Bài dự thi: “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô anh hùng, Thành phố hòa bình”

Hiến kế xóa tình trạng ô nhiễm môi trường từ đốt rơm rạ

14:03 | 12/08/2020
(LĐTĐ) Một câu hỏi đặt ra là liệu thành phố Hà Nội, một Thủ đô anh hùng, thành phố Hoà bình, một thành phố lớn với hơn một nghìn năm tuổi, một thành phố có bề dày lịch sử và vẻ đẹp quyến rũ lòng người trong mắt bạn bè quốc tế… có thể không để tái diễn hiện tượng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa ở ngoại thành nhằm cải thiện môi trường sống của thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh và đáng sống?
"Bài ca Hà Nội": Tiếng nhạc trầm hùng mà da diết của Thủ đô Anh hùng
Nhân rộng các mô hình hay trong công tác bảo vệ môi trường
Hà Nội hướng tới đô thị xanh

Từ thực trạng hiện nay

Cứ đến hẹn lại lên, hàng năm theo mùa vụ thu hoạch lúa tại các huyện ngoại thành, bà con nông dân theo thói quen đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, khói bụi làm khuất tầm nhìn, tăng nguy cơ gây tai nạn cho các phương tiện và người tham gia giao thông. Vấn đề này đã được các cấp, các nghành và các địa phương của thành phố quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ trong thời gian tới. Nhiều huyện ngoại thành đã tích cực thực hiện và có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, qua thực tế, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương tuy có giảm nhưng chưa bền vững.

Đơn cử như mùa hè 2020, người dân sinh sống tại Thủ đô đang phải vật lộn với những ngày nắng nóng như “đổ lửa”, lại còn phải hứng chịu khói bụi và mùi khét do người dân ngoại thành đốt rơm rạ từ chiều tối đến đêm. Tại một số huyện ngoại thành, người dân thường đốt các phế phẩm rơm rạ ngay trên các cánh đồng sau khi thu hoạch lúa chiêm xuân.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại huyện Thanh Oai, 5 năm trở lại đây hiện tượng đốt rơm rạ trực tiếp ở đồng ruộng trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm đáng kể. Tuy nhiên, sau vụ thu hoạch lúa xuân 2020, với lượng rơm rạ phát sinh khoảng 35.700 tấn, một phần không nhỏ lượng rơm rạ này người dân vẫn dùng phương pháp đốt ngay tại các cánh đồng như là một thói quen cỗ hữu.

Còn theo khảo sát của Chi Cục bảo vệ môi trường Hà Nội, mỗi năm Hà Nội phát sinh khoảng trên 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, trong đó lượng đốt bỏ ngoài đồng khoảng 352.000 tấn, đó là một con số rất lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân Thủ đô.

Những đám cháy dưới thời tiết nắng nóng oi bức đã làm khói lan toả khắp nơi, đặc biệt với mật độ nhà cao tầng nhiều tại trung tâm Thủ đô khiến mùi khét và khói càng trở nên khó tan hơn. Ngoài mùi khét ảnh hưởng trực tiếp đến hô hấp, khói cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tầm nhìn của người dân khi tham gia giao thông, điều này tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông.

Giải pháp đề xuất

Trước tình trạng người dân sau khi thu hoạch lúa xuân đã đốt bỏ rơm, rạ trên cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn người tham gia giao thông tiềm ẩn những nguy cơ gây tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhiều địa phương khu vực ngoại thành đã tăng cường các biện pháp ngăn chặn hành vi này; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng rơm rạ vào mục đích hiệu quả hơn…

Một câu hỏi đặt ra là liệu thành phố Hà Nội, một Thủ đô anh hùng, thành phố Hoà bình, một thành phố lớn với hơn một nghìn năm tuổi, một thành phố có bề dày lịch sử và vẻ đẹp quyến rũ lòng người trong mắt bạn bè quốc tế… có thể không để tái diễn hiện tượng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa ở ngoại thành nhằm cải thiện môi trường sống của thành phố xanh - sạch - đẹp, văn minh và đáng sống?

Thành phố hoàn toàn có thể được, chúng ta có thể được hơn như thế, bởi Hà Nội không chỉ có vẻ đẹp của thời gian, nét hồn hậu mến khách, những thăng trầm lịch sử đã trải nghiệm, những tinh hoa kim cổ bao đời đã ngấm vào linh hồn mảnh đất cố đô này, điều mà rất nhiều thành phố và quốc gia khác không có được.

Để giải quyết vấn nạn này, các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt là các huyện ngoại thành cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

1. Vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân không đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân

- UBND các huyện và các xã, thị trấn cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ thói quen đốt rơm, rạ hoặc đốt rơm, rạ để lấy tro, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân và khiến người đi đường khó chịu vì khói bụi bay vào mắt, khuất tầm nhìn tiềm ẩn tai nạn giao thông.

- Tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của từng xã, thôn, giúp người dân tại các địa phương có cánh đồng lúa không được đốt rơm rạ.

- Vận động người dân cam kết không đốt rơm rạ, xử lý rơm rạ bằng các biện pháp thân thiện với môi trường.

- Hướng dẫn nông dân sử dụng rơm rạ che phủ gốc cây cảnh, ủ hoai làm phân bón, đưa nước vào đổ ải kết hợp sử dụng máy phay đất xử lý gốc rơm, rạ tại ruộng…

2. Cơ giới hóa, tăng cường áp dụng máy móc thiết bị và tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong việc thu hoạch lúa

- Ngoài việc, rơm rạ được sử dụng vào các mục đích khác, có thể thấy rõ do quá trình thu hoạch sử dụng máy gặt đập liên hoàn, rơm bị thổi tung và nát.

- Dùng các chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ làm nguồn phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp sạch.

- Sau khi thu hoạch lúa tại các cánh đồng, dùng máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp để cày xới chuẩn bị cho vụ tiếp theo, nhờ đó nên rơm, rạ sẽ được vùi trực tiếp xuống đồng ruộng, 100% gốc rạ sẽ tự phân hủy ngay tại ruộng làm nguồn dinh dưỡng tốt cho các vụ trồng lúa tiếp theo.

3. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp thu mua rơm, rạ phục vụ cho phát triển nông nghiệp cao, sạch

- Hỗ trợ người dân ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân bón

- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thu mua rơm, rạ có thể làm nguồn thức ăn cho gia súc

- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thu mua rơm, rạ có thể làm nguyên liệu để trồng nấm

- Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp thu mua rơm, rạ có thể làm nguyên liệu chế biến phân bón hữu cơ phục vụ cho phát triển nông nghiệp cao, sạch

- Một phần rơm rạ có thể được các doanh nghiệp thu mua làm ổ, phục vụ việc ấp nở gà, vịt,...

4. Cần có chính sách khuyến khích thi đua tại các địa phương có diện tích đất trồng lúa và nhất thiết phải có chế tài xử phạt đối với người dân cố tình đốt rơm, rạ

- Cần có các chính sách, nguồn vốn hỗ trợ các địa phương trong việc xử lý dứt điểm tình trạng đốt rơm, rạ sau thu hoạch lúa.

- Cần nhân rộng các điển hình tiên tiến có những điểm mới, hiệu quả và sự khác biệt trong việc chấm dứt đốt rơm rạ trên đồng ruộng, như khuyến khích 100% các xã có diện tích trồng lúa ban hành thông báo và tuyên truyền phát thanh liên tục tới người dân, yêu cầu không đốt rơm rạ và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch huyện và giao phòng Nội vụ đưa vào đánh giá thi đua cuối năm. Đặc biệt, 100% các xã có diện tích đất trồng lúa đã ký văn bản cam kết với UBND huyện sẽ vận động, không để tình trạng đốt rơm rạ xảy ra.

- Trong thời điểm diễn ra vụ thu hoạch lúa, lực lượng công an xã chính quy phải thường xuyên đi cơ sở để giám sát, vận động, nhắc nhở bà con chủ động về máy gặt, không đốt rơm rạ trên cánh đồng, ý thức của người dân đã thay đổi nhiều nên trên đia bàn xã không xảy ra hiện tượng dốt rơm, rạ.

- Yêu cầu 100% người dân có diện tích trồng lúa ký cam kết không đốt rơm, rạ sau thu hoạch lúa. Có chế tài xử phạt hành chính thật nghiêm đối với những người dân cố tình đốt rơm, rạ.

- Hội đồng quản trị hợp tác xã nông nghiệp, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố vận động các thành viên, hộ gia đình ký cam kết không đốt rơm, rạ sau thu hoạch lúa.

- Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách, đầu tư, thu hút chất xám của các nhà khoa học nông nghiệp, phổ biến các biện pháp xử lý rơm, rạ thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế nghiên cứu thị trường, sản xuất các sản phẩm hàng hóa có sử dụng rơm, rạ là nguyên liệu đầu vào quá trình sản xuất.

5. Hà Nội cần trồng thêm thật nhiều cây xanh

- Thực hiện mục tiêu “vườn trong phố”, “rừng trong phố”, mỗi tuyến phố, khu dân cư đều thi đua trồng nhiều cây xanh, ngoài cảnh quan vườn hoa thì các cây xanh cho bóng mát là cực kỳ cần thiết. Khí CO2 chính là một trong những nguyên nhân gây nên phá huỷ tầng ô zôn, cây xanh giúp điều hoà không khí, tạo môi trường trong sạch, nhịp sống đô thị càng nhanh, tốc độ công nghiệp hoá càng nhanh thì giải pháp trồng bù cây xanh là việc làm thiết thực vô cùng cần thiết và cấp bách.

6. Thay đổi nhận thức của từng cá nhân

- Cuối cùng và xuyên suốt, bao trùm và quyết định vẫn là yếu tố con người. Bác Hồ đã nói “lấy dân làm gốc”, chúng ta cần vun vào gốc, dân là đại diện cho con người nói chung, mọi sự từ con người mà ra. Con người thay đổi thì lúc đó vạn sự thay đổi.

- Để thay đổi tư duy, nhận thức và thói quen của mọi người thì trước hết cho con người biết hậu quả và bài học.

7. Bằng các hình thức khác nhau, tuyên truyền nhiều hơn nữa về hậu quả và bài học, chỉ rõ ra nguyên nhân gốc của vấn đề

- Biết đến nguyên nhân gốc, có nhận thức thì tự khắc con người sẽ thay đổi thói quen và tư duy cũ, khi đó không cần hình phạt, không cần chế tài thì mọi người đều có ý thức để giữ gìn cho mình và cho xã hội, cùng vun vào xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp và đáng sống.

Kết luận

Thủ đô Hà Nội là thủ đô của văn minh, mến khách, luôn rộng mở cửa cho tất cả mọi người từ nhiều nơi, nhiều quốc gia đến sinh sống và làm việc. Vì vậy mọi người luôn cần biết xây dựng, vun vén và bảo vệ mảnh đất đã cho mình nhiều thứ trong cuộc sống. Không tự ý đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa tại các vùng nông thôn cũng như không đốt rác thải ảnh hưởng đến môi trường sống, gây ô nhiễm môi trường.

Khi biết thay đổi tư duy và sống khác, thì lập tức cuộc sống của mọi người thay đổi và trở nên tốt đẹp. Mỗi người dân thủ đô cần biết mình phải làm gì cho đúng, cho văn minh và xứng tầm với mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Cần tiếp tục tuyên truyền và lan toả để mỗi người dân đều là một tấm gương cho sự thay đổi, góp phần xây dựng Hà Nội phát triển, xứng tầm Thủ đô anh hùng, thành phố Hoà bình.

Cùng với những tồn tại cần khắc phục, các cơ quan, ban ngành và các địa phương cần phải ban hành các quy định về việc cấm đốt rơm rạ và có chế tài cụ thể giao công an cấp xã xử lý các cá nhân, hộ gia đình vi phạm. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, máy gặt đập liên hoàn. Giới thiệu đơn vị thu mua để thu mua rơm cho địa phương. Từ đó góp phần xây dựng Hà Nội phát triển, xứng tầm thủ đô anh hùng, thành phố hòa bình.

* Tít bài do Lao động Thủ đô đặt

Nguyễn Thị Mai Anh (Ban Biên tập Phim truyện – Đài PT-TH Hà Nội)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này