Lừa xin việc vào công an, bệnh viện chiếm đoạt hàng tỉ đồng

20:40 | 02/11/2019
(LĐTĐ) Làm giả thông báo, quyết định tuyển dụng của Bộ Công an, Bộ Y tế rồi chụp hình để đồng bọn gửi cho các nạn nhân, đồng thời đưa họ tới khám sức khỏe tại Viện 19-8 (Bộ Công an) để lấy niềm tin. Nhờ mánh khóe này, nhóm lừa đảo do Trần Trọng Quyền cầm đầu đã chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng của các gia đình có nhu cầu xin việc.
lua xin viec vao cong an benh vien chiem doat hang ti dong "Nổ" xin việc được vào Bộ Quốc Phòng để lừa tiền
lua xin viec vao cong an benh vien chiem doat hang ti dong Nhiều thiếu nữ "sập bẫy" tuyển dụng của “yêu râu xanh”
lua xin viec vao cong an benh vien chiem doat hang ti dong Vạch mặt những chiêu lừa đảo người xin việc

Mới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đường dây lừa “chạy việc” vào các ngành công an, y tế cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo trong vụ án gồm: Trần Trọng Quyền (sinh năm 1984, trú tại xã Lê Lợi, huyện An Dương, Hải Phòng), Lê Đức Thọ (sinh năm 1974, trú tại xã Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng), Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1970, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Trọng Mạnh (sinh năm 1983, trú tại xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Đỗ Thị Len (sinh năm 1989, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội).

Theo cáo trạng, trong thời gian từ cuối năm 2014 đến tháng 6/2016, Trần Trọng Quyền cùng các đồng phạm khoe với mọi người là quen nhiều lãnh đạo các ngành công an, y tế nên có khả năng xin cho nhiều người vào làm việc với mức “chi phí” từ 550-800 triệu đồng/suất.

lua xin viec vao cong an benh vien chiem doat hang ti dong
Các bị cáo tại tòa

Để tạo niềm tin, Trần Trọng Quyền đã làm giả các giấy tờ như: Thư đề nghị, thông báo tuyển dụng, quyết định tuyển dụng của Bộ Công an và Bộ Y tế, có dấu đỏ… Sau đó, Trần Trọng Quyền chụp lại hình ảnh bằng điện thoại, đưa Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Thanh gửi cho nhiều bị hại để họ tin tưởng rằng các bị cáo đã xin được việc cho nhiều người.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với những người bị hại, nhóm này còn giới thiệu bản thân đang công tác tại Tổng Cục 2 – Bộ Quốc phòng, công tác tại C50 – Bộ Công an, đưa đưa bị hại muốn xin vào ngành công an đi khám sức khỏe tại bệnh viện 19-8 của Bộ Công an, dẫn người bị hại vào trụ sở Viện chiến lược, khoa học (V21) – Bộ Công an, trụ sở Bộ Công an tại số 47 Phạm Văn Đồng…

Tin là thật, đã có 8 trường hợp nộp gần 5 tỷ đồng cho các bị cáo để xin vào ngành Công an và các bệnh viện. Sau khi nhận tiền, 5 bị cáo không thực hiện bất cứ việc gì để giúp đỡ, xin việc cho các bị hại. Số tiền chiếm đoạt được, các bị cáo sử dụng chi tiêu, phục vụ nhu cầu cá nhân. Khi các gia đình bị hại đòi tiền, các bị cáo hứa hẹn quanh co, không trả lại.

Sau khi xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Quyền mức án 15 năm tù; các bị cáo còn lại lĩnh án từ 10 năm đến 12 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội lực lượng Công an liên tiếp bắt giữ những đối tượng, đường dây lừa đảo bằng cách “chạy” việc làm. Mỗi suất “biên chế” vào một cơ quan nhà nước, hay một công việc ở đơn vị có uy tín được các đối tượng hứa hẹn chạy với giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, đa số người dân đều rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này, lực lượng Công an đã và đang tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc các đối tượng phạm tội. Song, trước thực trạng tội phạm lừa đảo bằng hình thức xin việc làm có xu hướng gia tăng, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nên vội vàng đặt niềm tin tuyệt đối vào những đối tượng môi giới.

Đặc biệt, trong thời điểm các cơ quan nhà nước đều thực hiện tinh giản biên chế, việc tuyển dụng nhân sự ngày càng nghiêm túc, minh bạch, công khai. Vì vậy, người dân cần chủ động tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động qua các kênh chính thống, tránh để các đối tượng lợi dụng để lừa đảo.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này