Multimedia
29/10/2024 11:04
Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

29/10/2024 11:04

Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với việc cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến vấn đề nhà ở của công nhân lao động thực sự là bước đột phá. Đồng thời, qua giám sát chuyên đề về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Quốc hội đã và đang đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc thực tiễn. Để Luật đi vào cuộc sống, để Quốc hội đồng hành cùng công nhân lao động, điều quan trọng phải tăng cường công tác giám sát tối cao. Giám sát để Luật được được thực thi, để mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội sớm trở thành hiện thực, giúp cho người có thu nhập thấp nói chung và công nhân lao động nói riêng chạm gần hơn đến giấc mơ có ngôi nhà riêng của mình...
Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Quốc hội thông qua Luật Nhà ở với việc cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến vấn đề nhà ở của công nhân lao động thực sự là bước đột phá. Đồng thời, qua giám sát chuyên đề về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, Quốc hội đã và đang đồng hành cùng Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc thực tiễn.

Để Luật đi vào cuộc sống, để Quốc hội đồng hành cùng công nhân lao động, điều quan trọng phải tăng cường công tác giám sát tối cao. Giám sát để Luật được được thực thi, giám sát để mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội sớm trở thành hiện thực, giúp cho người có thu nhập thấp nói chung và công nhân lao động nói riêng chạm gần hơn đến giấc mơ có ngôi nhà riêng của mình...

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà
Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc thông qua và cho thi hành sớm được dư luận đồng tình, doanh nghiệp đánh giá cao, thể hiện tầm nhìn kiến tạo và đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong gỡ khó về chính sách.

Nhiều cơ chế, chính sách trong Luật Nhà ở (sửa đổi) đã giúp cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ưu đãi cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Đồng thời, được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại; được hạch toán riêng, không phải tính chi phí đầu tư xây dựng phần công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư cũng được vay vốn với lãi suất ưu đãi; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua theo quy định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, đối với đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải xác nhận điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập. Các đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang...

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, quy trình, thủ tục đầu tư nhà ở xã hội là vướng mắc gây kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội. Cụ thể hóa Luật Nhà ở năm 2023, Nghị định 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã dành hẳn một chương để quy định các giai đoạn đầu tư dự án nhà ở xã hội. Đây là điểm mới so với quy định của Luật Nhà ở năm 2014, và qua thực tiễn, Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo là đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện thủ tục.

“Với những quy định mới này trong Luật Nhà ở năm 2023, cơ bản đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển nhà ở xã hội”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Hà Quang Hưng cũng đánh giá cao quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện một dự án nhà ở xã hội, hướng dẫn các bước tương đối chi tiết, từ xây dựng, đề xuất chủ trương cho đến phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cho đến giai đoạn kết thúc... bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước.

Bên cạnh đó, Nghị định 100/2024/NĐ-CP còn giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình thực hiện xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng… phải dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội theo nhu cầu. Đồng thời, quy định hướng dẫn các mẫu giấy tờ để chứng minh đối tượng và điều kiện để được hưởng chính sách về nhà ở.

Đáng chú ý, cơ cấu hình thành giá bán nhà, bảo đảm đúng, đủ, phù hợp quy định; quy định rõ trình tự thủ tục để bán nhà ở xã hội... được quy định cụ thể. Đồng thời, nguồn tín dụng để phát triển nhà ở xã hội cũng đã được tháo gỡ. Đây cũng là một trong những thuận lợi đối với các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này cũng như các đối tượng tiếp cận với nhà ở xã hội.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Điều khiến cán bộ Công đoàn, công nhân lao động không khỏi vui mừng phấn khởi là nhiều ý kiến, kiến nghị của họ đã được ghi nhận trong Luật Nhà ở (sửa đổi), với chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân lao động ở khu công nghiệp.

Anh Bùi Thế Sơn, công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam cho biết, anh và đồng nghiệp rất phấn khởi khi những kiến nghị của người lao động về chính sách nhà ở đã được Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành lắng nghe, chia sẻ.

“Cũng vài lần tôi tìm hiểu về nhà ở xã hội nhưng giá bán so với mức thu nhập của hai vợ chồng là quá cao nên không có khả năng mua. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội thì rất tốt, như vậy sẽ sát sao, thuận lợi hơn trong điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân lao động, giúp việc đầu tư đúng trọng tâm, nâng cao hiệu quả, khi đó chúng tôi sẽ có cơ hội dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội. Tôi mong muốn thuê được nơi trọ thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ, có khu vui chơi cho các con chứ chỗ ở hiện tại còn quá nhiều thiếu thốn”, anh Sơn bày tỏ.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng phấn khởi khi nhiều ý kiến, kiến nghị của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động tại Diễn đàn Người lao động đã được Quốc hội ghi nhận.

“Việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân là việc hết sức nhân văn trong chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động. Tổ chức Công đoàn là đơn vị trực tiếp, thường xuyên nắm bắt nhu cầu và điều kiện sống của người lao động. Khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia sẽ tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội được thuê, mua nhà ở với giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính.

Điều này sẽ góp phần giữ chân người lao động, nâng cao tính ổn định, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà
Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Đánh giá về những tháo gỡ vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, tiếp cận đất đai, quỹ để phát triển nhà ở xã hội trước đây quy định cứng nhưng hiện nay đã quy định linh hoạt hơn. Với những chính sách mới của Luật Nhà ở, nguồn lực, điều kiện tiếp cận, cơ hội phát triển nhà ở xã hội được mở ra, các dự án nhà ở xã hội sẽ tiếp cận nhanh hơn với các chính sách.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng nhìn nhận, việc triển khai thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) đã và đang giúp tháo gỡ được những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài về nhà ở xã hội cho công nhân lao động.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Đồng thời, Luật quy định căn cứ nhu cầu về nhà ở và điều kiện của địa phương, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp, hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị, người lao động làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao theo quy định của Luật.

Điều đó, giúp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trước đây trong việc dành quỹ đất, giúp người lao động có nhiều cơ hội được tiếp cận hơn với nhà ở xã hội, công nhân sẽ an tâm “an cư lạc nghiệp”. Ngoài nhà ở xã hội, Luật cũng quy định phải có nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp thuê trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn cũng cho rằng ngoài việc cần tăng thêm nguồn cung, còn cần có các giải pháp hiệu quả, thiết thực để nhà ở công nhân đến được đúng đối tượng, tránh tình trạng “người cần không có, người có không ở”. Khi nhà đầu tư hoàn thành và bàn giao nhà, một lần nữa các cấp Công đoàn phải thẩm định lại nhu cầu thực tế của công nhân lao động trước khi cho đăng ký thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú. Trong quá trình vận hành, các cấp công đoàn đặc biệt là Công đoàn cơ sở phải theo dõi sát sao sự dịch chuyển của công nhân lao động để kịp thời điều chỉnh, bố trí nhà ở xã hội cũng như nhà lưu trú cho sát với nhu cầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cũng bày tỏ kỳ vọng về chính sách mới của Luật Nhà ở. Tại tỉnh Đồng Nai có một số doanh nghiệp đã rất quan tâm, xây nhà cho hộ gia đình công nhân ở, khiến người lao động rất phấn khởi. Hiện, các dự án nhà ở xã hội đang triển khai ở các địa bàn đông lao động như Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch. Đại biểu mong muốn việc vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân phải phù hợp với điều kiện họ đi làm, có nơi gửi con cái, tránh bố trí quá xa, xây xong không có người ở sẽ gây lãng phí...

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà
Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Đề cập đến thực trạng sở hữu nhà ở không đúng đối tượng, ông Trương Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng nên cân nhắc xử lý đối với các trường hợp người mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng rồi bán lại kiếm lời, bằng cách tịch thu số tiền vi phạm và hủy giao dịch mua bán.

Ví dụ, trong thời hạn 5 năm, kể từ khi đóng đủ tiền, mà phát hiện đối tượng không đúng thì hủy giao dịch mua bán, phạt tiền và tịch thu một nửa giá trị mua bán căn hộ, trả lại một nửa tiền. Nếu ngoài thời hạn 5 năm, thì hủy giao dịch mua bán, tịch thu toàn bộ tiền mua nhà ở xã hội, phạt tiền. Nếu người mua đã bán cho người khác thì phải trả tối thiểu gấp đôi cho người đã mua nhà ở xã hội, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

“Đa phần, việc sai lệch đối tượng mua nhà ở xã hội xuất phát từ đối tượng không đủ điều kiện, lập hồ sơ sai lệch để mua nhà ở xã hội sử dụng, bán kiếm lời. Do đó, việc xử lý bằng biện pháp tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài chính vi phạm sẽ có hiệu quả cao hơn những hình thức xử phạt khác”, theo ông Tuấn.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Bên cạnh đó, một trong những biện pháp để kéo được giá nhà ở xã hội xuống thấp là giảm được giá nhà ở nói chung của thị trường bất động sản vì giá nhà ở nói chung sẽ mang tính định hướng, điều chỉnh mạnh mẽ từng giá nhà ở trong các phân khúc nhỏ. Biện pháp mà Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu ra liên quan tới điều tiết thị trường bất động sản là yếu tố đầu cơ. Do đó, cần nghiên cứu và sớm triển khai thực hiện biện pháp này thì mới có thể đưa giá nhà về với giá trị thật.

Đồng thời, cần phải xem xét tới yếu tố kinh tế, xã hội trong đó có mức thu nhập bình quân trên đầu người để tính được giá của thị trường nhà ở trong đó có giá của phân khúc nhà ở xã hội, phù hợp với thu nhập người dân.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Cũng theo ông Tuấn, giá vốn trung bình xây dựng nhà ở chung cư ở khu đô thị khoảng 17 triệu đồng/m2 tới hơn 20 triệu đồng/m2. Giá bán bao gồm lãi và giá bán thông qua các kênh trung gian, dù bằng cách phù hợp hoặc không phù hợp pháp luật, sẽ còn cao hơn.

Thông qua các mức thu nhập khác nhau, chúng ta có thể tính được giá nhà ở xã hội phù hợp với từng địa phương để người dân có thể tích lũy trong thời gian nhất định, thì có thể mua được nhà ở xã hội.

Đồng thời, phải kiểm soát được các khâu trung gian từ chủ đầu tư tới tận tay người sử dụng sau cùng, bằng các biện pháp tài chính, hành chính để triệt tiêu được các chi phí trung gian, giảm thiểu tối đa việc tăng giá khi người mua sau cùng phải trả để thụ hưởng được nhà.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Những chính sách mới về nhà ở xã hội không chỉ mang đến kỳ vọng mới cho công nhân lao động, mà còn là niềm vui cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những cơ chế, chính sách được Quốc hội tháo gỡ đã bám sát thực tiễn, tính khả thi cao, thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy xây dựng pháp luật, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khơi thông nguồn lực để kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm...

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), chính sách nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở năm 2023 là chính sách tốt nhất mà chúng ta đã xây dựng cho đến thời điểm hiện nay.

Là một trong các doanh nghiệp đăng ký thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Hoàng Quân - ông Trương Anh Tuấn cũng đồng quan điểm vì “chưa bao giờ thấy sự ủng hộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, kể cả người dân đối với chính sách về nhà ở xã hội rõ nét như lúc này”.

Ông Tuấn đánh giá cao Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP đã tháo gỡ các rào cản về thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách đất đai, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đối tượng khách hàng... tạo hành lang pháp lý mới, tạo thêm niềm tin, động lực cho các doanh nghiệp.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Hoàng Quân.

Đặc biệt, chi phí về giá bán, chi phí hỗ trợ đền bù, bán hàng, quản lý của doanh nghiệp nhà ở xã hội đã được quy định rất rõ ràng, như chi phí của một doanh nghiệp dự án nhà ở thương mại; công thức để tính giá bán cũng tiệm cận hơn thực tế...

Về nhà ở xã hội cho thuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Địa ốc Hoàng Quân cho rằng cần có một chính sách lớn hơn từ phía Quốc hội và Chính phủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vì cần nguồn vốn đầu tư lớn. Ví dụ doanh nghiệp không thể vay vốn 3 năm để làm nhà cho thuê; nếu muốn làm thì phải vay không dưới 5 năm, lãi suất cho thuê phải dương hơn so với tiền cho thuê của nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhìn nhận, phải phát triển đa dạng thị trường vốn cho thị trường bất động sản, vốn để đầu tư cho phát triển nhà ở xã hội phải là quỹ riêng và phải có nguồn cho phát triển quỹ này. Khi phát triển nhà ở xã hội cho thuê, mức tiền cho thuê không bù đắp được nguồn vốn ban đầu. Do đó, muốn phát triển nhà ở xã hội cho thuê, cần có chính sách về vốn cho doanh nghiệp...

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà
Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đánh giá cao việc Quốc hội chọn giám sát chuyên đề về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội và cho rằng, để mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội sớm trở thành hiện thực, giúp cho người có thu nhập thấp nói chung và công nhân lao động nói riêng chạm gần hơn đến giấc mơ có ngôi nhà riêng của mình, bên cạnh việc tổ chức thi hành hiệu quả Luật Nhà ở, rất cần tăng cường công tác giám sát.

Theo ông Thắng, Luật Nhà ở được thực hiện sớm trước 4 tháng, người lao động nói chung, công nhân lao động ở các khu công nghiệp nói riêng hết sức phấn khởi khi chính sách đi vào cuộc sống sớm hơn. “Để Luật thực sự được thực thi hiệu quả phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thi hành và giám sát thực hiện pháp luật. Đồng thời kịp thời xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm”, ông Nguyễn Đình Thắng nêu kiến nghị.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko - Khu Công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội cho rằng cần giám sát để không có tình trạng xây khu công nghiệp, khu chế xuất mà không xây nhà ở cho công nhân lao động. Đồng thời tránh tình trạng “sai sót” trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, khiến người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn...

Được thuê, mua nhà ở xã hội luôn là khát khao cháy bỏng của công nhân lao động. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nhà ở đóng vai trò vô cùng quan trọng, là chìa khóa quyết định đến việc làm, năng suất lao động xã hội. Bởi vậy, cùng với việc tháo gỡ các vướng mắc, việc kiểm tra, giám sát là vô cùng quan trọng để đảm bảo các quyết sách của Quốc hội phát huy hiệu quả, thật sự đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân, cũng như tâm nguyện của các đại biểu.

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà
Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà
Nội dung: Phương Thảo – Trần Vũ | Đồ họa: Quốc Nam
Kỳ 1: Bám sát thực tiễn, gỡ vướng chính sách Kỳ 1: Bám sát thực tiễn, gỡ vướng chính sách

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, với nhiều chính sách quan trọng, thể hiện ...

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Ai cũng mong muốn có một nơi ở ổn định để “an cư, lạc nghiệp”. Tuy vậy, đối với không ít người lao động, để ...