Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp thời đổi mới, tại phòng họp Diên Hồng tòa Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội, nơi đưa ra những quyết định quan trọng của đất nước đã diễn ra Hội nghị diễn đàn Người lao động lần thứ nhất năm 2023. Nhớ lại hôm đấy, trước 500 đại biểu đại diện cho hàng triệu đoàn viên, người lao động cả nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ xúc động nói: “Công nhân lao động là công dân và là chủ thể quan trọng trong quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, là chủ thể điều chỉnh cao nhất của các luật. Các cơ quan nhà nước có dịp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của đoàn viên, Công đoàn các cấp để hoàn thiện hệ thống pháp luật là việc vô cùng ý nghĩa”. Và chính từ Diễn đàn quan trọng này, các quyết sách liên quan đến người lao động đã, đang và sẽ tiếp tục được ban hành, khằng định Quốc hội thực sự là cơ quan lập pháp, nơi cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vì giai cấp công nhân Việt Nam - đội tiên phong của Đảng lớn mạnh, góp phần thực hiện hóa mục tiêu vì một đất nước hùng cường. |
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, hàng loạt các chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để xem xét sửa đổi, bổ sung như: Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn… Các đại biểu Quốc hội, những người đại diện cho cử tri đã chuyển tải đến nghị trường nhiều tâm tư, nguyện vọng của người lao động trước khi ban hành các cơ chế, chính sách. |
Tuy nhiên, để có một cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề, dành riêng cho đại diện người lao động trong cả nước được trực tiếp gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị cơ chế, chính sách, ý tưởng sáng tạo, đổi mới… với lãnh đạo Quốc hội thì chưa từng có. Bởi vậy, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã “ấp ủ" tổ chức một diễn đàn dành cho người lao động. Và, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội đã có cuộc “tiếp xúc cử tri đặc biệt” với 500 công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu trong cả nước. Hiện nay, tổng số công nhân, người lao động trong cả nước có khoảng trên 16 triệu người, có mặt ở tất cả các thành phần kinh tế, các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, lao động dưới 30 tuổi chiếm trên 60%, đặc biệt, trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này còn cao hơn. Công nhân, người lao động luôn là lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển đất nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Từ thực tiễn lao động sản xuất kinh doanh, chấp hành các quy định của pháp luật, họ cũng là người nhận ra các vướng mắc, bất cập về chính sách cần được tháo gỡ để tạo thuận lợi cho hoạt động lao động sản xuất, cho mối quan hệ với chủ sử dụng lao động, hoặc giải quyết chế độ, chính sách phù hợp… Để ghi nhận ý kiến cử tri và Nhân dân, hàng nghìn buổi tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp được định kỳ tổ chức. Nhưng, để được trực tiếp gặp lãnh đạo Quốc hội, bày tỏ nguyện vọng của mình là cơ hội hiếm có với công nhân viên chức lao động. Bởi vậy mà Diễn đàn Người lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn” thực sự làm nức lòng những người lao động được tham dự. Sự kiện tiêu biểu này không chỉ được công nhân, viên chức, lao động đánh giá cao, mà còn được Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, mong Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu tổ chức định kỳ hơn. Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Diễn đàn là dịp để đoàn viên công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026. |
Diễn đàn cũng là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội làm tốt nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và chiến lược xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh. Thành công của Diễn đàn sẽ tiếp tục khẳng định sự đổi mới của Quốc hội khi các hoạt động của Quốc hội ngày càng gần hơn với cử tri, người lao động, đồng thời khẳng định vai trò tích cực, chủ động của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thông qua Diễn đàn cũng giúp đoàn viên, người lao động nhận thức rõ hơn và thực hành tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc giữa đại biểu Quốc hội với cử tri là công nhân, viên chức, lao động; tham mưu để nhiều đại biểu Quốc hội thăm nơi ăn ở, sinh hoạt, nắm bắt đời sống người lao động. Đồng thời, khuyến khích các Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn tổng công ty trực thuộc có đại biểu Quốc hội của ngành, đơn vị, tổ chức tiếp xúc cử tri giữa đại biểu với đoàn viên, người lao động trong ngành, đơn vị… |
“Đặt người dân ở vị trí trung tâm” là thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới nhiều lần tại các Kỳ họp, và các hoạt động của Quốc hội đã và đang khẳng định rõ điều đó. Phát biểu tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, là cơ quan quyền lực cao nhất thực hiện mọi quyết sách của Quốc hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm vị trí trung tâm. Công nhân và người lao động là công dân và là chủ thể quan trọng trong quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, là chủ thể điều chỉnh cao nhất của các luật. Các cơ quan nhà nước có dịp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của đoàn viên, Công đoàn các cấp để hoàn thiện hệ thống pháp luật là việc vô cùng ý nghĩa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của đồng chí Chủ tịch và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, kết quả của Diễn đàn phải có sức lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực đối với công nhân và người lao động nói chung. Trên cơ sở ý kiến của đại diện Công đoàn, người lao động khắp cả nước gửi về, với khoảng 45 nhóm vấn đề lớn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hai nhóm vấn đề lớn là tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến lao động, việc làm, sinh kế của người lao động và các kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật… để trong thời gian tới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là liên quan trực tiếp đến người lao động, tổ chức Công đoàn. |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội là công tác lập pháp, nên việc lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người lao động sẽ giúp Quốc hội có thêm thông tin, từ đó đưa ra các quyết sách, chủ trương đúng đắn, kịp thời để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn. Đánh giá cao mục đích và tầm quan trọng của Diễn đàn Người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương mong muốn những hoạt động tương tự diễn đàn này sẽ được tổ chức và duy trì thường xuyên trên tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn và cầu thị. Theo đại biểu, điều này sẽ góp phần rất lớn trong các hoat động lập pháp của Quốc hội, nhất là hoàn thiện thể chế về việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. Bên cạnh đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của người lao động đối với Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn, cũng như đề cao, khích lệ người lao động đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình…
|
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, để đưa ra được các quyết sách kịp thời, mỗi đại biểu Quốc hội đều luôn phải lắng nghe những đòi hỏi từ cuộc sống, lắng nghe ý kiến từ người dân. Lắng nghe không chỉ để tổng hợp, phản ánh, mà quan trọng là từ việc lắng nghe đó nghiên cứu, đúc kết, chắt lọc tâm tư, nguyện vọng của người dân, tìm ra được cái gì cần phải hành động, cần tháo gỡ, để chuyển tải thành chính sách, khuôn khổ pháp luật, tạo ra hành lang pháp lý cho hành động. Từ hành lang pháp lý đó, quay trở lại đáp ứng nguyện vọng của người dân. Đời sống việc làm của người lao động hiện nay, nhất là lao động trẻ và lao động trong các khu kinh tế tập trung, khu công nghiệp đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, chẳng hạn như nhà ở. Nhà ở cho công nhân không đơn thuần chỉ là nhà ở, mà còn cần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội kèm theo như công ăn việc làm, giáo dục, y tế... |
|
Để ban hành được các chính sách phù hợp, đại biểu Quốc hội chúng tôi rất cần lắng nghe ý kiến của người lao động. Ví dụ về phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hiện chúng ta đang chạy theo xu hướng phát triển nhà ở xã hội để bán. Điều này đáp ứng nhu cầu chính đáng cho người dân là có nhà ở ổn định. Nhưng, người công nhân không chỉ cần có nhu cầu nơi ở, mà còn phải đảm bảo được các nhu cầu khác, trong khi thu nhập thấp, mà lại dồn vào mua nhà, thì sẽ không còn kinh phí chi cho các nhu cầu về nâng cao trình độ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần. Vì vậy, chính sách phải định hướng, hỗ trợ nhu cầu phát triển toàn diện của người lao động. Ví dụ như cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tối đa cho người thuê nhà, để họ còn nguồn thu nhập dành cho chăm sóc sức khỏe, đầu tư cho giáo dục, từ đó đảm bảo phát triển bền vững... Anh Đinh Minh Quyền - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn, chuyên viên Pháp chế Công ty CP Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín chia sẻ, những năm gần đây, đặc biệt trong và sau thời gian dịch bệnh, người lao động đã ngày càng quan tâm, chủ động nắm bắt và tìm hiểu các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định về lao động, về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội. Thông qua các buổi sinh hoạt Công đoàn, công nhân lao động trong Công ty có những phản hồi rất tích cực, ủng hộ với nhiều quy định, các chủ trương chính sách về lao động. |
|
“Là cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp, tôi thấy hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian qua ngày càng hiệu quả, kịp thời và sát với thực tiễn, đặc biệt, liên quan đến lĩnh lực lao động. Đơn cử như việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đã làm cho không chỉ bản thân tôi là một người thường xuyên phải nắm bắt các quy định của pháp luật, mà tất cả người lao động tại Công ty cảm thấy chưa bao giờ các quy định, chính sách của pháp luật lại gần với mình đến như vậy. Chúng tôi thực sự nhận thấy được sự đồng hành, hỗ trợ đến từ cơ quan đại biểu, đại diện cao nhất của người dân. Hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực sự đã thể hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân, trong đó có công nhân lao động”, anh Quyền nói. Thời gian gần đây, việc xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và các quy định của pháp luật có liên quan đã đưa ra nhiều dự thảo quy định mới, anh Quyền cho biết, bản thân anh và người lao động tại công ty cũng đang rất quan tâm, nhiều đoàn viên lao động bày tỏ quan điểm trái chiều với các quy định mới được các dự thảo nêu ra. Điều này càng thể hiện việc cần có sự tương tác, đối thoại, tiếp xúc giữa những người đại diện cho cử tri để biểu quyết thông qua các chính sách, quy định của pháp luật và đối tượng chịu tác động trực tiếp của các chính sách, quy định đó. |
Theo anh Quyền, việc có thêm các kênh thông tin đề kết nối Quốc hội với cử tri nói chung, cử tri là công nhân lao động nói riêng là rất cần thiết, cũng là mong muốn từ lâu của công nhân lao động. "Tuy nhiên thực tế cho thấy việc tương tác, tiếp xúc, đối thoại theo hình thức truyền thống có nhiều hạn chế như công tác tổ chức phức tạp, hao tốn thời gian, chi phí… Vì vậy, nếu có thêm các hình thức khác trên cơ sở ứng dụng các công nghệ, internet, thông qua các nền tảng mạng xã hội hiện nay để công nhân lao động có thể thông qua đó gửi đến Quốc hội có kiến nghị, nguyện vọng của mình thì đó quả thực đã đáp ứng được mong muốn của công nhân lao động chúng tôi", anh Quyền bày tỏ. |
Nội dung: Trần Vũ - Phương Thảo | Đồ họa: Đức Hà |