Multimedia
30/11/2023 11:03
Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

30/11/2023 11:03

Từ diễn đàn “Diên Hồng”, đúng như niềm tin và kỳ vọng của người lao động, nhiều vấn đề và lĩnh vực mà người lao động quan tâm, đặc biệt là chính sách liên quan đến bảo hiểm, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... đã được Quốc hội ghi nhận, cụ thể hóa bằng việc thông qua Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội từ quỹ Công đoàn, quy định về xây nhà lưu trú cho công nhân; đồng thời tiến hành xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng có lợi nhất cho người lao động.
Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

Từ diễn đàn “Diên Hồng”, đúng như niềm tin và kỳ vọng của người lao động, nhiều vấn đề và lĩnh vực mà người lao động quan tâm, đặc biệt là chính sách liên quan đến bảo hiểm, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội... đã được Quốc hội ghi nhận, cụ thể hóa bằng việc thông qua Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội từ quỹ Công đoàn, quy định về xây nhà lưu trú cho công nhân; đồng thời tiến hành xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) theo hướng có lợi nhất cho người lao động.

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật
Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

Tại Diễn đàn người lao động, các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động đã được lãnh đạo các Bộ, ngành trả lời thấu đáo. Đơn cử, trước những kiến nghị về nhà ở xã hội cho công nhân lao động; kiến nghị về gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, là gói hỗ trợ nằm trong Nghị quyết 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Chính phủ có chương trình đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã giao những nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương phải dành quỹ đất cho việc xây dựng nhà ở xã hội đồng thời Chính phủ có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai, tuy nhiên cũng còn những vướng mắc về một số thủ tục. Ngoài gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng, thời gian qua, Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết 43 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế, người lao động có thể vay từ gói 15 nghìn tỷ đồng ở Ngân hàng chính sách xã hội các địa phương. Với hai gói hỗ trợ này chắc chắn công nhân, người lao động thu nhập thấp sẽ có cơ hội để mua và sở hữu nhà ở xã hội.

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định vấn đề chăm lo, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, luôn được Nhà nước quan tâm.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Nhà ở, trong đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của người lao động đã được ghi nhận trong quá trình làm Luật. Một trong những nội dung được sửa đổi quan trọng của Luật là chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân lao động ở khu công nghiệp.

Đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, lưu trú tại khu công nghiệp bao gồm người có thu nhập thấp tại đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp… Bên cạnh đó, để thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú, Luật cũng đưa ra nhiều chính sách như dành ra quỹ đất để phát triển xã hội; có chính sách ưu đãi như miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất cho chủ đầu tư tiếp cận đất đai; chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác để phát triển dự án…

Nhà lưu trú cho công nhân là chính sách mới. Theo đó, chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ đầu tư nhà lưu trú công nhân, sau đó cho công nhân thuê với mức giá ưu đãi để giải quyết chỗ ở cho công nhân ngay trong khu công nghiệp. Các chủ đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân cũng được hưởng chính sách tương tự như xây dựng nhà ở xã hội…

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật
Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

Điều khiến cán bộ Công đoàn, công nhân lao động không khỏi vui mừng phấn khởi là Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua đã cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê, đúng như kiến nghị của người lao động tại Diễn đàn.

Anh Bùi Thế Sơn, công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam cho biết, khi hay tin Quốc hội nhất trí Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội, công nhân lao động rất phấn khởi, vậy là ý kiến kiến nghị của công nhân lao động tại Diễn đàn Người lao động đã được Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành lắng nghe, chia sẻ.

Bản thân anh rất mong đợi được tiếp cận nhà ở xã hội. Hơn 12 năm qua, gia đình anh sống trong căn phòng thuê tại khu nhà cấp 4 ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Do xây dựng đã lâu nên phòng trọ chưa thực sự đảm bảo an toàn.

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

“Vợ chồng tôi đều là công nhân, thu nhập hàng tháng nuôi hai con học cũng khá vất vả nên không dám mơ đến mua nhà. Cũng vài lần tôi tìm hiểu về nhà ở xã hội nhưng giá bán so với mức thu nhập của hai vợ chồng là quá cao nên không có khả năng mua. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội thì rất tốt, như vậy sẽ sát sao, thuận lợi hơn trong điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân lao động, giúp việc đầu tư đúng trọng tâm, nâng cao hiệu quả, khi đó chúng tôi sẽ có cơ hội dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội. Tôi mong muốn thuê được nơi trọ thoáng mát, rộng rãi, sạch sẽ, có khu vui chơi cho các con chứ chỗ ở hiện tại còn quá nhiều thiếu thốn”, anh Sơn bày tỏ.

Tương tự, anh Văn Đình Vinh, công nhân lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long bộc bạch, rời quê xuống Hà Nội hơn chục năm nhưng với đồng lương công nhân, vợ chồng anh vẫn chưa đủ khả năng mua căn nhà gần nơi làm việc. Dẫu biết nơi anh đang thuê trọ không thực sự đảm bảo an toàn nhưng vì số tiền thuê phù hợp với mức tiền mà gia đình có nên gia đình anh vẫn gắn bó với khu trọ.

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

“Tổng Liên đoàn Lao động làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng nhà ở xã hội, điều này phù hợp với chức năng chăm lo của tổ chức Công đoàn. Khi tổ chức Công đoàn làm chủ đầu tư, chúng tôi thấy rất an tâm, tin tưởng, mong Công đoàn sẽ khảo sát để xây dựng phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của công nhân”, anh Vinh chia sẻ.

Cùng chung niềm vui mừng khi biết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội, anh Nguyễn Văn Khuyên, công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa bày tỏ: “Thời gian qua, tôi cũng tìm nhiều cách để mua, thuê nhà ở xã hội để đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho gia đình, nhưng giá bán cao trong khi lương hạn hẹp. Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp chúng tôi có thêm hy vọng về việc được thuê những căn nhà rộng rãi, với mức giá phải chăng để bảo đảm điều kiện sống, cũng như điều kiện ăn ở, học hành của các con”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng phấn khởi chia sẻ: Nhiều ý kiến, kiến nghị của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động tại Diễn đàn Người lao động đã được Quốc hội ghi nhận. Nhiều ý kiến đã được Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn, như Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội…

“Tôi cho rằng, việc giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân là việc hết sức nhân văn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân lao động. Tổ chức Công đoàn là đơn vị trực tiếp, thường xuyên nắm bắt nhu cầu và điều kiện sống của người lao động. Khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia sẽ tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội được thuê, mua nhà ở với giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của công nhân lao động. Chính điều này sẽ góp phần giữ chân người lao động là đoàn viên công đoàn, nâng cao tính ổn định, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”, ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ.

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật
Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

Bên canh đó, những kiến nghị của người lao động về chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, thực trạng nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội... tại Diễn đàn Người lao động năm 2023 và các cuộc tiếp xúc cử tri đã được các đại biểu đưa vào nghị trường khi thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Thấu hiểu khó khăn của người lao động khi phải tự mình đi đòi nợ BHXH, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng mạnh mẽ khi góp ý xây dựng dự án Luật BHXH sửa đổi. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đưa ra số liệu thống kê cho biết, số tiền các doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH giai đoạn 2016-2022 là khoảng gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Trong năm 2022 chỉ riêng số doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH kéo dài 3 năm lên tới 56%, trên phạm vi cả nước có tới 198.000 doanh nghiệp đơn vị chậm đóng BHXH. Còn theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người, trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc là chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng…

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

Khi người lao động bị trốn đóng, chậm đóng BHXH, tất cả những quyền lợi của người lao động đều bị ảnh hưởng, không được chi trả các chế độ liên quan. Trong khi đó, để đồng hành cùng người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi khoản nợ này, tổ chức Công đoàn gặp không ít khó khăn khi chỉ quy định cho Công đoàn cấp cơ sở có quyền khởi kiện. Đồng thời, quy định ách tắc nhất là khi công đoàn đứng ra khởi kiện phải có sự ủy quyền của từng người lao động.

Nhiều Công đoàn cơ sở chia sẻ việc đi lấy giấy ủy quyền của người lao động rất gian nan, nhất là đối với những doanh nghiệp đã dừng hoạt động, người lao động đã trở về quê hoặc chuyển việc khác. Theo quy định của pháp luật, không chỉ lấy giấy ủy quyền là xong mà còn phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động cư trú để xin chứng thực...

Để gỡ vướng mắc này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị nếu chỉ sửa Điều 13 của Luật BHXH sẽ không giải quyết được vấn đề hiện nay. Bởi vì liên quan đến quyền khởi kiện của công đoàn đang chịu sự ràng buộc của Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Lao động, nên cùng với việc sửa Điều 13 của Luật BHXH, cần sửa đồng thời cả Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Công đoàn. Cụ thể, đại biểu đề nghị giao cho Công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là Công đoàn cấp cơ sở như hiện nay; đồng thời quy định nếu tổ chức Công đoàn đứng ra khởi kiện thì không cần phải có ủy quyền của người lao động vì theo quy định của Điều 10 Hiến pháp, Công đoàn là đại diện đương nhiên của người lao động.

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy

Lo ngại về tình trạng rút BHXH một lần, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng đặt trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn thì dường như việc loại bỏ hoàn toàn quy định về rút bảo hiểm một lần từ khi luật mới có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) là chưa thực sự phù hợp. Đại biểu đoàn Hải Dương cho rằng, cần trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH để giữ chân người lao động trong hệ thống BHXH. Đồng thời, nội dung nay cần tiếp tục lấy ý kiến từ các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những phương án, lộ trình phù hợp nhất.

Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đề nghị việc sửa Luật không được làm suy giảm hoặc mất đi các quyền lợi mà người lao động đang được thụ hưởng, để người lao động không cảm thấy “mình đang chịu phần thiệt” sau nhiều thay đổi về chính sách gần đây, như: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%... Đồng thời, dự thảo Luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hoá” của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp…

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật
Đại biểu Võ Mạnh Sơn
Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

Bên cạnh việc ghi nhận các kiến nghị của người lao động về chính sách nhà ở, bảo hiểm xã hội, vấn đề tiền lương cũng được Quốc hội đưa ra quyết sách mới. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội yêu cầu từ ngày 1/7/ 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách Nhà nước); điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, Nghị quyết nêu rõ, từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/6/2024: Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động…

Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội…

Như vậy, có thể nói, rất nhiều ý kiến, kiến nghị của người lao động tại Diễn đàn đã được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành ghi nhận và từng bước giải quyết thấu đáo; cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế nhằm đáp ứng những yêu cầu được thực tiễn đặt ra. Với sự gần gũi, luôn lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, các chính sách pháp luật đã thật sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật
Nội dung: Trần Vũ – Phương Thảo | Đồ họa: Đức Hà
Kỳ cuối: Khi kiến nghị đã và đang cụ thể hóa thành luật
Kỳ 1: Từ cuộc “tiếp xúc cử tri đặc biệt” Kỳ 1: Từ cuộc “tiếp xúc cử tri đặc biệt”

Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp thời đổi mới, tại phòng họp Diên Hồng tòa Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, ...

Kỳ 2: Sức lan tỏa từ Diễn đàn “Diên Hồng” Kỳ 2: Sức lan tỏa từ Diễn đàn “Diên Hồng”

Chỉ gói gọn trong vòng nửa ngày, nhưng trong nhiều giây phút Hội trường Diên Hồng như lặng đi trước những phản ánh, kiến nghị ...