Multimedia
02/08/2022 14:05
Kỳ 1: Khi niềm vui trở thành nỗi niềm

02/08/2022 14:05

Làm thế nào để Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục đi vào cuộc sống, để đám cưới thực sự góp phần vì một Hà Nội văn minh, vì người Hà Nội thanh lịch là vấn đề còn nguyên tính thời sự.
Kỳ 1: Khi niềm vui trở thành nỗi niềm

Ngày 03/10/2012 Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy, nhìn một cách tổng thể, việc tổ chức cưới trên địa bàn Thành phố đã có những chuyển biến rõ nét, một số quận, huyện, sở, ngành, đơn vị đã triển khai cưới theo đời sống mới, văn minh, đơn giản. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nơi, nhiều địa phương tổ chức lễ cưới “rềnh rang”, tốn kém,… Làm thế nào để Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục đi vào cuộc sống, để đám cưới thực sự góp phần vì một Hà Nội văn minh, vì người Hà Nội thanh lịch là vấn đề không của riêng ai.

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Trai đến tuổi dựng vợ, gái đến tuổi gả chồng”, hôn lễ là câu chuyện trăm năm, là niềm hân hoan có đôi bên viên họ. Nhưng từ khi đám cưới nảy sinh cái gọi là “ý niệm” phong bì, đặc biệt trong thời buổi giá cả tăng cao, cưới, cụ thể được nhận thiệp mời dự cưới lại là nỗi niềm của không ít người, nhất là những người có thu nhập thấp.

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Cầm trên tay tấm thiệp của một đồng nghiệp, chị Trần Yên, hiện đang thuê nhà ở Vĩnh Hồ, Đống Đa vừa vui lại vừa buồn. Vui vì đồng nghiệp lên xe hoa, “buồn” lại phải mất thêm một khoản thu nhập. Nghe điều này nếu ai đó có thể ngạc nhiên, thậm chí “mỉm cười”, nhưng với những người có thu nhập thấp, lại vừa phải thuê nhà, vừa phải chắt chiu nuôi con ăn học là cả vấn đề.

Chị kể, lương và cả thu nhập thêm giờ mỗi tháng khoảng 8,5- 9 triệu đồng, riêng tiền thuê nhà 2,5 triệu đồng/tháng, tiền ăn, tiền học cho con… thiếu thốn trăm bề. Nếu một tháng, theo bảng kế toán chi tiêu, hai mẹ con tằn tiện cũng gọi là đủ. Song nếu tháng nào, bị những chuyện “bất khả kháng” như ốm đau, tiền cưới xin… là tài chính tiêu dùng bị thâm hụt.

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Chị nói, mấy năm trước, đi cưới chỉ cần mừng 300 nghìn, nhưng nay ít nhất phải 500 nghìn, thân hơn chút một triệu đồng. “Năm trăm nghìn hay triệu đồng đối với những người có thu nhập không vấn đề gì, nhưng quả thật những người làm công ăn lương như chúng tôi hay công nhân lao động, nếu tháng nào cũng nhận được thiệp mời đi kèm đó tăng thêm nỗi lo”, chị Yên tâm sự.

Chị Yên là trường hợp nuôi con một mình, còn những gia đình có thu nhập của cả chồng lẫn vợ cũng không ít “bối rối”. Chị Hoàng Thị Thắm (Hà Đông, Hà Nội) làm việc tại một công ty tư nhân với mức lương 7 triệu đồng cộng với tiền hoa hồng tính theo doanh thu. Tổng thu nhập hàng tháng của chị trung bình từ 9-10 triệu đồng, tháng nào may mắn thì nhỉnh hơn một chút.

Lương của hai vợ chồng cộng lại vào khoảng gần 20 triệu đồng nhưng tằn tiện chi tiêu vẫn thiếu trước hụt sau. Nguyên nhân là do chị có hai con đang học cấp 2, tiền học thêm học nếm rất tốn kém. Cộng với việc bố mẹ chồng thường xuyên ốm đau, vào viện, cho nên với mức lương ấy chẳng thấm vào đâu. Tháng nào chị Thắm cũng phải hoạch định chi tiêu, ghi chép khoản nọ khoản kia rõ ràng. Ngoài ra còn dành khoảng 1 triệu để chi tiêu việc đột xuất.

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Ấy vậy mà sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới” thì gia đình chị Thắm cũng thấy “bất bình thường” bởi nhận được khá nhiều thiệp mời cưới. “Tranh thủ cưới ngay không nhỡ lại có dịch!”, đó là câu nói mà chị nghe được từ đồng nghiệp cùng cơ quan khi chìa ra cái thiệp cưới đỏ đến nhức mắt. Không chỉ có một đám cưới ấy, mà trong tháng 5 vừa qua, mặc dù thời tiết bắt đầu oi bức, chị Thắm còn nhận được thêm 3 tờ giấy “nợ” nữa. Với 4 cái đám cưới trong một tháng, kế hoạch chi tiêu của chị đảo lộn.

Câu chuyện của chị Hoàng Thu Vân còn bi hài hơn. Tết Nguyên Đán chị tích cóp được một số tiền lương, thưởng, định bụng năm nay sẽ về quê lắp cho bố mẹ cái bình nóng lạnh. Tiền còn lại mua quần áo cho các cháu con nhà anh chị bởi mấy năm Covid việc làm của chị bấp bênh, không có tiền về quê biếu Tết. Ngày gần cuối năm, sau khi rời xí nghiệp, chị liền đi xe máy về quê ở ngoại thành với niềm vui phơi phới. Chân ướt chân ráo vượt qua cái lạnh, vừa về đến cổng làng thì gặp ngay cô bạn thời cấp 1. “Về rồi à? Tối tớ sang chơi nhé!”, cô bạn hẹn ngay.

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Tối sang, cô bạn cầm theo cái thiếp mời cưới vào ngày mùng 8 Tết. Thôi thì mừng cho bạn, nhưng dù sao chị Vân cũng hơi buồn vì số tiền mình tích cóp được sẽ lại hụt đi đáng kể, lại phải tính lại xem mua cái gì cho bọn trẻ trong nhà. Cô bạn vừa về thì bố chị lại cầm ra một xấp thiệp mời đủ màu đủ kiểu. Hóa ra lúc chị chưa về, bạn bè đã tới đưa thiệp mời từ bao giờ. Nhìn đống thiệp lộn xộn trước mắt, niềm vui ngập tràn cho một cái Tết no ấm bỗng nhiên trở thành cơn nghẹn.

Chia sẻ về câu chuyện cưới xin, chị Vân nói: “Ở tuổi 26, 27, bạn bè tôi lục đục đi lấy chồng, nhất là sau khi dịch lắng xuống thì mọi người đều tranh thủ. Thì mừng cho bạn đấy, nhưng lại khá… đau ví. Tết năm rồi thế là tôi vỡ kế hoạch, không đủ tiền lắp cho bố mẹ cái bình nóng lạnh. Lũ trẻ cũng chỉ được tặng mỗi đứa một bộ quần áo, còn đâu là để dành tiền đi ăn cưới bạn. Đứa nào tổ chức ở quê, bắc rạp tại nhà thì tôi mừng 500 nghìn, đứa nào mời ăn cưới ở nhà hàng thì mừng một triệu, cũng hết veo số tiền thưởng ít ỏi mà công nhân như tôi có được”.

Chị Vân khẳng định sau này có cưới chồng chị chỉ mời một số bạn bè thân thích, yêu cầu không mang quà mừng, còn đâu sẽ gửi thiệp báo hỉ thôi.

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Còn anh Trần Tuấn, nhà ở Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội, từng du học nhiều năm tại Vương Quốc Anh và hiện đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh thì cho rằng, đám cưới ở Hà Nội hiện nay cũng tương đối văn minh. “Tôi nói “văn minh” là bởi hầu hết trong các quận nội đô, việc tổ chức cưới gia chủ đều ký hợp đồng cho các công ty tổ chức sự kiện. Đến giờ, đến ngày cả nhà trai, nhà gái, khách mời chỉ việc ra nhà hàng tổ chức, ăn uống là xong.

Tuy nhiên, xét góc độ nào đó vẫn còn khá rườm rà. Theo tôi Việt Nam chúng ta là nước có chỉ số hội nhập kinh tế thế giới lớn, đã đến lúc chúng ta cũng nên học điều hay của các nước phát triển liên quan đến cưới xin. Chỉ có người nhà và những ai thực sự thân mới được mời đến dự lễ cưới. Cưới ngọt, chúc rượu nhau thế là xong! Vừa văn minh, vừa đỡ tốn kém!”, anh Tuấn nói.

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) cho rằng, từ những năm 1998, khi việc cưới, tang đã bị “lệnh chuẩn”, Bộ Chỉ thị ban hành Chỉ thị 27 trong đó nhấn mạnh: “Những năm gần đây, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, chúng ta đã có phần buông lỏng công tác quản lý trên một số lĩnh vực văn hóa - xã hội, xem nhẹ việc giáo dục nếp sống và lối sống, thiếu sự hướng dẫn kịp thời về phong tục, thiếu những quy định cụ thể của Nhà nước đối với việc cưới, việc tang, lễ hội nên đã để phát sinh nhiều hiện tượng không văn minh trong xã hội”.

Góc lệch chuẩn của nền kinh tế đang chuyển đổi trong câu chuyện cưới xin là nhiều gia đình, trong đó thậm chí có cả những cán bộ, công chức vẫn "chưa chịu" bắt nhịp xu thế văn minh của thế giới và truyền thống văn hóa đất nước nên đã tổ chức những đám cưới "rườm rà", thậm chí còn phô trương, tốn kém...

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Những hiện tượng trên trở thành những vấn đề xã hội, góp phần làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống cần kiệm, giản dị của cha ông ta, ảnh hưởng tới thuần phong, mỹ tục... Những vấn đề này ngày càng bị những bộ phận "tiên tiến" trong nhân dân không đồng tình.

Phải khẳng định Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành rất kịp thời, nhưng tại sao đến nay chuyển biến còn chậm, chưa đi vào cuộc sống một cách triệt để? Lý giải thêm nguyên nhân này, một số người cho rằng, điều quan trọng để Chỉ thị đi vào cuộc sống phải có văn bản quy phạm pháp quy của chính quyền ban hành.

Kỳ 1: Nhớ đám cưới xưa và nhìn đám cưới nay

Nghĩa là sau khi có Chỉ thị, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành ban hành văn bản quy định chi tiết các nội hàm liên quan đến quy định cưới, trong đó cả quy định về phạt hành chính, tiếp đó ngành Văn hóa phải có văn bản hướng dẫn.

Sau khi có đầy đủ công cụ pháp lý, chúng ta phải tiến hành “truyền thông” thật bài bản; truyền thông theo lối “mưa dần, thấm lâu” để tại sự đồng thuận trong xã hội, tạo dựng một môi trường cưới xin văn minh.

Nói ngắn gọn như kiểu đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, ra đường đeo khẩu trang. Ai đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, ra đường không đeo khẩu trang sẽ thấy ngượng với người đi đường. Ở đây nhà nào “chót” cưới xin hoành tráng, cưới không theo đời sống mới sẽ cảm thấy hổ thẹn… khi đó Chỉ thị số 11 mới thực sự đi vào cuộc sống, những mô hình đám cưới theo đời sống mới không trở thành câu chuyện “thời dang dở”!

Kỳ 1: Khi niềm vui trở thành nỗi niềm

(Còn tiếp)
Kỳ 2: Những mô hình còn dang dở

Nội dung: Bảo Thoa - Lê Hà
Thiết kế: Bảo Thoa