Ô nhiễm không khí và bụi mịn: Phòng, tránh bằng cách nào?
Nguy cơ sức khỏe đến từ ô nhiễm không khí | |
Nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí |
Phóng viên: Theo tổ chức Y tế thế giới, chất lượng không khí tại Hà Nội đang ở nhóm có hại cho sức khỏe con người. Vậy bác sĩ có thể cho độc giả biết rõ hơn những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí và bụi mịn tới sức khỏe con người?
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam; Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Giáp: Như chúng ta đã biết, gần đây trên các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin về thực trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, hiện tượng mây mù và các chỉ số về ô nhiễm không khí đã vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là điều chúng ta hết sức lưu ý bởi ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt đối với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch...
Trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi lẽ, ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí. Do đó, WHO đã khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, đối với các bệnh nhân đã có những bệnh lý về hô hấp cần có chú ý gì trong điều kiện không khí bị ô nhiễm như hiện nay?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Giáp: Khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhâp viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn. Do vậy chúng tôi khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội những ngày qua liên tục ở mức kém |
Với bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân vẫn khó thở - không thể tự kiểm soát được thì cần liên lạc với bác sĩ điều trị, bác sĩ gia đình hoặc cơ sở y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và cấp cứu cơn khó thở, tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Phóng viên: Trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân Thủ đô?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Văn Giáp: Với các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây các đợt ho cấp tính. Bởi vậy, chúng tôi khuyên người dân mắc các bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu. Tuy nhiên, người dân lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn).
Điều quan trọng là phải làm thế nào để giữ cho môi trường trong sạch. Mỗi người góp một việc nhỏ thì sẽ chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta trong lành. Đơn giản như việc người dân không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là vào các dịp ngày rằm và mồng 1. Đối với người dân sống trong nội thành Hà Nội, chúng tôi khuyến cáo người dân nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Khi dừng đèn đỏ trên 15 giây, hãy tắt máy để giảm thiểu lượng khói bụi từ nhiên liệu thải ra môi trường chung…
Đặc biệt khu ngoại thành Hà Nội, thời gian gần đây vào vụ thu hoạch lúa người dân lại đốt rơm rạ khiến bầu không khí của Thủ đô thêm ngột ngạt. Bởi vậy, người dân cũng nên hạn chế đốt rơm, rạ, bởi đó cũng là một phần nguyên nhân khiến không khí ô nhiễm hơn. Như vậy, mỗi người có ý thức một chút sẽ góp phần bảo vệ môi trường trong lành, cũng là bảo vệ lá phổi của chúng ta.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Phượng Hoàng, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Phổi Hà Nội, chuyên gia kiểm soát lây truyền lao khẳng định: Với chất lượng không khí kém như hiện nay, các loại khẩu trang cotton hoạt tính, khẩu trang y tế chỉ có tác dụng ngăn bụi thô kích thước lớn, không thể ngăn bụi mịn dưới 2.5 micromet - loại bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Lý do là các loại khẩu trang này chỉ được làm từ sợi vải dệt đơn thuần, khoảng cách sợi vải lớn, vì thế bụi mịn vẫn có thể dễ dàng lọt qua. Theo bác sĩ Hoàng, những loại khẩu trang đạt tiêu chuẩn của Viện quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH), có ký hiệu N95, N99 hoặc đạt tiêu chuẩn châu Âu có ký hiệu FFP2, nếu dùng đúng cách có thể lọc được 85-99% hạt bụi có kích thước 0.3 micromet, ngăn được cả vi khuẩn, virus. Những loại khẩu trang này thường được bán với giá phổ biến 70-100 nghìn đồng/chiếc. Tuy nhiên, “nguyên tắc khi sử dụng khẩu trang chống bụi, vi khuẩn, virus là không được giặt, nếu bẩn thì loại bỏ và dùng cái khác, bởi giặt sẽ làm phá vỡ cấu trúc màng lọc của khẩu trang, khi đó khẩu trang không còn chức năng lọc nữa”, bác sĩ Hoàng cho biết thêm. |
Minh Khuê - Mai Thanh
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Môi trường 23/12/2024 14:12
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 22/12: Trời nhiều mây, sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Môi trường 22/12/2024 06:29
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 21/12: Ngày nắng nhẹ, nhiệt độ thấp nhất 12 độ C
Môi trường 21/12/2024 08:41
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 20/12: Trời ít mây không mưa, ngày nắng nhẹ
Môi trường 20/12/2024 06:48
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 19/12: Ngày nắng, nhiệt độ thấp nhất từ 13 độ C
Môi trường 19/12/2024 06:19
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 18/12: Sáng sớm trời lạnh, trưa chiều hửng nắng
Môi trường 18/12/2024 06:55
Để Thủ đô xanh bền vững
Môi trường 17/12/2024 08:08
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 17/12: Sáng sớm trời rét, ngày nắng
Môi trường 17/12/2024 06:25
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 16/12: Trời tiếp tục rét
Môi trường 16/12/2024 06:34
TP.HCM: Vớt và thu gom rác trên 18 tuyến sông, kênh, rạch
Môi trường 15/12/2024 18:17