Làm gì để xây dựng nếp sống công nghiệp?

14:58 | 16/07/2020
(LĐTĐ) Đó là vấn đề được nêu ra tại Hội nghị tuyên truyền cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp gắn với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa do Liên đoàn lao động huyện Thanh Oai tổ chức, ngày 15/7.
Tạo đột phá để xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc với quy mô 600 nghìn dân
Huyện Thanh Oai vượt chỉ tiêu thành lập công đoàn cơ sở
Bầu người tài đức vì sự nghiệp xây dựng quê hương

Hơn 100 cán bộ công đoàn của huyện Thanh Oai đã tham gia trao đổi tại hội nghị. Nhiều câu hỏi được trực tiếp ông Hà Đông, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội giải đáp.

Bà Nguyễn Thị Hảo, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Thanh Oai cho rằng, mỗi cán bộ công đoàn cơ sở luôn cần cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức về xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp, văn hóa ứng xử, nắm vững các tiêu chí, các thủ tục để xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

1504 z1975829757878 e7b3eda5d696284783bc18d58167b34d
Hơn 100 cán bộ công đoàn của huyện Thanh Oai đã tham gia trao đổi tại Hội nghị tuyên truyền cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp

Từ đó, bà Hảo đề nghị các đồng chí cán bộ công đoàn tham gia Hội nghị cần tập trung nghiên cứu, tích cực trao đổi, thảo luận, tích lũy kiến thức để tuyên truyền rộng rãi trong đoàn viên, công nhân lao động, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở.

Tại hội nghị, cán bộ công đoàn cơ sở huyện Thanh Oai đã tích cực trao đổi về kỹ năng ứng xử đúng đắn, hài hòa tại nơi công sở để góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh, đạt chuẩn văn hóa. Nhiều câu hỏi đặt ra là “làm gì để xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp?” từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và nâng cao đời sống người lao động.

Theo ông Hà Đông, việc thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp trong công nhân, viên chức lao động cần phải lưu ý 16 chữ vàng “Tiên tiến - Sáng tạo; Đoàn kết - Kỷ cương; Gìn giữ môi trường; Thanh lịch - Nhân ái”.

Ông Hà Đông cũng nhấn mạnh đến 5 tiêu chí đối với cá nhân. Trong đó yêu cầu cao nhất là phải lao động cần cù, sáng tạo phấn đấu đạt năng suất, hiệu quả cao, vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội.

Cùng với đó, người lao động cũng phải có ý thức tập thể, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; thường xuyên học tập để tiến bộ và trưởng thành; có lối sống lành mạnh, trung thực, nhân nghĩa.

“Đặc biệt cần phải tôn trọng luật pháp, qui ước cộng đồng. Giữ gìn vệ sinh công cộng, nơi làm việc, có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái. Lịch sự, tôn trọng, đoàn kết với mọi người”, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Về 3 tiêu chí đối với tập thể, theo ông Hà Đông, đó là “Đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ, công bằng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước; Môi trường văn hóa lành mạnh, luôn bảo đảm xanh, sạch, đẹp và an toàn vệ sinh lao động; Có thiết chế văn hóa thể thao phù hợp và duy trì hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng để thu hút đông đảo công nhân lao động...”

Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khẳng định các tiêu chí của cuộc vận động vẫn còn nguyên giá trị trong việc gắn với Thông tư số 08-TT/BVHTTDL quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; đồng thời thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng của thành phố Hà Nội hiện nay.

“Trong đó, nhấn mạnh tiêu chuẩn văn hóa tại doanh nghiệp trong việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ; Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp; Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động; Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”, ông Hà Đông nói.

Ngọc Ánh - Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này