Phát triển mạng lưới xe buýt hiện đại

Kỳ cuối: Quan trọng nhất là phát triển đồng bộ hạ tầng

11:33 | 22/11/2019
(LĐTĐ) Thực tế cho thấy, muốn phát triển bền vững mạng lưới xe buýt hiện đại ở Thủ đô, trước hết xe buýt phải khẳng định được vai trò, vị trí của mình thông qua sự thu hút người dân. Bên cạnh những hiệu quả mang lại từ sự chuyên nghiệp thì Hà Nội cũng phải sớm có những quyết sách mạnh mẽ, tạo động lực cho xe buýt bật lên phía trước, hướng tới sự phát triển bền vững và ổn định.
ky cuoi quan trong nhat la phat trien dong bo ha tang Kỳ 2: Khi xe buýt “hay” nhưng chưa tiện
ky cuoi quan trong nhat la phat trien dong bo ha tang Cần sự lên tiếng của cộng đồng

Cải tiến chất lượng dịch vụ

Hà Nội đang từng bước phát triển một mạng lưới vận tải hành khách công cộng đa phương thức. Dễ thấy, bên cạnh xe buýt truyền thống, hệ thống đường sắt đô thị, xe buýt nhanh BRT cũng được tích cực triển khai. Tuy nhiên, trong tương lai gần, xe buýt vẫn là loại hình không thể thay thế, giữ vai trò chủ đạo trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội.

ky cuoi quan trong nhat la phat trien dong bo ha tang
Phát triển mạng lưới xe buýt hiện đại góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông

Những ưu thế của xe buýt là không thể phủ nhận, ngược thời gian cách đây ít năm, nhiều khu vực ngoại thành như: Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức… được liệt vào “vùng trắng” về xe buýt, việc đi lại, kết nối với trung tâm Thành phố chỉ được duy trì bởi một số lượng nhỏ các phương tiện xe buýt không trợ giá phục vụ với giá vé cao, chất lượng dịch vụ thấp. Đến nay, xe buýt đã vươn nhiều địa bàn có các “vùng trắng” này. Việc mở rộng vùng phục vụ xe buýt đã góp phần xóa bớt khoảng cách nội - ngoại thành, góp phần tích cực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Thủ đô.

Chia sẻ thêm về những kết quả đạt được, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, mạng lưới xe buýt của Thành phố đang được tập trung đầu tư, phát triển theo hướng chất lượng, hiện đại. Đến nay đã có 124 tuyến buýt, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 10 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận, 2 tuyến City tour. Mạng lưới buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn, đạt 78%; 66/71 bệnh viện, đạt 93%; 296/708 các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt 42%; 32/37 các khu công nghiệp, đạt 86%; 82/85 các khu đô thị mới, đạt 96%.

Đặc biệt, vận tải hành khách công cộng tiếp tục có sự tăng trưởng, tổng sản lượng vận chuyển hành khách công cộng trên toàn Thành phố năm 2019 ước đạt 948,5 triệu lượt hành khách, trong đó xe buýt đạt 510,5 triệu lượt hành khách, đáp ứng 17,03% nhu cầu đi lại của người dân, tăng 3,2% so với năm 2017. “Những kết quả này đã góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố” - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội nhấn mạnh.

Khách quan nhìn nhận, một đô thị văn minh, phát triển không thể thiếu xe buýt. Xe buýt là loại hình vận tải giá rẻ, phù hợp với hầu hết các tầng lớp dân cư, hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu áp lực giao thông và chi phí đi lại nói chung. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện còn nhiều điểm ùn tắc giao thông, chính những điểm này là nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của xe buýt. Hệ lụy trực tiếp, dễ thấy nhất là việc ùn tắc giao thông đã khiến nhiều lượt xe buýt phải bỏ chuyến, hoặc quay đầu, dẫn tới biểu đồ vận hành bị phá vỡ. Trên một số trục giao thông chính, tốc độ vận hành của xe buýt phải giảm dưới 20km/giờ. Đây là những bất cập cần giải quyết nhằm thu hút hành khách sử dụng dịch vụ nhiều hơn nữa.

Để khắc phục những điểm hạn chế này, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật khẳng định, trong bối cảnh hạ tầng hạn chế, giải pháp thu hút người dân nằm ở việc nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt theo hướng ngày càng an toàn, thân thiện, hấp dẫn hành khách. Ông Nguyễn Công Nhật chia sẻ, từ nay đến cuối năm 2019 và các giai đoạn tiếp theo, Transerco sẽ tiếp tục đầu tư, đổi mới phương tiện hiện đại với tiêu chuẩn khí thải Euro 4, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện đang hoạt động; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên lái xe, phụ xe...

Với mục tiêu đem lại sự tiện lợi hơn nữa cho người dân khi sử dụng dịch vụ và thu hút thêm hành khách, đồng thời nâng cao được công tác quản trị, vận hành, Transerco sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trình thành phố cho phép triển khai nhân rộng thẻ vé điện tử cho toàn mạng xe buýt của Thủ đô; triển khai thí điểm bảng thông tin giờ xe xuất bến và thiết bị tra cứu dịch vụ xe buýt tại các bến xe...

Chú trọng phát triển hạ tầng

Để xe buýt Hà Nội phát huy hiệu quả thì cần nhiều nhân tố cốt lõi như: Chiến lược và quy hoạch rõ ràng; hạ tầng dành riêng; nguồn nhân sự chuyên nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Đề xuất giải pháp phát triển quanh vấn đề này, đại diện Transerco nhận định, Thành phố cần có chính sách ưu tiên quỹ đất cho hạ tầng xe buýt. Trong đó nên sớm có chính sách về làn đường ưu tiên cho xe buýt bởi tốc độ di chuyển và thời gian là yếu tố tiên quyết hấp dẫn người dân sử dụng dịch vụ xe buýt.

Về yếu tố chiến lược bền vững, Thành phố cần ban hành quy định về tiêu chuẩn diện tích, các tiện ích tối thiểu cho bố trí điểm đầu cuối, trung chuyển xe buýt. Xây dựng chính sách quản lý, khai thác điểm trung chuyển, điểm dừng đỗ xe buýt. Đưa yêu cầu về bố trí điểm dừng, chuyển tiếp phương tiện vận tải công cộng vào tiêu chí để phê duyệt các dự án xây dựng đô thị, chung cư, chợ, trường, bệnh viện, công viên… coi đây là hạng mục bắt buộc.

Với Hà Nội, trong chiến lược phát triển đô thị thì giao thông đô thị đóng vai trò đặc biệt, việc Thành phố chú trọng đẩy mạnh hệ thống vận tải hành khách công cộng như xe buýt là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Song để kết quả có tính bền vững hơn, thời gian tới Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự tiện lợi của xe buýt, xóa bỏ đi những định kiến lạc hậu về xe buýt. Chú trọng đảm bảo quyền ưu tiên tuyệt đối của người đi bộ trên vỉa hè, đồng thời bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt hoạt động, áp dụng các ứng dụng thông minh trong quản lý giao thông…

Có thêm cơ chế khuyến khích để các doanh nghiệp đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. “Thành phố có thể phát động phong trào sử dụng xe buýt trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các Sở, ban, ngành của Thành phố để tạo hình ảnh đẹp về đội ngũ cán bộ và lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân…” – ông Nguyễn Công Nhật hiến kế.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia giao thông cũng khẳng định để phát triển được giao thông công cộng, trước tiên Nhà nước cần quyết tâm và đầu tư hơn nữa, phải để giao thông công cộng đi trước một bước. Bởi, theo tính toán, mỗi năm, Nhà nước lãng phí hàng tỷ đô la để giải quyết các vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông. Đấy là chưa kể những chi phí không nhỏ của người dân khi phải đối mặt với tình trạng kẹt xe hàng ngày. Giải pháp căn cơ nhất chính là đầu tư triệt để, có hiệu quả vào giao thông cộng cộng, sau đó mới đến hạn chế xe cá nhân.

Phân tích sâu về vấn đề, TS Phan Lê Bình – Chuyên gia JICA, Giảng viên trường Đại học Việt Nhật (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, quỹ đất dành cho giao thông chưa đảm bảo yêu cầu đối với sự phát triển giao thông công cộng. Tiếp đó, sự gia tăng nhanh phương tiện giao thông từ 10-15% mỗi năm ảnh hưởng lớn đến thói quen dùng phương tiện cá nhân, kìm nén sự phát triển giao thông vận tải công cộng. Chuyên gia giao thông này nhấn mạnh, để cải thiện tình trạng giao thông tại các đô thị lớn, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và kiên quyết. Một trong những giải pháp quan trọng là quan tâm đến mối quan hệ giữa giao thông, nhu cầu đi lại và quy hoạch không gian, sử dụng đất.

Rõ ràng, giao thông vận tải là xương sống của một thành phố và lựa chọn về phương tiện giao thông công cộng là quyết định cơ bản về sự tăng trưởng và phát triển trong tương lai của thành phố đó. Với Hà Nội, trong chiến lược phát triển đô thị thì giao thông đô thị đóng vai trò đặc biệt, việc Thành phố chú trọng đẩy mạnh hệ thống vận tải hành khách công cộng như xe buýt là nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Song để kết quả có tính bền vững hơn, thời gian tới Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự tiện lợi của xe buýt, xóa bỏ đi những định kiến lạc hậu về xe buýt. Chú trọng đảm bảo quyền ưu tiên tuyệt đối của người đi bộ trên vỉa hè, đồng thời bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt hoạt động, áp dụng các ứng dụng thông minh trong quản lý giao thông…

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này