Multimedia
28/10/2024 09:05
Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

28/10/2024 09:05

Ai cũng mong muốn có một nơi ở ổn định để “an cư, lạc nghiệp”. Tuy vậy, đối với không ít người lao động, để mua được nhà ở là một ước mơ xa vời, nhất là trong tình trạng giá nhà ở một số đô thị lớn đang có hiện tượng tăng đột biến như hiện nay. Theo khảo sát mới nhất của Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở 16 tỉnh, thành phố, thì 90% người lao động là công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải đi thuê nhà trọ...
Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Ai cũng mong muốn có một nơi ở ổn định để “an cư, lạc nghiệp”. Tuy vậy, đối với không ít người lao động, để mua được nhà ở là một ước mơ xa vời, nhất là trong tình trạng giá nhà ở một số đô thị lớn đang có hiện tượng tăng đột biến như hiện nay. Theo khảo sát mới nhất của Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ở 16 tỉnh, thành phố, thì 90% người lao động là công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải đi thuê nhà trọ...

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội
Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Trong thực tế, công nhân lao động từ các tỉnh về các thành phố, khu công nghiệp làm việc hầu hết phải thuê trọ. Với đồng lương ít ỏi nên nhà thuê thường diện tích chật hẹp, tạm bợ, nhiều căn phòng chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ và một góc để nấu ăn, con ngủ trên giường, bố mẹ nằm dưới sàn... Chỉ vậy, nhưng chi phí thuê trọ cũng tốn một khoản không nhỏ hàng tháng.

10 năm làm việc ở Thủ đô, gắn bó với công xưởng, cũng là 10 năm chị Nguyễn Thị Nga đi về trong những xóm trọ công nhân xung quanh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).

Căn phòng hiện tại chị đang ở là một phòng cấp 4, mái lợp fibro xi măng, may mắn là có vệ sinh riêng trong phòng. Vợ chồng chị khéo léo sắp xếp khu nấu ăn, một chiếc giường, tủ quần áo, chừa lại một lối đi và để xe. “Có những hôm trời nóng không ngủ được, hoặc mùi đồ ăn ám quanh phòng vì diện tích nhỏ, nhưng để tiết kiệm chi phí thì chúng tôi chấp nhận vậy”, chị Nga nói.

Cạnh phòng chị Nga, dãy trọ có chừng 8 phòng với thiết kế giống nhau, phục vụ nhu cầu ở cho khoảng 20 người, cả người lớn lẫn trẻ em. Hai dãy phòng đối diện nhau qua khoảng sân chung nhỏ, với những sào quần áo phơi ngay trên hành lang...

Giống như bao cặp vợ chồng công nhân khác, thu nhập của hai vợ chồng chị Nga trung bình khoảng 15 triệu/tháng. Để có tiền gửi về nuôi con ở quê, vợ chồng chị chi tiêu rất tằn tiện, tuy nhiên, co kéo mãi, cũng chỉ để ra được chừng 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Cùng chung tình trạng sống chật hẹp ở các khu nhà trọ, anh Bùi Thế Sơn, công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam, cho biết hơn 12 năm qua, gia đình anh sống trong căn phòng thuê tại khu nhà cấp 4 ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Do xây dựng đã lâu nên phòng trọ chưa thực sự đảm bảo an toàn, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy, an ninh khu trọ phụ thuộc vào sự tự giác, người thuê trọ tự bảo ban, nhắc nhở nhau... Khu trọ gia đình anh Sơn ở với diện tích nhỏ, không có sân chơi cho trẻ em nên sau giờ tan học, phòng trọ khoảng 20m2 là nơi vui chơi chính của các con.

“Ban ngày tôi đi làm, các con thì đi học, đến chiều đón cháu về, ăn uống, tắm rửa xong, cháu thường chạy sang các phòng trọ cùng dãy để chơi với các bé khác một lúc rồi vào học bài. Vợ chồng tôi đều làm công nhân, có rất ít thời gian dành cho con, khu trọ thiếu khuôn viên vui chơi cũng thiệt thòi cho các cháu nhỏ, chúng tôi chỉ mong thu nhập khá hơn, gom góp tiền, có cơ hội tiếp cận để thuê hoặc mua căn nhà ở xã hội với giá hợp lý với thu nhập”, anh Sơn bộc bạch.

Chị Nguyễn Ngọc Hà, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ, nhu cầu được thuê nhà ở của công nhân ở Khu công nghiệp, khu chế xuất của Hà Nội rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ được thuê, được ở nhà lưu trú do Nhà nước cung cấp còn thấp, rất nhiều người phải thuê bên ngoài với chi phí cao, chật chội mất an toàn.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

“Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều khu nhà ở cho thuê với chi phí phù hợp với thu nhập. Ngoài ra, khi xây dựng các toà nhà cho công nhân lao động, các nhà đầu tư phải cung cấp thêm những tiện ích tối thiểu để hỗ trợ đời sống như nhà trẻ, nhà hoạt động cộng đồng, trang thiết bị đảm bảo an ninh an toàn về phòng cháy chữa cháy”, chị Hà nói.

Chị Hà cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm, thẩm quyền cần sát sao hơn trong việc quản lý xây dựng và cho thuê nhà ở cho công nhân lao động, tránh tình trạng người lao động không tiếp cận được nhà thuê phù hợp hoặc việc cho thuê không đúng mục đích...

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Khu nhà trọ số 34, ngõ 210 phường Phú Xá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 30 phòng cho thuê. Mỗi căn phòng khoảng hơn 10m2, giá thuê dao động từ 700.000 - 1.000.000 đồng/tháng, tùy vào diện tích.

Chị Lý Thị Chuyên (22 tuổi, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) là công nhân Công ty TNHH Glonics Việt Nam có trụ sở tại thành phố Thái Nguyên. Chị Chuyên chia sẻ, đã đi làm được 3 năm, và chuyển nhà trọ vài lần. Căn phòng chị ở khoảng hơn 10m2, có giá 800.000 đồng/tháng. Cũng như nhiều người khác, chị dùng chung công trình phụ với dãy trọ.

“Tôi cũng hay phải tăng ca, nếu tăng ca thì lương được 7-8 triệu đồng/tháng, nếu không thì lương từ 5-6 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chúng tôi rất quan tâm đến chính sách nhà ở cho công nhân lao động và mong muốn sớm được thuê, mua nhà dành cho công nhân để đỡ vất vả, yên tâm hơn”, chị Chuyên chia sẻ.

Đồng nghiệp, cũng thuê cùng khu nhà trọ với chị Chuyên là chị Triệu Thị Hương (quê ở xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã đi làm được 6 năm. Chị Hương cho hay, nếu tăng ca, khoảng 30-35 giờ mỗi tuần, lương của chị được 8 triệu đồng/tháng.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Chị Hương mong muốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân, nếu được hỗ trợ thuê với giá ưu đãi, hoặc cho mua trả góp thì rất tốt. Vì với đồng lương hiện hưởng, phải lo cho hai con ăn học, chị cho hay không thể tiết kiệm được...

Nhiều công nhân khác cũng chia sẻ, với mức lương tầm 7-8 triệu đồng/tháng, họ luôn phải căn cơ, tằn tiện mới đủ chi tiêu. Tuy khó khăn, nhưng công nhân có lương, không thuộc diện hộ nghèo, nên cũng không được hưởng các chính sách ưu đãi...

Bà Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 230.000 công nhân, viên chức, lao động. Rất nhiều công nhân phải thuê trọ, các căn nhà chỉ hơn 10m2, mùa này thì đỡ, chứ mùa nè rất nóng nực, khổ sở, nhưng nếu chuyển sang các khu tốt hơn thì người lao động phải tính toán vì chi phí nhiều tiền hơn...

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội
Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, nhiều Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố đã tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động. Mong muốn được thuê, mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú dành cho công nhân là nội dung được nhiều người lao động kiến nghị.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề và tặng quà công nhân, người lao động do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, chị Trần Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ngũ Kim Kim Sơn Việt Nam đề nghị Quốc hội quan tâm, hỗ trợ về nhà ở cho người lao động.

Chị Kiều Anh cho hay, Công ty TNHH Ngũ Kim Kim Sơn Việt Nam hiện tại có khoảng 250 người lao động, đa phần ở Sơn La, Hà Giang, Điện Biên về làm việc. Ở xa đến, mọi người phải thuê nhà và các khu nhà trọ thì ở rải rác chứ không ở tập trung và cách xa nơi làm việc, còn nếu gần công ty thì giá lại cao. Vì vậy, người lao động rất mong có khu nhà ở xã hội, có giá thuê vừa với túi tiền mức sống của họ, vì nếu chi quá cao về tiền nhà thì gần như không còn tiền để sinh hoạt...

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Chia sẻ với phóng viên, chị Đàm Thị Nhớ (quê Hà Giang), công nhân Công ty giầy Hải Nam (thị trấn Lai Cách, tỉnh Hải Dương) bày tỏ mong muốn có chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, ở nhà chật cũng được để đỡ khó khăn, yên tâm làm việc.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu cho biết, tỉnh đang tích cực triển khai các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Dự kiến giữa năm 2026, người dân sẽ được mua nhà ở xã hội, với mức giá hợp lý, chất lượng bảo đảm...

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 200 nghìn công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Trong đó, có khoảng 15 nghìn công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú, trường học và các thiết chế văn hóa… nhằm ổn định cuộc sống, an tâm công tác.

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho hay, triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tổng số căn hộ trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành ít nhất 13.787 căn.

Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã đầu tư 6 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp với tổng diện tích sàn là 376.113m2, tương đương 2.694 căn hộ. “Như vậy, kết quả đạt được chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân lao động”, ông Sơn cho biết.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Khó khăn, theo ông Sơn là quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là quỹ đất đã có hạ tầng hiện nay rất khó. Các chính sách ưu đãi về đầu tư đều có quy định cụ thể nhưng việc thực hiện gặp khó khăn do nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ của tỉnh còn hạn chế, chưa huy động được nhiều nguồn vốn khác...

Tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, với khoảng 1,3 triệu lao động, trong đó khoảng hơn 500 ngàn người làm việc trong các khu công nghiệp. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết, qua khảo sát, có tới 400 ngàn người lao động có nhu cầu về nhà ở xã hội. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã triển khai xây dựng được 1.600 căn hộ và các doanh nghiệp tham gia xây nhà ở cho công nhân được tổng 7.000 căn hộ. “So với nhu cầu thì đáp ứng được ở mức khiêm tốn”, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý cho biết.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Chia sẻ với thực trạng công nhân lao động phải sống trong các chung cư mini, nhà trọ chỉ 10m2 cho 1 hộ gia đình rất vất vả, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn tỉnh Cà Mau) đề nghị giao cho Chính phủ có một chính sách thật cụ thể cho đối tượng phân khúc nhà ở công nhân thu nhập thấp, với mục tiêu làm thế nào để giảm được thủ tục hành chính.

Đáng quan tâm, đại biểu cho biết, qua tham vấn một số công ty, loại nhà thu nhập thấp xây dựng tối đa chỉ 7 triệu đồng/m2, nếu đất của Nhà nước cho rồi hoặc đất của Nhà nước không thu tiền chuyển mục đích.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

“Nếu chúng ta làm nhà cho công nhân, người thu nhập thấp khoảng 25 đến 30m2, giống như Singapore xây dựng cách đây 30 năm. Chỉ xây dựng thế thôi, người có tiền muốn tham cũng không tham được, loại nhà này chỉ cho những người thu nhập thấp, người công nhân. Nếu giá thành hết 7 triệu/m2, giá bán loanh quanh khoảng 10 triệu/m2, một căn nhà khoảng 250 đến 300 triệu thì công nhân đảm bảo mua được”, đại biểu phân tích.

Trích lời Tổng Bí thư Tô Lâm “thủ tục hành chính là điểm nghẽn của điểm nghẽn”, đại biểu Đinh Ngọc Minh nhấn mạnh Nhà nước khi ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn... nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp làm thế nào để cho mọi thủ tục hành chính phải giảm, có thể một số thủ tục phải bỏ luôn.

“Ví dụ ban hành chính sách từ nay đến năm 2030 giảm tối đa tất tần tật thủ tục hành chính, chỉ cần trong quy hoạch là người dân có thể xây được thì nguồn cung của loại nhà này mới tăng lên nhiều, người thu nhập thấp mới mua được nhà”, theo đại biểu.

Từ thực trạng nhà ở xã hội hiện nay, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn tỉnh An Giang) nhìn nhận, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã ban hành chưa đủ sức hấp dẫn, không thực chất, không thu hút khuyến khích chủ đầu tư. Nhấn mạnh các các bất cập đã được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, nữ đại biểu đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tập trung chỉ đạo, rà soát để sớm tháo gỡ các tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông chính sách, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga lại đề cập đến việc đã và đang xảy ra tình trạng người sở hữu được nhà ở xã hội không phải người trong diện được thụ hưởng ưu đãi này.

“Có những dự án nhà ở xã hội chưa nghiệm thu nhưng việc rao bán đã xuất hiện trên Facebook, Zalo. Nếu có cuộc thanh tra, kiểm tra xem người đang ở trong nhà ở xã hội, chắc rằng sẽ có những người không đúng đối tượng được ưu đãi”, theo đại biểu.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Thực trạng này có nhiều nguyên do như có sai phạm và sai sót trong xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, có việc lách luật để mua đi, bán lại. Điều này đã dẫn đến hệ lụy là người có thu nhập thấp càng khó tiếp cận nhà ở xã hội hơn. Vì vậy, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần bổ sung nội dung tăng cường kiểm tra đối tượng sở hữu nhà ở xã hội và quy trình, thủ tục xét duyệt hồ sơ mua, thuê mua nhà ở xã hội để có thể phát hiện và xử lý các sai phạm có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai có hiệu quả các dự án xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đặc biệt ở các vùng tập trung đông khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhu cầu bức thiết về nhà ở dành cho công nhân. Đồng thời đề nghị các địa phương đặc biệt chú ý phát triển loại hình nhà ở xã hội cho thuê để người dân có thể tiếp cận được dễ dàng hơn.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ thực hiện tốt việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện, ưu tiên để bố trí quỹ đất cho nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó chú trọng đối với bố trí các dự án nhà ở độc lập, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp. Đồng thời cần phải thực hiện bố trí ngân sách trung ương, ngân sách địa phương thỏa đáng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng đề nghị Chính phủ hoàn thiện các cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp; tháo gỡ khó khăn để các nhà đầu tư, người có thu nhập thấp, công nhân lao động được tiếp cận với vốn vay để đầu tư cũng như mua nhà ở xã hội.

Quan tâm đến nguồn vốn cho nhà ở xã hội, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn tỉnh Hậu Giang) đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tập trung chỉ đạo cho Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà ở xã hội với thời hạn có thể 10 đến 20 năm, lãi suất ưu đãi thấp từ 3% đến 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội và có động lực để mua nhà ở...

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội
Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Bà Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên cho hay, tại Thái Nguyên, có một số doanh nghiệp đã tự xây nhà ở cho công nhân thuê, giá thuê khá tốt, tùy từng nơi, dao động từ 700.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Triển khai Luật Nhà ở (sửa đổi), tỉnh đang bố trí quỹ đất, quy mô theo đúng kế hoạch, tầm 4 héc ta trở lên, đủ các thiết chế gồm nhà ở, nhà trẻ, sân chơi, bãi tập...

Theo đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, việc triển khai chính sách nhà ở xã hội được tỉnh Đồng Nai rất quan tâm, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đều ban hành nghị quyết theo tinh thần của Chính phủ là vấn đề nhà ở xã hội được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Theo lộ trình, đến hết năm 2025, dự kiến xây dựng 10.000 căn nhà ở xã hội...

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội

Như vậy, khó khăn về phát triển nhà ở xã hội đang được các cấp, các ngành vào cuộc tháo gỡ. Từ kiến nghị của công nhân, lao động, tổ chức Công đoàn, lần đầu tiên nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất được đưa vào Luật Nhà ở. Theo đó, nhà lưu trú cho công nhân được xác định là một loại hình nhà ở xã hội với hàng loạt ưu đãi cho các nhà đầu tư.

Cùng với đó, Luật Nhà ở quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Tổng Liên đoàn tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động mặc dù là hoạt động có tính chất kinh tế nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, không nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp bất động sản, chắc chắn sẽ giúp người lao động tiếp cận với nhà ở xã hội dễ dàng hơn.

Kỳ 2: Tìm nguồn cung cho nhà ở xã hội
Nội dung: Phương Thảo - Trần Vũ | Đồ họa: Quốc Nam
Kỳ 1: Bám sát thực tiễn, gỡ vướng chính sách Kỳ 1: Bám sát thực tiễn, gỡ vướng chính sách

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, với nhiều chính sách quan trọng, thể hiện ...

Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà Kỳ cuối: Tăng cường giám sát để người lao động có cơ hội mua nhà

Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với việc cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến vấn đề ...