Đề nghị áp dụng chế độ làm việc 44 giờ/1 tuần với những lao động trực tiếp

21:36 | 25/10/2019
(LĐTĐ) Tôi đề nghị chúng ta nên làm 44 giờ/1 tuần đối với những lao động trực tiếp để có 200 giờ/1 năm, tương đương với 25 ngày lao động, để người lao động trực tiếp có thể có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình.
de nghi ap dung che do lam viec 44 gio1 tuan voi nhung lao dong truc tiep Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm không tăng giờ làm thêm
de nghi ap dung che do lam viec 44 gio1 tuan voi nhung lao dong truc tiep Đề nghị không tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ
de nghi ap dung che do lam viec 44 gio1 tuan voi nhung lao dong truc tiep Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực

Đó là đề nghị của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

de nghi ap dung che do lam viec 44 gio1 tuan voi nhung lao dong truc tiep
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội tham gia thảo luận tại Hội trường.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cho rằng: Chúng ta đều biết rằng tất cả các phép so sánh đều khập khiễng, không có sự công bằng nào là tuyệt đối. Tuy nhiên, trong đạo luật lớn như Bộ luật Lao động, chúng ta đừng để những điều không công bằng xảy ra.

Bất công bằng thứ nhất, đó là những người làm hành chính, cán bộ, công chức, viên chức được gọi là “công nhân cổ cồn” làm việc 40 giờ/1 tuần. Trong khi đó, những người lao động trực tiếp “chân lấm tay bùn, một nắng hai sương” thì làm 48 giờ/1 tuần.

Bất công bằng thứ hai, đó là chúng ta yêu cầu tăng tuổi nghỉ hưu trong khi chúng ta chưa tạo điều kiện hoặc là thay đổi điều kiện làm việc của người lao động.

“Với hai lý do đó, tôi đề nghị chúng ta nên làm 44 giờ/1 tuần đối với những lao động trực tiếp để có 200 giờ/1 năm tương đương với 25 ngày lao động, để người lao động trực tiếp có thể có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề nghị.

Theo đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, khi đã giảm được 48 giờ còn 44 giờ, giảm 200 giờ/1 năm thì việc tăng khung giờ thoả thuận từ 300 giờ lên 400 giờ không còn là vấn đề quan trọng. Bởi giảm 4 giờ/1 tuần cho người lao động thì ta tác động vào vài chục triệu người lao động, trong khi chúng ta mở rộng thêm 100 giờ chúng ta tác động vào một nhóm người có nhu cầu, có sức khoẻ ở những cơ quan, ở những doanh nghiệp có nhu cầu làm thêm giờ để tăng năng suất sản phẩm.

Cho dù việc giảm 4 giờ/1 tuần có thể tác động đến doanh nghiệp, tác động đến thu ngân sách nhà nước, nhưng đây cũng là áp lực quan trọng để doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc, cải thiện công nghệ để nâng cao năng suất lao động, bắt kịp thời đại.

"Do vậy, tôi rất mong muốn Quốc hội sẽ giảm giờ làm việc của người lao động xuống 44 giờ/1 tuần", đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn cũng nêu ý kiến: Trong khi nghiên cứu về Bộ luật Lao động, chúng tôi cũng đọc lại báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết rằng có tới 15 tỉnh trên 63 tỉnh, thành cử tri mong muốn ngành y tế phải làm việc cả tuần. Trong điều khoản của Luật Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu làm cả thứ Bảy, Chủ Nhật.

Cho dù cử tri của 15 tỉnh đã có rất nhiều ý kiến qua các kỳ họp của khoá XII, XIII, XIV và Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp thứ bảy vừa rồi cũng đã nhắc lại nhưng Bộ Y tế chưa trả lời. Thực tế đây là vấn đề khó.

Thứ nhất, nếu làm việc 7 ngày/1 tuần với người lao động trong ngành y tế thì chúng ta đang sai luật, cho dù luật cũ hay luật mới chúng ta đang sửa ở đây.

Thứ hai, để làm việc thêm 2 ngày so với 5 ngày hiện nay thì chúng ta phải tăng biên chế lên khoảng 20 đến 30% biên chế mới đảm bảo được.

Thứ ba, làm việc ngoài giờ, làm việc thêm giờ, làm việc ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết thì tiền công của người làm việc đó phải tăng gấp 2 tới 3 lần ngày làm việc bình thường. Trong khi đó tiền công, tiền lương của người thầy thuốc đang tính trong giá dịch vụ dựa trên lương cơ bản thì thấp hơn lương cơ bản Chính phủ đang quy định, vậy thì các cơ sở y tế lấy tiền đâu ra để bù vào khoản chênh lệch đó.

"Tôi rất mong các quý vị đại biểu Quốc hội tham mưu, hỗ trợ cho ngành y tế có câu trả lời. Nếu thực sự chúng ta muốn phục vụ người dân 7 ngày trong 1 tuần, trên cương vị là một đại biểu cho người dân tôi rất mong muốn điều đó, đồng thời là đại biểu của ngành y tế tôi cũng phải có tiếng nói để bảo vệ ngành mình.

Nếu chúng ta quyết tâm khám 7 ngày/7 ngày, thì đề nghị Quốc hội bổ sung thêm một điều vào điều luật lao động là riêng ngành y tế phải làm việc 7 ngày/7 ngày và đưa ra các điều khoản ưu đãi cho ngành y tế", đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nêu ý kiến.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này