Đón nhận thách thức để tạo dựng thành công

10:55 | 28/07/2020
(LĐTĐ) Thế giới đang chứng kiến một kỷ nguyên mới với những thành tựu đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất… Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì cuộc cách mạng này mang đến không ít thách thức cho người lao động và tổ chức công đoàn, đặc biệt là cấp công đoàn cơ sở. Vậy, tổ chức Công đoàn và các công đoàn cơ sở đã làm gì và có những giải pháp như thế nào để giúp người lao động chuẩn bị tâm lý, ổn định việc làm, nâng cao chất lượng tay nghề? Hãy cùng lắng nghe tâm tư của các Chủ tịch công đoàn và người lao động để hiểu thêm những gì họ đang suy nghĩ.
Khẳng định vị thế bằng những hoạt động thiết thực, hiệu quả
Nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động cho Chủ tịch Công đoàn cơ sở
Luôn tạo điều kiện cho người lao động phấn đấu, trưởng thành

PGS. TS Vũ Xuân Phú - Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Phổi Trung ương: Hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh

5634 1 pgsts vy xuan phu
PGS. TS Vũ Xuân Phú

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước phát triển. Nó mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Cuộc cách mạng này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến người lao động nói chung và đội ngũ nhân viên y tế nói riêng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nguy cơ mất lao động hàng loạt song sẽ mang tới nhiều ngành nghề mới, thách thức mới, cơ hội mới. Kỷ nguyên số này không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra khả năng kết nối giữa con người với con người, đặc biệt trong khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Ngành Y tế cũng như các ngành khác, phải nắm bắt được cơ hội, thay đổi phương thức cung cấp, tổ chức lao động, cung cấp dịch vụ y tế. Hiện tại, các cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp đang tìm kiếm các giải pháp công nghệ hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.

Trên thế giới, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud)... đang ngày càng được ứng dụng sâu rộng hơn vào các nghiệp vụ ngành y, giúp cho nhân viên y tế thu thập và xử lý dữ liệu nhanh hơn trong việc khai thác dữ liệu hồ sơ bệnh án, thiết lập kế hoạch điều trị, phát minh trang thiết bị y tế hiện đại, thuốc mới,... hỗ trợ rất nhiều cho chẩn đoán và điều trị.

Lãnh đạo ngành Y tế, các đơn vị, với vai trò của tổ chức Công đoàn các cấp, sớm định hướng, kế hoạch, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực cho phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ để ngành Y tế sẽ được hưởng lợi khi tận dụng được các công nghệ mới nhất mà cuộc cách mạng này mang lại. Sinh mệnh của hàng triệu người sẽ được cứu chữa kịp thời và hiệu quả với chi phí thấp hơn.

Chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, tăng cường vai trò lãnh đạo, khả năng tự chủ bệnh viện, nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn trong ngành Y tế. Chúng ta còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị,…nhưng Việt Nam vẫn là thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh và ngày càng nhiều các công ty, tổ chức tham gia khai phá thị trường với hơn một nửa dân số đang sử dụng internet.

Sự phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa và lực lượng lao động trong ngành Y sẽ có nhiều thách thức. Nhưng cuối cùng cũng là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, giảm thiểu sức người trong cung cấp dịch vụ.

Cơ hội đi kèm thách thức và rủi ro toàn cầu, mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng. Đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, hàng triệu lao động trên thế giới có thể rơi vào cảnh thất nghiệp.

Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải thay đổi căn bản, không chỉ đổi mới trên phương diện đào tạo ngành nghề hay giáo dục ở bậc đại học, mà cần thay đổi từ giáo dục bậc phổ thông, ở những bậc thấp hơn, giáo dục ý thức và kỹ năng của một công dân toàn cầu. Tương lai việc làm trong kỷ nguyên số hoá; những chính sách dành cho thị trường lao động, các yêu cầu về giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế mới và an sinh xã hội trong kỷ nguyên số. Ở giai đoạn mới tiếp cận này, cần tăng cường đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ cho lực lượng lao động hiện nay, sắp xếp vị trí việc làm phù hợp.

Có lộ trình, kế hoạch về chuẩn mực, tiêu chí, điều kiện tuyển dụng, sắp xếp hệ thống, tổ chức bộ máy cho phù hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm trong điều kiện lực lượng lao động và thị trường lao động có nhiều thay đổi ở mức cao. Dần nâng cao hàm lượng lao động tri thức vào cung cấp dịch vụ y tế và dịch vụ khám chữa bệnh, giảm thiểu sức người trong vận hành và tổ chức cung cấp dịch vụ, nhưng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng cao.

Ông Trịnh Tố Tâm - Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội: Đổi mới hình thức tuyên truyền trong kỷ nguyên 4.0

5748 02 yyng chi trynh ty tam
Ông Trịnh Tố Tâm.

Trước xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc sẽ thay thế con người, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động, tôi cho rằng hoạt động công đoàn phải có thay đổi, không thể theo lối mòn. Trong đó, cần chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục cho người lao động hiểu về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để họ thấu hiểu và nỗ lực thay đổi, thích ứng.

Khi máy móc, thiết bị hiện đại thay thế con người thì sẽ có một bộ phận không nhỏ người lao động mất việc làm do không đủ trình độ đáp ứng được yêu cầu công việc. Lao động thất nghiệp và dôi dư lớn sẽ có tác động không nhỏ đến kinh tế, xã

hội, lúc đó tổ chức công đoàn càng cần phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động thất nghiệp và mất việc làm. Đồng thời, tổ chức Công đoàn phải là đơn vị đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến cho người lao động hiểu thêm về cách mạng công nghệ 4.0.

Muốn làm được điều đó, tổ chức Công đoàn cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho người lao động. Hiện nay, ở nhiều nơi còn coi nhẹ việc này, và các phương thức tuyên truyền còn chưa hiệu quả. Vì vậy, các cấp Công đoàn cần đổi mới hình thức, đa dạng phương thức tuyên truyền, giáo dục tới người lao động.

Đặc biệt, tổ chức Công đoàn cần phát động các phong trào tự học tập, tự nâng cao tay nghề của công nhân lao động. Ngoài ra, các công đoàn cơ sở cần đề xuất với chủ sử dụng lao động xây dựng những kế hoạch để đào tạo cho người lao động tại doanh nghiệp; đề nghị doanh nghiệp tạo điều kiện về mặt thời gian trong các ngày để tự đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.

Đối với người lao động, phải xác định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không gì có thể cưỡng lại được. Chúng ta không có quyền lựa chọn mà bắt buộc phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa. Mỗi cá nhân người lao động phải nỗ lực tự vượt qua chính mình, trước hết là tư duy, tập quán, lề thói tiểu nông, sau đó là tự học tập, tự trang bị kiến thức, kỹ năng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Ông Lê Tuấn Vũ - Chủ tịch Công đoàn Trường Trung học cơ sở Lam Điền (Chương Mỹ - Hà Nội): Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thay vì thách thức

0003 03 chy tych cong yoan tryyng thcslam yiyn le tuyn vy
Ông Lê Tuấn Vũ.

Cùng với những tác động tích cực đem lại cơ hội tốt, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động. Mất việc làm là nguy cơ hiện hữu đối với lực lượng lao động không đủ khả năng thích ứng và cạnh tranh. Bởi vậy, người lao động cần có cách tiếp cận chủ động, hãy nhìn nhận cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thay vì thách thức. Từ đó, không ngừng cập nhật và nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc để từng bước làm bạn với công nghệ, máy móc mới tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc mới.

Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất là những người có chuyên môn, kỹ thuật thấp, chủ yếu làm công việc giản đơn và chịu nhiều rào cản của xã hội. Từ đó, tổ chức Công đoàn cần tư vấn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về bản chất, nội dung, những thay đổi và những thách thức của cuộc cách mạng 4.0 đến người lao động. Khi nhận thức rõ về bản chất, những thách thức, người lao động sẽ tự ý thức được vị trí của mình trong xã hội, từ đó sẽ tự thay đổi mình để đối mặt với thách thức, áp lực và tạo sự bứt phá phát triển bản thân.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra cho người lao động Việt Nam nhiều thách thức như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh. Hàng chục triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh…

Bởi vậy, để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghệ, người lao động cần sử dụng và phát huy tối đa khả năng học tập, sáng tạo, làm việc nhóm, chấp nhận thay đổi nghề nghiệp cũng như chỗ làm việc và phải có tinh thần học tập suốt đời. Đồng thời, người lao động phải được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp ngay từ đầu, có trình độ học vấn, văn hóa, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại,… như vậy họ sẽ là lực lượng lao động chủ đạo, có tác động tích cực đến sản xuất công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghiệp, gia tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trong tương lai.

Đối với Trường Trung học cơ sở Lam Điền, xác định rõ những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã luôn đi đầu trong việc học tập và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều sử dụng thành thạo và ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong lĩnh vực mình đảm nhận. Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Trường Trung học cơ sở Lam Điền luôn được quan tâm và ưu tiên đặt lên hàng đầu. Đặc biệt trong giai đoạn nghỉ phòng dịch Covid-19 vừa qua, các hoạt động dạy học vẫn được diễn ra bình thường theo quan điểm, học sinh nghỉ dịch nhưng không nghỉ học.

Với phương châm: Đi trước - đón đầu và sự chuẩn bị tốt, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Trung học cơ sở Lam Điền nói riêng cũng như giai cấp công nhân, người lao động Việt Nam nói chung sẽ tận dụng được những cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Từ đó xây dựng đội ngũ lao động ngày càng lớn mạnh về số lượng và nâng cao về chất lượng, là lực lượng chủ lực đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình, đồng thời góp phần giữ vững bản chất giai cấp công nhân Việt Nam.

Bà Trần Thị Hạnh - Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hà Đông: Không chủ quan trước sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

0223 05 tryn thy hynh copy
Bà Trần Thị Hạnh.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế, thậm chí, làm thay đổi cơ cấu việc làm của một số ngành nghề. Tuy nhiên, với đặc thù tính chất công việc của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông chủ yếu là lao động thủ công, việc áp dụng khoa học công nghệ là cần thiết, nhưng không thể thay thế hoàn toàn sức lao động của con người. Do đó, người lao động cũng không phải chịu sự tác động quá lớn từ cuộc cách mạng công nghệ này.

Thế nhưng, không bị tác động nhiều không có nghĩa là người lao động chủ quan trước sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, bản thân mỗi người lao động cần phải có nhận thức nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, không ngừng đổi mới, sáng tạo, yêu nghề, gắn bó với nghề và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn công việc, qua đó nâng cao năng suất lao động. Cùng với đó, người lao động cần phải thường xuyên trao đổi thông tin kịp thời với Ban chấp hành công đoàn công ty và Ban lãnh đạo công ty để có những giải pháp phù hợp, tạo sự gắn bó, đoàn kết trong quá trình lao động sản xuất…

Với 440 đoàn viên công đoàn, Công đoàn công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hà Đông nhiều năm qua luôn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc tạo sự gắn kết giữa người lao động và Ban lãnh đạo công ty. Đồng thời, thể hiện vai trò, chức năng của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Tuy nhiên, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi vai trò của tổ chức Công đoàn hơn bao giờ hết, phải đặc biệt chú trọng và quan tâm đến lợi ích của người lao động.

Để làm tốt chức năng đó, thời gian qua, Công đoàn công ty luôn có những đổi mới, sáng tạo thông qua các cuộc họp, hội nghị, tập huấn, các buổi tuyên truyền từ Ban Giám đốc đến các bộ phận sản xuất… đều tranh thủ lồng ghép, trao đổi và nêu lên vai trò và sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong tình hình hiện nay, qua đó giúp người lao động hiểu hơn đồng thời cũng khuyến khích mọi người tìm hiểu thêm thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội…

Song song với đó, Công đoàn công ty cũng thường xuyên phối hợp với Ban lãnh đạo chăm lo đến đời sống của đoàn viên công đoàn như: Trợ cấp thường xuyên và đột xuất, các ngày lễ Tết thăm hỏi động viên kịp thời, cấp phát đường sữa ngày nắng nóng, khen thưởng con em người lao động đạt thành tích cao trong học tập... Qua đó, tạo tâm lý ổn định và gắn kết giữa người lao động với đơn vị và giữa người lao động với nhau.

Trước thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động sẽ có nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề để lựa chọn, do đó việc tuyển chọn được lao động trẻ đối với lĩnh vực môi trường, lao động chân tay nặng nhọc sẽ là thách thức không chỉ với Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Hà Đông, mà còn với tất cả các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đặc thù này. Do đó, rất cần có những chính sách hỗ trợ tốt hơn từ các cơ quan chức năng, sự phối hợp từ các doanh nghiệp, đơn vị để người lao động thực sự yên tâm, cống hiến và phát triển bền vững cùng đơn vị.

Ông Nguyễn Tràng Huy - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific: Lao động tay nghề kém sẽ bị ảnh hưởng

0354 04 nguyyn trang huy
Ông Nguyễn Tràng Huy

Hiện nay Việt Nam đã và đang tham gia rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với đó môi trường đầu tư ngày một cải thiện, điều đó tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến thách thức lớn cho người lao động, người chủ sử dụng lao động. Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 việc sử dụng công nghệ càng hiện đại sẽ càng đòi hỏi lực lượng lao động cao hơn về trình độ lao động, sức khỏe, tâm lý, khả năng sáng tạo và tinh thần làm việc.

Mất việc làm là nguy cơ hiện hữu đối với lực lượng lao động không đủ khả năng thích ứng và cạnh tranh. Người lao động không có chuyên môn hoặc trình độ tay nghề kém cũng sẽ bị ảnh hưởng về thu nhập, vị trí công việc…bởi máy móc dần thay thế sức lao động của người lao động. Trong khi đó, người sử dụng lao động nếu không đầu tư máy móc, kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng cũng như thu nhập của người lao động, thì sẽ không tồn tại.

Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới đối với việc làm, đời sống của đoàn viên, người lao động, phong trào công nhân viên chức lao động... Với vai trò là chủ tịch công đoàn, là người hàng ngày trực tiếp quan tâm đến đời sống người lao động khi cùng ăn, cùng ở một môi trường làm việc với người lao động, chúng tôi thấu hiểu nỗi lo của người lao động khi việc làm ngày càng ít đi, trình độ ngày càng nâng cao để đáp ứng nhu cầu công việc…

Trước thách thức đó, Ban chấp hành Công đoàn công ty thường xuyên tư vấn, tuyên truyền và giáo dục người lao động nâng cao nhận thức, hiểu biết về sự thay đổi và những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến người lao động thông qua những ví dụ cụ thể như: Các máy móc tự động ở doanh nghiệp đã thay thế dần bàn tay con người, hoặc giảm việc làm nhưng năng suất lại tăng lên.

Từ những ví dụ cụ thể đó, giúp người lao động nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ, năng lực và rèn luyện nâng cao kỹ thuật, phát huy khả năng sáng tạo, nâng cao tay nghề…từ đó, thích ứng với công việc mới, công nghệ mới nhằm đảm bảo ổn định việc làm và nâng cao thu nhập. Việc chuyển sang công nghệ 4.0 là xu hướng tất yếu khách quan đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để dần bắt kịp xu hướng này của thế giới nói chung, thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ công nhân lao động, đây là cơ sở để giải quyết việc làm ổn định lâu dài cho người lao động.

Đỗ Đạt – Minh Khuê (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này