trái tim của mọi người thôi”, bà Mai bộc bạch.

Trong suốt nhiều năm làm công tác cán bộ tại địa phương, câu chuyện làm bà ấn tượng nhất có lẽ là về một gia đình có 3 thế hệ, người vợ không có công ăn việc làm, xảy ra xích mích với gia đình nhà chồng, thường xuyên bị chồng đánh đập. Tuy nhiên, khi đi sâu vào tìm hiểu ngọn ngành, bà biết được rằng cả 2 vợ chồng vẫn còn rất yêu thương nhau. Bà đã trăn trở, hết sức khuyên nhủ và động viên người vợ, đồng thời tỉ tê nói chuyện với gia đình nhà chồng để 2 bên có thể tìm được tiếng nói chung.

Cuối cùng mọi chuyện đã tốt đẹp hơn, cô vợ bị chồng đánh ngày nào giờ đã có gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm ổn định, còn tự nguyện xin không nhận hỗ trợ để nhường cho người khó khăn hơn dù bản thân cũng bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19.

Ghi nhận những việc làm trách nhiệm, tận tâm vì cộng đồng, 2 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai đã được Uỷ ban nhân dân quận Cầu Giấy trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” các năm 2018, 2019. Đồng thời, Thành phố Hà Nội cũng trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” cho bà trong năm 2020./.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này