Việc Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo sẽ tạo cơ hội để Thành phố trở thành một không gian sáng tạo lớn giúp khai mở tiềm năng sáng tạo, là cơ hội thuận lợi cho Thành phố định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia tăng mức hưởng thụ văn hóa và tăng sức hấp dẫn cho điểm đến…
Là một chuyên gia rất tâm huyết với các không gian sáng tạo ở Thủ đô, ông Lê Quang Bình, Giám đốc doanh nghiệp xã hội ECUE đã từng được Thành uỷ Hà Nội mời tham vấn cho Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hoá của Thủ đô. Ông Lê Quang Bình cho biết: “Tôi rất vui khi Thành Ủy Hà Nội thông qua Nghị quyết này vì nó đi đúng với xu hướng phát triển của thế giới, đó là tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Hà Nội là trung tâm văn hóa, có bề dầy lịch sử nên có tiềm năng phát triển các sản phẩm vừa sáng tạo mang tính thời đại, vừa khác biệt mang tính đặc thù văn hóa Việt Nam. Hơn nữa, khi công nghiệp văn hóa phát triển thì sẽ làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân giàu có hơn, và Hà Nội hấp dẫn hơn, đáng sống hơn”.
Theo ông Bình, Nghị quyết đã rất bao trùm và đầy đủ. Tuy nhiên, chúng ta cần phải bắt đầu và ưu tiên cho những nội dung then chốt. Mà một trong những nội dung then chốt Hà Nội cần tập trung triển khai ngay đó là quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho công nghiệp văn hóa. Nếu như ngành công nghiệp sản xuất cần các khu công nghiệp để phát triển thì ngành công nghiệp văn hóa lại cần các không gian sáng tạo để cất cánh. Việc khai thác giá trị không gian sáng tạo là một bước đi hiệu quả và đầy tiềm năng để thực hiện Nghị quyết về công nghiệp văn hoá.
Ở các nước phát triển, không gian sáng tạo đóng vai trò rất lớn trong việc tạo dựng bản sắc đô thị và mang lại nguồn lợi không nhỏ. TS Lê Thị Việt Hà, giảng viên khoa Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc, Đai học Ngoại ngữ (Đai học Quốc gia Hà Nội), đồng sáng lập (Co-Founder) của SCOPUSIAN- Tổ chức Phi lợi nhuận của giới trẻ Việt Nam về nghiên cứu khoa học cho biết: “Người Hàn Quốc rất giỏi trong “văn hoá hoá kinh doanh” và “kinh doanh hoá văn hoá”. Công nghiệp văn hoá là viên gạch nền tảng của kinh tế sáng tạo. Khai thác giá trị không gian sáng tạo là việc Hàn Quốc đã làm từ lâu và rất thành công”.
Theo TS Lê Thị Việt Hà, ngay giữa Thủ đô công nghệ số như Seoul, người Hàn đã xây dựng, phục dựng và bảo tồn các không gian văn hoá thành công với sự giúp sức không chỉ từ chính phủ mà còn cả cộng đồng người dân sinh sống xung quanh. “Như chúng ta đã biết, Cheonggyecheon vốn là một dòng suối dài gần 6km chảy qua trung tâm Seoul, từng bị chôn lấp dưới lớp bê tông suốt gần 50 năm để xây dựng đường cao tốc Cheonggye phía trên, xung quanh là những khu nhà tồi tàn… nhưng người Hàn Quốc đã “hồi sinh” nó một cách thần kỳ. Hiện nay, nơi đây đã trở thành điểm du lịch xanh lý tưởng và là biểu tượng của thủ đô Seoul. Đây không chỉ là hình mẫu về phát triển không gian đô thị mà còn về tiềm năng thương mại và văn hoá.
Hay câu chuyện bảo tồn các làng cổ ngay giữa Seoul như làng Bukchon Hanok, làng dân tộc Namsan Hanok – vốn là nơi sinh sống của các quan lại, quý tộc từ thời Joseon. Trong những ngôi nhà ở các làng này, người dân cùng chính quyền địa phương bảo tồn nhà cửa, làm dịch vụ du lịch rất tốt, khiến cho bất cứ du khách nào đi tour Seoul cũng phải ghé qua một lần cho biết. Như vậy có thể nói, phát triển không gian sáng tạo mang lại sinh kế cho người dân”, TS Lê Thị Việt Hà cho hay.
Ngoài ra, một ví dụ không thể không nhắc đến là Tobacco Factory Theatre ở thành phố Bristol (Anh). Đây là một không gian sáng tạo được hình thành từ việc cải tạo một công trình đã cũ – nhà máy thuốc lá bị bỏ hoang. George Ferguson, một chính trị gia lúc đó đã bỏ tiền ra mua nhà máy này và khuyến khích các nghệ sĩ biến khu đất bỏ hoang này thành một địa điểm nghệ thuật; kéo theo sự mở cửa của hàng loạt cửa hàng và dịch vụ, khiến nó trở thành một khu vực đáng sống với người dân địa phương...
Đồng tình với hướng đi này, ông Lê Quang Bình cho biết, Hà Nội đang có chính sách di dời gần 100 nhà máy cũ ra khỏi nội đô. Đây là cơ hội vàng để chuyển đổi chúng thành cơ sở hạ tầng - các không gian sáng tạo cho công nghiệp văn hóa. Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp đã rất thành công trong việc chuyển đổi này. “Rất tốt là Nghị quyết đã ghi rõ định hướng chuyển đổi di sản công nghiệp nên tôi nghĩ Hà Nội cần sớm tiến hành khảo sát hiện trạng, giá trị di sản để lựa chọn các nhà máy phù hợp chuyển đổi thành cơ sở hạ tầng cho công nghiệp văn hóa. Mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” của chúng tôi đã có những khảo sát sơ bộ ban đầu và chúng tôi thấy các cơ sở công nghiệp như nhà máy xe lửa Gia Lâm, các nhà máy ở khu Cao Xà Lá, hay Nhà máy bia Hà Nội thực sự có thể trở thành cơ sở hạ tầng then chốt cho công nghiệp văn hóa phát triển”, ông Bình nhận định.
Tuy nhiên, để phục dựng và bảo tồn các không gian sáng tạo thành công không phải chuyện một sớm một chiều và chỉ đến từ một phía, mà cần sự huy động nguồn lực từ chính quyền và cả cộng đồng.
Dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm là ví dụ điển hình cho những nỗ lực của chính quyền và người dân trong việc tạo dựng thành công một không gian sáng tạo. Dự án được Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm khởi xướng và đã hoàn tất vào năm trước. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng thi công, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và các nghệ sĩ đã cải biến khu vực ven sông Hồng vốn được coi là “mặt sau” của Thành phố nay được hồi sinh bằng luồng sinh khí nghệ thuật đầy mê hoặc, thu hút cộng đồng, các bạn trẻ và khách nước ngoài đến tham quan, chụp ảnh.
“Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hoá đó, nhóm nghệ sĩ chúng tôi có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây”, hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.
Dự án phần lớn sử dụng những đồ rác tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ống xả… cũng như các đồ rác thải từ chính nơi đây hoặc từ những khu xử lý đồ tái chế khác trong thành phố làm nguyên liệu để tái tạo ra các tác phẩm sắp đặt tương tác với bối cảnh của dòng sông Hồng cũng như cùng lịch sử văn hoá phong phú của Thăng Long - Kẻ Chợ. Có 16 nghệ sỹ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài gần 200 mét. Dự án này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như cả hiệu ứng ánh sáng ban đêm, biến nơi đây trở thành một không gian nghệ thuật sáng tạo mới của Thủ đô, gắn kết người dân gần nhau hơn.
Những nỗ lực của nhóm hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn trong việc cải tạo, làm đẹp Thành phố đã được công chúng ghi nhận. Bãi Phúc Tân từ nơi người ta thoải mái xả rác bừa bãi, giờ người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường, trước những tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, dường như họ không “nỡ” làm bẩn khu vực này. Hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, một nhà nghiên cứu mỹ thuật nổi tiếng đã có tác phẩm “Bức tường danh vọng” trong dự án này. Sau một thời gian, anh đã quay trở lại Phúc Tân từ sáng sớm để tận hưởng luồng không khí trong lành từ dòng sông Hồng. Hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Thật vui được gặp lại bà con và tác phẩm của mình sau thời gian xa cách. Có những chỗ cây đã mọc che gần hết những chiếc cổng của tôi. Với bà con Phúc Tân, dự án nghệ thuật này đem đến một không gian sống lành mạnh, tươi sáng, cho lũ trẻ ven sông có thêm nhiều hy vọng vào ngày mai tươi đẹp”.
Một không gian sáng tạo mới cũng đã được “hồi sinh” thần kỳ thu hút sự chú ý của truyền thông và giới trẻ Thủ đô, đó là Trung tâm văn hoá nghệ thuật (22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm). Với diện tích lên tới 1.800 m2, nơi đây từng là một quần thể kiến trúc cổ kính độc đáo với tên gọi Hội quán Quảng Đông đã tồn tại hơn một trăm năm. Tuy nhiên, sau năm 1975, không gian Hội quán Quảng Đông được trưng dụng để làm trường Mẫu giáo Tuổi Thơ nên ít ai biết đến sự hiện diện của nó. Ngày 23/10/2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4790/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích nơi đây. Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ được chuyển về số 88 Hàng Buồm, trả lại mặt bằng cho hoạt động tu bổ, tôn tạo.
Việc tôn tạo và phục dựng Hội quán Quảng Đông là minh chứng cho thấy sự nỗ lực của Thành phố trong bảo tồn di tích văn hóa lịch sử có giá trị quan trọng của Thủ đô. Hơn thế, khi tổ chức các hoạt động nghệ thuật ở đây sẽ phát huy được giá trị của di sản, biến nó trở thành một không gian sáng tạo mới của Hà Nội, nhằm khơi dòng cho di sản trong cuộc sống đương đại. “Với lý do đó, Tuần lễ Khơi nguồn sáng năm 2021 đã được tổ chức tại đây và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên, tạo thành chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật để trao cơ hội, thúc đẩy hình thành các cộng đồng sáng tạo, tìm kiếm các ý tưởng thiết kế để phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong xây dựng Thành phố sáng tạo.
Chính vì vậy, hãy để cho doanh nhân, nghệ sĩ và thị trường quyết định.
Với một tinh thần kết nối và gợi mở, những trưng bày, triển lãm và thực hành hành nghệ thuật ở nơi chốn này như một sự cộng hưởng, mang lại cho giới trẻ nguồn cảm hứng bất tận và tin rằng các giá trị văn hoá nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và phát huy giá trị mới trong đời sống hiện đại. Bởi văn hoá Việt Nam hoàn toàn có cơ hội cất cánh để giao lưu với văn hoá phương Tây và nếu làm được điều đó sẽ góp phần thực hiện chính sách rất lớn của Nhà nước là phát triển nền công nghiệp văn hoá Việt Nam để có thể vươn tới hội nhập bền vững với thế giới. Và những nghệ sĩ trẻ hiện nay chính là tương lai cho sáng tạo và hội nhập”, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Công nghiệp sáng tạo có tính liên ngành rất cao vì vậy cần sự đồng bộ, trong đó Hà Nội nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hành lang pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là giới làm sáng tạo tham gia vào ngành công nghiệp văn hóa. “Tôi nói vậy vì để tổ chức một sự kiện văn hóa tầm cấp quốc gia hay quốc tế thì cần có sự tham gia của rất nhiều bên, ví dụ như âm nhạc, thời trang, ánh sáng, nhiếp ảnh, phim, thậm chí công nghệ, du lịch và ẩm thực. Để có một sản phẩm đẳng cấp quốc tế thì các bên tham gia đều phải có năng lực tương xứng. Chính vì vậy, hãy để cho doanh nhân, nghệ sĩ và thị trường quyết định. Còn chính quyền cần làm việc lớn, đó là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng (ví dụ chuyển đổi nhà máy cũ thành không gian sáng tạo), ra chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế, tài chính cho các bên tham gia công nghiệp văn hóa.
Ngoài ra, tôi cũng muốn nhấn mạnh là để sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa đẳng cấp, có tính sáng tạo và giá trị cao thì các bên phải ngồi với nhau, tương tác với nhau, hợp tác với nhau để cùng làm. Điều này sẽ thuận lợi hơn khi mọi người có một không gian đủ lớn để gần nhau. Đây chính là lý do mà Hà Nội nên chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo, vì chỉ khi đó mới có đủ diện tích cho các bên đặt văn phòng gần nhau, cùng xây ý tưởng và tổ chức các sự kiện cùng nhau, tạo ra một hệ sinh thái từ đó hiện thực hóa chiến lược công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, ông Lê Quang Bình nhận định.