Nghệ sĩ Hán Văn Tình: Trót mang cái nghiệp vào thân...
Tuy gần đến độ tuổi về hưu nhưng ước mơ sắm biệt thự, xe hơi giống như bao nhiêu người của nghệ sĩ Hán Văn Tình vẫn chưa thành hiện thực. Trong suốt 38 năm gắn bó với nghệ thuật tuồng, ông tâm sự thứ mà ông giàu có nhất có lẽ là tinh thần, còn vật chất thì nghèo lắm. Vậy nhưng, theo nghệ sĩ Hán Văn Tình, ông còn may mắn hơn nhiều nghệ sĩ tuồng trong Nhà hát Tuồng Việt Nam vì có cơ hội lấn sân sang truyền hình và được khán giả biết đến vai diễn “lão Chí Phèo thời hiện đại” - Chu Văn Quềnh.
Thuận lợi hơn nhờ vai diễn để đời
Đã hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày nghệ sĩ Hán Văn Tình tham gia diễn xuất trong bộ phim Đất và người của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nhưng hình ảnh anh Quềnh ra phố vẫn được nhiều khán giả dành tình cảm yêu mến đặc biệt. Nghệ sĩ Hán Văn Tình vẫn nhớ cái rét cắt da cắt thịt của tiết trời đông khi đóng bộ phim đó. Ông phải lo độn áo bên trong bộ cánh nâu làm sao cho đủ ấm, vì cảnh quay là mùa hè nhưng thời điểm đó lại là mùa đông. Tuy nhiên đấy không phải là khó khăn lớn nhất của vai diễn. Làm sao để uống rượu, để say, mà say cho đúng kiểu, đúng tính cách nhân vật mới là một thử thách lớn với Hán Văn Tình bởi ngoài đời tửu lượng ông không cao. Để có được dáng đi lướt khướt, say mèm như anh Chí Phèo của nhân vật Quềnh, ông đã phải mất cả tháng trời vừa đọc kịch bản phim vừa tập uống rượu, học cách say đúng chất của các trai làng.
Thành công vượt ngoài sự mong đợi, cái say nửa khôn nửa dại của nhân vật với câu nói cửa miệng “không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” khiến khán giả khó quên hình ảnh chàng trai quê Chu Văn Quềnh. Sau khi bộ phim kết thúc và đến bây giờ mọi người khi gặp ngoài đời vẫn thân mật gọi ông là “bác Quềnh” mà quên hẳn cái tên cúng cơm Hán Văn Tình. Thậm chí, trong cuốn tái bản tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” còn nhắc đến tên ông. Đấy là điều hạnh phúc nhất và may mắn nhất đối với ông bởi không phải bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có được. Thành công của vai diễn không chỉ mang lại sự nổi tiếng mà việc giao lưu, công việc của nhà hát cũng có nhiều thuận lợi hơn. Ông kể, nhiều lúc đi công tác xa, đứng bắt xe khách, lái xe và hành khách nhận ra đều nồng nhiệt chào đón. Hay mỗi lẫn muốn tổ chức biểu diễn ở vùng sâu, vùng xa, thay vì phải lên tận nơi trao đổi công việc nếu Ủy ban tỉnh, địa phương đồng ý mới về làm công văn thì nay ông chỉ cần đặt vấn đề trước qua điện thoại rồi gửi thủ tục giấy tờ lên sau. Đấy là thuận lợi lớn nhất mà ông có được sau bộ phim Đất và người.
Đến bây giờ, nghệ sĩ Hán Văn Tình vẫn mong muốn nhận được một vai diễn mới vượt qua được cái bóng Chu Văn Quềnh nhưng kể cũng khó. Với ông, Đất và người là một kịch bản chủ đề nông thôn quá hay bởi nó khắc họa toàn cảnh bức tranh vùng quê Việt Nam hết đỗi bình dị và gần gũi. Nhiều người đùa với ông: “Tại anh vào một vai quá tuyệt rồi nên không còn đất diễn”. Ông tâm sự:“Một kỷ niệm đáng nhớ khác đó là ngày được phong danh hiệu NSƯT chính là ngày quay Đất và người. Tôi bận đóng phim không thể đến nhận được phải nhờ người đến cầm bằng về. Một người nghệ sĩ, may mắn là một chuyện nhưng phải thực sự có tài năng mới thành danh được”.
Chả ai nghèo hơn nghệ sĩ truyền thống!
Đó là câu nói khi nghệ sĩ Hán Văn Tình nhắc đến khi trò chuyện với tôi. Đối lập với hình ảnh hào nhoáng của các “sao”, những người nghệ sĩ truyền thống ngày ngày vẫn lăn lộn với nghề để cố gắng mưu sinh. Quả là khập khiễng khi đem so sánh tiền catse một bài hát của ca sĩ nổi tiếng với đồng lương của một nghệ sĩ sân khấu kỳ cựu.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình than thở: “Ngoại trừ một số nghệ sĩ, còn đa số không có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Hiện tại Nhà hát Tuồng Việt Nam đang dựng lại vở Ngô Quyền, diễn viên phải làm việc 3 ca một ngày vào sáng, chiều và đêm vì phải thuê biên đạo múa bên ngoài. Người ta chỉ rảnh rỗi vào ban đêm nên cả đoàn buộc phải phụ thuộc thời gian vào họ. Ngoài mức lương cơ bản tính theo hệ trung cấp, mỗi diễn viên được bồi dưỡng từ 10.000 – 15.000/buổi tập còn diễn viên chính thì 20.000đ. Nói như vậy để thấy chúng tôi cũng lao động vất vả, nhưng mức thu nhập và chế độ quá thấp như vậy bảo sao nhiều nghệ sĩ ngày càng thiếu mặn mà với sân khấu truyền thống.”
Nhọc nhằn là thế, vậy mà khi tôi hỏi tại sao không bỏ tuồng sang truyền hình. Ông vội vàng đáp: “Không, không, làm sao mà làm như vậy được. Bây giờ mình là người quản lý rồi, mình mà bỏ thì mọi người cũng bỏ hết”. Ông thành thật: “Cũng có nhiều lời mời tôi tham gia đóng phim, diễn hài nhưng công việc của Nhà hát Tuồng quá bận rộn nên phải từ chối. Mình thường tranh thủ diễn thêm vào ngày nghỉ hoặc ngoài giờ làm việc để không ảnh hưởng đến công việc của cơ quan”.
Nhớ lại năm 1973, trúng tuyển vào Trường trung cấp Nghệ thuật sân khấu Việt Nam nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh, được tham gia đội văn công hát nghệ thuật truyền thống đối với Hán Văn Tình là mừng lắm rồi. Ông không từ chối một hội diễn nào, có khi đi diễn liên tục cùng 4 đoàn trong vòng 18 tháng. Lúc đấy, đi đến, khán giả cũng yêu mến, ủng hộ chứ không như bây giờ thông tin giải trí nhiều, nhưng lại ít khung giờ dành cho sân khấu truyền thống khiến nhiều khán giả không biết, không quan tâm tới loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương...
“Người ta chán cũng phải thôi vì nhà nước làm gì có đại học cho diễn viên tuồng chỉ có bậc cao đẳng là cao nhất, nên việc tuyển học sinh, sinh viên đầu vào vô cùng khó. Chèo, cải lương năm nào cũng tuyển học sinh nhưng tuồng, 5 năm một lần mà vẫn không có ai theo học. Lớp diễn viên nhà hát vẫn đang phải tự truyền nghề lại cho thế hệ sau. Nghệ thuật sân khấu bây giờ chỉ phục vụ vào dịp lễ hội. Đi diễn bán vé không ai mua. Các nghệ sĩ tuồng như chúng tôi thường trông chờ vào tiền hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ mời các đoàn văn công về các tỉnh biểu diễn kết hợp với các hoạt động khác như hội chợ, du lịch… Nhìn vào các bậc tiền bối, cây đa cây đề ra về với hai bàn tay trắng, khi cuộc sống không đảm bảo thì thử hỏi lớp trẻ còn ai muốn theo đuổi nữa.” – NSƯT Hán Văn Tình xót xa.
Nói như vậy không phải những người làm nghề phó mặc trong thời kỳ sân khấu khủng hoảng. Nghệ sĩ Hán Văn Tình cho biết, năm nay Nhà hát Tuồng Việt Nam tuyển được hơn 30 học sinh và hiện tại vẫn còn đang theo học hệ trung cấp. Tất nhiên không có gì chắc chắn rằng con số này sẽ không rơi rụng cho tới khi các em ra trường nhưng dẫu sao đó cũng là một tín hiệu vui cho nghệ thuật tuồng. Ngoài ra nhà hát cũng đang tìm lối đi, tìm cơ hội tuyên truyền quảng bá cho nghệ thuật tuồng vào các trường học, đến các tỉnh thành.
Nguyễn Hoài
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Vòng 17 Premier League: MU thua tơi tả, Liverpool thắng tưng bừng
Thể thao 23/12/2024 08:15
Bán kết AFF Cup 2024, Singapore vs Việt Nam: Văn Toàn không thi đấu
Thể thao 23/12/2024 06:13
Trận đấu Việt Nam và Singapore, vừa mở bán đã cháy vé
Thể thao 22/12/2024 16:19
Chờ đón tiếng dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 21/12
Âm nhạc 22/12/2024 10:15
Nguyễn Xuân Son lập cú đúp, đội tuyển Việt Nam có chiến thắng 5 sao
Thể thao 21/12/2024 22:32
Nhận định trận đấu Việt Nam vs Myanmar: Thắng nhẹ để vào bán kết
Thể thao 21/12/2024 11:46
Aston Villa vs Man City: Chủ nhà khó kiếm 3 điểm
Thể thao 21/12/2024 08:43
Tottenham vs Liverpool: Chiến thắng không hề dễ dàng
Thể thao 21/12/2024 08:42
NSND Trần Hiếu xúc động nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam"
Âm nhạc 20/12/2024 16:55
Á quân Giọng hát hay Hà Nội Đinh Xuân Đạt ra mắt MV đầu tay "Hoàn Kiếm"
Âm nhạc 19/12/2024 17:50