Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, với nhiều chính sách quan trọng, thể hiện tầm nhìn kiến tạo, dẫn dắt và sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy lập pháp của Quốc hội. Một trong các chính sách quan trọng là quy định về xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên cơ sở ở đâu có khu công nghiệp ở đó phải có nhà ở công nhân. Đây thực sự là đạo luật cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng về chăm lo đời sống đối với giai cấp công nhân, giai cấp tiên phong trong xây dựng kinh tế - xã hội, để tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc vì đất nước hùng cường. |
Thực tế cho thấy, một trong những khó khăn lớn nhất mà công nhân lao động đang đối mặt là nhà ở. Được thuê, mua nhà ở xã hội với giá phù hợp luôn là mơ ước của hầu hết công nhân lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ công nhân lao động có thể thuê, mua được nhà vẫn còn rất thấp. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động và thực tế cho thấy, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Trước hết, bắt đầu từ gỡ vướng về cơ chế, chính sách. Phát triển nhà ở dành cho công nhân nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ, đời sống công nhân lao động là chủ trương được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. |
Giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ hướng đến mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đây là chính sách đang được người lao động đặc biệt quan tâm. Năm 2022, tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp”. Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTg về “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Đồng thời, Chính phủ cũng có Chương trình 120.000 tỉ đồng dành cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với mức lãi suất thấp. |
Thể chế hóa nghị quyết của Trung ương, đồng hành cùng Chính phủ, năm 2023, Quốc hội khóa XV đã sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và quyết định cho thi hành sớm hơn 4 tháng với các luật này, với nhiều chính sách mới, tháo gỡ hàng loạt khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân lao động nói riêng. Cùng với xem xét sửa đổi Luật Nhà ở, năm 2023, Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn giám sát. Qua làm việc với Chính phủ, 8 bộ, ngành và 12 địa phương, Đoàn giám sát đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội và những vướng mắc pháp lý. Cuối kỳ họp, Nghị quyết về giám sát sẽ được ban hành, tháo gỡ tiếp những rào cản, sẽ mang đến cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội thuận lợi, dễ dàng hơn cho người lao động. |
Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở. Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến năm 2020, nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp mới hoàn thành 116 dự án, với tổng diện tích khoảng 2.580.000m2 (đáp ứng nhu cầu khoảng hơn 330.000 người lao động), đạt khoảng 39% mục tiêu. Trong giai đoạn 2015 - 2023, cả nước đã hoàn thành 10 dự án nhà ở công nhân với quy mô 5.484 căn; đã khởi công xây dựng 35 dự án với quy mô 43.840 căn và 91 dự án với quy mô 116.887 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 2 thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang. Trong đó Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam có quy mô 4,04 ha, với tổng số 976 căn hộ, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với hơn 300 căn hộ. Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An tỉnh Tiền Giang có quy mô 3,05 ha, với 998 căn hộ, hiện đang được triển khai đầu tư xây dựng. |
Theo Báo cáo của Chính phủ, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó có 373 dự án đã hoàn thành, với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công, quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 258.188 căn. Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội cũng chưa phát huy hết hiệu quả. Mới chỉ có 34/63 tỉnh công bố danh sách dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi. Tổng dư nợ giải ngân chỉ đạt khoảng 1.783 tỷ đồng, cho thấy những trở ngại trong việc kết nối giữa nguồn vốn và nhu cầu thực tế của người dân. Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Nhà ở (Bộ Xây dựng) cho hay, tổng số lượng căn hộ nhà ở xã hội được khởi công, hoàn thành trong cả nước đến nay đạt khoảng 35,6% mục tiêu Đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, giai đoạn đến năm 2025. Quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội khoảng 9.757ha (tính đến cuối tháng 8/2024). Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp. Nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng, thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi... chưa thực sự khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. |
Thực trạng này cho thấy người lao động nhìn chung đang khá khó khăn để tiếp cận, thuê, mua nhà ở xã hội giá rẻ và một lượng lớn lao động phải ở tạm bợ hoặc không có nhà ở. Nhiều người lao động cho rằng, cách đây mấy chục năm về trước, khi đất nước còn rất nghèo, nhưng gần như nơi nào có nhà máy, xí nghiệp đông công nhân thì nơi đó đều có khu tập thể, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa. Đến bây giờ điều kiện kinh tế xã hội của đất nước tốt hơn, nhưng rất nhiều khu công nghiệp có hàng nghìn công nhân lại vắng bóng các khu nhà ở cho người lao động... Đặt lên bàn cân so sánh, TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, chúng ta đã cơ bản giải quyết được vấn đề nhà ở cho khu vực nông nghiệp nông thôn và người nghèo, nhưng chưa làm được điều tương tự đối với công nhân lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất và người có thu nhập thấp... |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Phó Trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” cho biết, nhà ở xã hội tại các đô thị nói chung và nhà ở cho công nhân nói riêng đang thiếu nguồn cung trầm trọng, đặc biệt ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh... Đoàn giám sát đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt bất cập. Đó là chính sách, pháp luật về nhà ở xã hội giai đoạn 2015 - 2023 còn thiếu tính ổn định. Một số quy định quan trọng, cần thiết để phát triển nhà ở xã hội chưa được quan tâm hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho địa phương; một số văn bản của Trung ương ban hành còn chậm, do đó việc ban hành các văn bản của địa phương không thể thực hiện đúng tiến độ theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể; các quy định về phân cấp, ủy quyền của Trung ương cho địa phương trong phát triển nhà ở xã hội còn chưa rõ ràng, không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương dẫn đến khó khăn khi tổ chức triển khai. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng còn chưa kịp thời, việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách, thẩm định giá nhà ở xã hội thường xuyên kéo dài so với thời hạn quy định của pháp luật, ảnh hưởng lớn đến chu kỳ đầu tư, thu hồi vốn, trả lãi ngân hàng của chủ đầu tư và sự tiếp cận nhà ở xã hội của người dân. |
Đáng quan tâm là tình trạng dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Giá nhà ở xã hội bình quân cũng còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn phức tạp. Bên cạnh đó, chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ từ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng chậm được giải ngân, điều kiện, thủ tục phức tạp, lãi suất còn cao, chưa phát huy tác dụng trong việc thu hút, khuyến khích chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội tiếp cận gói tín dụng này là những lực cản không nhỏ đối với công tác phát triển nhà ở xã hội. Đoàn giám sát của Quốc hội cũng ghi nhận, đối với phát triển nhà ở cho công nhân, việc chỉ cho phép đối tượng là công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp được hưởng chính sách này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư. |
Trong các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thì công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp chiếm phần lớn và có thể nói đây là đối tượng có nhu cầu cấp thiết nhất về nhà ở, nhưng điều kiện đối tượng thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên đã tạo một rào cản khiến công nhân khó có thể mua được nhà ở xã hội. Thực tế, dù có thuộc diện phải nộp thuế thu nhập, nhưng sau khi chi phí nuôi con cái ăn học, thuê nhà và các chi phí thiết yếu bảo đảm cho đời sống gia đình, thì phần thu nhập còn lại của công nhân không còn dư hoặc dư không đáng kể. Có nghĩa, rất nhiều người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao... |
Phần lớn công nhân lao động, nhất là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thuê trọ tại các khu nhà trọ tư nhân với điều kiện cơ sở hạ tầng không đảm bảo, chất lượng sống thấp. May mắn hơn thuê được nhà lưu trú, nhà cho công nhân thuê thì điều kiện sống cũng không cao, vì nhiều khu nhà ở công nhân xây dựng đã lâu và xuống cấp, thiếu các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, sinh hoạt văn hóa... Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận người lao động hiện nay đang rất khó khăn. Với mức lương trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng thì công nhân lao động chỉ đủ trang trải cho bản thân. Trong khi đó, các khoản chi phí như tiền thuê trọ, giá thực phẩm, điện nước… thời gian qua đều tăng cao. “Chính vì thế cuộc sống của họ chỉ quanh quẩn với “hai nhà”, ban ngày ở nhà máy, tối về nhà trọ. Nhiều công nhân đang phải thuê tại những nơi không đảm bảo chất lượng, đời sống khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhiều người không có điều kiện chăm sóc gia đình, rơi vào tình trạng độc thân, mẹ đơn thân, nguy cơ nghèo hoá, không có lương hưu khi về già”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết. Cũng theo ông Ngọ Duy Hiểu, nhu cầu nhà ở của công nhân lao động là rất lớn. Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định việc chăm lo nhà ở cho người lao động trong bối cảnh mới là rất quan trọng, người lao động rất cần ổn định về nhà ở để yên tâm lao động sản xuất. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cũng cho rằng, vấn đề nhà ở đang là nhu cầu bức thiết nhất đối với công nhân lao động. Thực tế còn số lượng lớn công nhân, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhà ở, trong khi số lượng nhà ở xã hội, khu lưu trú cho công nhân còn thấp so với nhu cầu... |
Năm 2023, lần đầu tiên Diễn đàn Người lao động được Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, nhiều công nhân lao động đại diện cho hàng triệu công nhân lao động trong cả nước đã bày tỏ mong muốn, kiến nghị có chính sách phù hợp về nhà ở để giúp họ có cơ hội tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn. TS. Nhạc Phan Linh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn cho hay, số liệu khảo sát năm 2024 cho thấy, 53,9% người lao động di cư đang ở trong các phòng trọ loại nhà cấp 4, nhà dân kết hợp cho thuê, nhà lợp tôn hoặc fibro xi măng. Đối với các nhà trọ dạng cấp 4, mặc dù đa phần đã được trang bị nhà vệ sinh khép kín nhưng diện tích sinh hoạt lại rất hạn chế. Với diện tích sử dụng nhỏ chưa đến 30m2, thậm chí chỉ dưới 10m2, tất cả hoạt động sinh hoạt bao gồm nấu nướng, chăm sóc con cái, sinh hoạt gia đình và nghỉ ngơi, đều phải diễn ra trong một không gian duy nhất... Bài toán an cư cho người lao động cũng là trăn trở của những người đại biểu. Trên các diễn đàn Quốc hội, các phiên chất vấn, thảo luận hay trong các buổi tiếp xúc cử tri, vấn đề nhà ở cho người lao động, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất luôn trở thành đề tài nóng hổi được luận bàn thẳng thắn, trực diện. Đây là vấn đề quan trọng được cử tri mong đợi, đại biểu quan tâm, các chuyên gia cũng theo dõi sát sao đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. |
Nội dung: Phương Thảo - Trần Vũ | Đồ họa: Quốc Nam |
|