Multimedia
04/08/2022 16:43
Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

04/08/2022 16:43

Với phương châm “phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống”, với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”, dù chúng ta đang tiến hành xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để thực hiện mục tiêu vì một Việt Nam hưng thịnh, nhưng luôn kiên quyết, kiên trì quan điểm bảo vệ nền tảng văn hóa truyền thống. Nhìn lại những câu chuyện cưới xưa, hy vọng chúng ta sẽ đúc kết ra bài học, tìm lời giải cho bài cưới nay.
Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Với phương châm “phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống”, “hòa nhập nhưng không hòa tan”, dù có hội nhập ở mức độ nào đi chăng nữa, nhưng kiên quyết, kiên trì quan điểm bảo vệ nền tảng văn hóa truyền thống. Nhìn lại những câu chuyện cưới xưa, hy vọng chúng ta sẽ đúc kết ra bài học, tìm lời giải cho bài toán cưới nay theo hướng truyền thống- văn minh.

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Ông Nguyễn Anh Tuấn (60 tuổi, nhà ở Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) là một người dân gốc Hà Nội. Nhớ lại cái đám cưới từ năm 1982, cách đây vừa tròn 40 năm, ông nói: “Xưa thì nam - nữ không được tự do tìm hiểu như bây giờ, chủ yếu qua mai mối. Các bậc cha mẹ thường hay ngắm nghía con cái nhà bạn bè, hàng xóm, trong làng trên, xóm dưới hễ thấy có đám nào kha khá vừa ý là nhắn nhe, mai mối để dành cho con mình. Chả bù thời nay thì “con cái đặt đâu, cha mẹ theo đấy!”, lắm khi cha mẹ xoay không kịp”.

Theo ông Tuấn, đám cưới xưa đơn giản mà nhiêu khê vì lắm thủ tục. Nào là hai nhà gặp gỡ xin phép cho hai cháu đi lại tìm hiểu, rồi dạm ngõ, rồi ăn hỏi, rồi xin dâu, đón dâu,… đám cưới, lại mặt. Tuy vậy nhưng kinh phí vật chất đơn giản.

Hồi năm 1982, khi ông cưới vợ, đám cưới tại nhà trang trí cái phông vải, dán giấy màu cài đôi chim bồ câu, chữ lồng cắt xốp là xong. Bạn bè thì mời trà nước, bánh kẹo, họ hàng thân thiết thì thiệp có kèm thêm tờ giấy nho nhỏ mời tiệc cỗ mặn. Đám cưới đa phần đón dâu bằng xe đạp, chú rể đèo cô dâu trên xe thong dong khắp các con phố của Hà Nội vô cùng lãng mạn. Cô dâu diện áo dài trắng, đầu cài hoa, tay ôm bó dơn, chú rể sơ mi trắng thêm được cái cà vạt là oai lắm rồi!

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

“Đám cưới xưa nhất thiết phải có dàn loa phát nhạc xập xình những bản thịnh hành lúc bấy giờ. Quà mừng thì toàn phích, xoong nồi nhôm hay bếp dầu,… những thứ rất thiết thực cho gia đình nhỏ thời bao cấp”, ông Tuấn hồi tưởng.

Rồi cũng nhớ lại cái đám cưới của cô con gái rượu cách đây 2 năm, ông Tuấn nói: Nay thì khác hẳn rồi, phú quý thì sinh lễ nghĩa, tất nhiên là cuộc sống ngày càng đủ đầy thì người ta cũng mong muốn cái việc trọng đại đời người của mình, của con cái được tí lời khen mát mặt.

Lũ trẻ yêu nhau thì do chúng tự chọn nên hai bên chả cần xin phép chúng cũng đã tự chọn nhau rồi! Hai nhà gặp nhau cốt chỉ để dạm ý xem đi mấy tráp, mấy lễ mà thôi, nên sợ nhất cái câu của nhà gái: “Thôi thì… tuỳ nhà trai!”.

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Tuỳ là chết rồi! Đủ 9 tráp cho chắc ăn không lại bị coi là keo kiệt. Rồi thì bàn tiệc cưới ở đâu? Chung hay riêng bởi lắm khi một bên muốn tiệc to, bên kia lại không “theo” được. Rồi mời bao nhiêu mâm? Thùng tiền mừng chung hay riêng? Thực đơn món gì,… phức tạp lắm!

Rồi thì cô dâu chú rể phải có bộ ảnh cưới chụp ngoài trời, chụp trong studio, rồi làm tóc, trang điểm từ tờ mờ sáng, dàn xe đón dâu đi đầu ắt hẳn phải là chiếc xe sang đắt tiền kết hoa. Cô dâu thì váy dài lê thê, chú rể comple cà vạt đồ hiệu may đo tỉ mỉ.

Tiệc cưới hoành tráng thừa mứa, bia rượu tràn cung mây, hết lại tiếp, chả bù ngày xưa các bà đến ăn đám cưới hò nhau chỉ ăn mấy món nước, còn mấy món khô chia nhau xách về cho người ở nhà.

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Quà mừng thì cứ việc bỏ vào thùng như bầu cử! Khách mời trước khi ăn được xem video cảnh cô dâu chú rể từ ngày còn đi học. Sân khấu có ca sỹ hát, múa còn được phụ họa bởi những tiếng hô vang: “1,2,3 zô zô!”

“Xưa và nay, nó khác lắm! Xưa đã lấy nhau thì coi như đã “yên bề gia thất”, dù có sướng khổ, dù có nảy sinh mâu thuẫn thì cũng cắn răng mà chịu chứ ít dám bỏ nhau. Giờ thì cưới xong thấy lộ ra nhiều điểm không tương đồng là bỏ nhau cái rụp khiến trẻ con ngơ ngác.

Thế mới thấy, cái nho giáo truyền thống cũng có cái nét đẹp của nó. Cưới to hay nhỏ không quan trọng bằng sống với nhau có trọn đời trọn kiếp hay không? Cưới đơn giản hay hoành tráng còn phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh mỗi nhà chứ không vì cái sĩ diện tâm lý “trả nợ miệng” mà đi vay làm đám cưới để rồi è cổ trả nợ mãi không xong.

Tiền mừng thì rồi cũng hết! Nhưng cái phích, cái xoong thì còn mãi, minh chứng cho một cuộc hôn nhân đơn giản mà bền chặt! Phải vậy không?”, ông Tuấn bần thần đặt câu hỏi.

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Bà Trần Thị Anh ở phố Hàng Nón chia sẻ về đám cưới của mình từ những năm 80: “Tôi vẫn nhớ đám cưới của tôi với ông nhà cách đây mấy chục năm, vui lắm. Từ tối hôm trước, bạn bè, họ hàng vui vẻ đến uống nước chè, cắn hạt dưa, chuyện trò rôm rả. Lúc đó tôi thấy hạnh phúc chứ không thấy lo lắng, tất tả như thế hệ bây giờ.

Tôi cũng mới tổ chức đám cưới cho cô con gái cách đây ít lâu, con gái và con rể đã tự tay làm phiếu báo hỉ gửi đến họ hàng, người thân, bạn bè. Nhưng chúng tôi chỉ gửi hơn 50 thiệp mời cưới tới những người thân nhất. Đám cưới diễn ra ấm cúng, đơn giản. Tôi nghĩ, chúng ta đừng làm khổ nhau bằng đám cưới nữa, hãy làm cuộc cách mạng đám cưới từ trong chính lương tâm của mình, đừng để đám cưới trở thành nơi… thu nợ mà người được mời cũng chẳng vui mừng gì”.

Còn anh Hoàng, ở Thanh Xuân Hà Nội là một trong những người trong cuộc tổ chức đám cưới theo đời sống mới kể: "Tháng 10/1998, tôi cưới vợ, vợ tôi dạy ở Trường Đảng (Phân viện Hà Nội thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), lúc ấy mới “định cư” Hà Nội được mấy năm, kinh tế còn khó khăn.

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Nhưng rất may đúng vào thời điểm, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về văn minh cưới xin theo đời sống mới, thế là nhà trường cho vợ chồng tôi mượn hội trưởng tổ chức cưới theo mô hình tiệc ngọt. Vợ chồng tôi thấy nhẹ nhàng vì không phải lo nhiều về tài chính. Người đi cưới cũng vui vì chẳng cần phải phong bì".

Nếu như đám cưới trong nội đô rất “đơn giản”, đến nhà hàng là xong, nhưng đôi khi nó lại là nơi thể hiện đẳng cấp trong xã hội, chưa nói đến sự xa xỉ. Còn ở ngoại thành xưa, đám cưới chỉ mời trong phạm vi dòng họ và làng, thì nay mời ra liên làng, liên thôn, liên xã, mỗi đám cưới lên tới 200- 300 mâm khiến cho người trong cuộc cảm thấy kiệt sức. Nhà trai tổ chức linh đình, nhà gái cũng chẳng kém.

Khổ ở chỗ, ở thôn quê đâu phải ai cũng có điều kiện về thu nhập, nhiều người mặt tối, mày tắt lo cho việc mưu sinh, nuôi con ăn học... nhưng vào mùa "cao điểm" có tuần nhận được 3-4 cái thiệp mời, nghe nhiều người kể về cưới xin mà cảm thấy đắng lòng!

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Với bề dày hơn 4.000 năm lịch sử, với truyền thống 1.022 năm Thăng Long- Hà Nội, những đám cưới xưa đã tạo nên truyền thống, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cùng với nền kinh tế đang chuyển đổi, chuyện cưới xin đã bị “lệnh hướng” cần phải tiếp tục chấn chỉnh.

Riêng với Thủ đô Hà Nội, vấn đề đặt ra, làm thế nào để chuyện cưới góp phần tạo dựng hình ảnh một Hà Nội văn minh, người Hà Nội hào hoa, thanh lịch?

Như đã đề cập, theo quan điểm của chúng tôi và cũng tham vấn một số chuyên gia cho rằng, điều đầu tiên: Phải cụ thể hóa Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội bằng văn bản quy phạm pháp luật để toàn dân thực thi. Khi đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị thì phải phát huy vai trò nêu gương trong cán bộ, đảng viên về thực hiện nếp sống mới.

Đồng thời, tại các cơ quan, đơn vị, xã, phường, quận, huyện... cần quy định trách nhiệm người đứng đầu. Song song đó, “dồn sức” đẩy mạnh công tác truyền thông, qua cơ quan thông tin đại chúng và đặc biệt hệ thống loa truyền thanh xã, phường... Nhấn mạnh ở góc độ truyền thông, một số người thẳng thắn nhận xét, tuy Chỉ thị đã ban hành được 10 năm song dường như khâu thông tin- tuyên truyền chưa được quan tâm đúng mực.

"Giờ đây, để Chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông. Có thể, dồn lực truyền thông cao điểm trong vòng một, hai tháng trên tất cả loại hình thông tin mà thành phố Hà Nội đang có; tiếp đó huy động sự vào cuộc đồng bộ của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt hệ thống dân vận và mặt trận các cấp trong việc vận động người dân ở khu dân cư thực hiện việc cưới theo đời sống mới. Nếu chúng ta làm được điều này với quyết tâm chính trị rất cao, tin tưởng sẽ có sự chuyển biến rõ nét trong việc cưới xin", một bác hưu trí ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai đề xuất.

Cạnh đó, “Hà Nội là Thủ đô cả nước, nên phải đi trước về trước trong các phong trào”. Với phương châm văn minh hóa cưới xin, nên chăng đã đến lúc người Hà Nội phải tiên phong, gương mẫu triển khai hiệu quả việc cưới xin theo đời sống mới "văn minh, thanh lịch" để làm gương cả nước học theo.

... Hà Nội bắt đầu vào Thu, đồng nghĩa với một mùa cưới đang về. Để việc cưới không trở thành gánh nặng cho những người có thu nhập thấp, để "chuyện" cưới góp phần làm cho Hà Nội văn minh, người Hà Nội hào hoa, thanh lịch... hãy bắt đầu từ hôm nay, mỗi gia đình với tư cách là tế bào xã hội; mỗi cán bộ, đảng viên với tư cách là công chức, viên chức nhà nước cùng nắm tay nhau tạo dựng việc cưới xin thực sự văn minh!

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Kỳ cuối: Chuyện cưới xưa và lời giải cho cưới nay

Kỳ 1: Khi niềm vui trở thành nỗi niềm Kỳ 1: Khi niềm vui trở thành nỗi niềm

Làm thế nào để Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục đi vào cuộc sống, để đám cưới thực sự ...

Kỳ 2: Những mô hình còn dang dở Kỳ 2: Những mô hình còn dang dở

Để triển khai Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, thời gian qua không ít tổ chức, địa phương đã ...