Giải phóng Thủ đô còn là niềm vui của ngày hội ngộ

16:34 | 11/10/2019
(LĐTĐ) Lúc rút khỏi Hà Nội, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã viết lên vách tường đổ nát vì bom đạn những dòng chữ đầy tin tưởng:“Tạm biệt Thủ đô, hẹn ngày trở về”. Và ngày 10/10/1954, điều đó đã trở thành hiện thực. Ngày trở về còn là ngày hội ngộ của biết bao gia đình người Hà Nội.  
giai phong thu do con la niem vui cua ngay hoi ngo 65 năm vang vọng Lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu
giai phong thu do con la niem vui cua ngay hoi ngo Giao lưu văn nghệ chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
giai phong thu do con la niem vui cua ngay hoi ngo Vẹn nguyên ký ức ngày trở về

Những ngày này, Hà Nội đang tưng bừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019), đường phố rợp cờ hoa, lòng người rộn ràng niềm vui. Với những người đã từng cầm súng bảo vệ Thủ đô thủa ấy, hay những người trong đại đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô, những người được đứng trong đoàn chào đón các chiến sĩ giải phóng, thời khắc lịch sử đó mãi là một ký ức không quên.

Trong những ngày tháng 10 lịch sử, chàng trai, cô gái Hà Nội năm ấy lại có cuộc hội ngộ để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa. Họ gặp nhiều bạn cũ nay đã là những cụ đã về hưu, già nua nhưng vẫn nhận ra nhau từ hình bóng của thời trai trẻ- cái thời mà họ cùng công tác với nhau đã qua lâu lắm rồi.

giai phong thu do con la niem vui cua ngay hoi ngo
Những chàng trai cô gái Hà Thành năm ấy cùng nhau ôn lại kỷ niệm ngày giải phóng

Trong trí nhớ của họ, ngày trở về khi ấy không chỉ là của đoàn quân vừa chiến thắng quân xâm lược Pháp trong chiến dịch Điên Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mà còn là ngày đoàn tụ, là những cảm xúc nghẹn ngào ngày hội ngộ của các thành viên trong gia đình.

Trong ký ức của ông Dương Tự Minh (Hàng Bông), cựu tù chính trị tại nhà tù Hỏa Lò, cảm xúc của ngày Hà Nội được giải phóng vô cùng rực rỡ. Lúc đó phố xá rực màu cờ đỏ sao vàng. Cổng chào được dựng lên ở khắp nơi cùng nhiều khẩu hiệu, băng rôn, ai cũng cười nói, vui vẻ. Rồi tất cả như vỡ òa lúc quân ta tiến vào, đoàn quân tiến đến đâu, tiếng hò reo rộ lên tại đó, nhiều thiếu nữ và cụ già chạy ra tặng hoa.

“Còn chúng tôi thì hò hét khản cả cổ, vẫy cờ mỏi tay khi đoàn quân đi qua. Mãi cho đến lúc đoàn quân đã đi xa không còn nhìn thấy nữa, mọi người mới như tỉnh giấc và thôi hò hét. Lúc này tôi mới nhớ đến việc phải trở về nhà thăm mẹ. Bà không biết là tôi đã trở lại Hà Nội hoạt động hàng năm trời sau ngày tiễn tôi trốn ra vùng tự do để tránh địch lùng bắt. Và tôi cũng cần nhanh chóng về nhà để mong gặp lại các anh chị tôi từ vùng kháng chiến nay cũng đã trở về”.

giai phong thu do con la niem vui cua ngay hoi ngo
Ông Dương Tự Minh (Hàng Bông), cựu tù chính trị tại nhà tù Hỏa Lò chia sẻ câu chuyện ngày hội ngộ với gia đình

Không chỉ có gia đình ông Minh mà ngày giải phóng Thủ đô cũng là ngày hội ngộ của rất nhiều gia đình người Hà Nội sau bao ngày chia cắt. Bà Nguyễn Thị Toán (85 tuổi, Hàng Đậu) chia sẻ: “Thời điểm đó, tất cả chúng tôi đi theo kháng chiến, chúng tôi đều không được ở nhà mà phải tạm lánh khỏi nhà để tiện cho việc hoạt động.

Tôi nhớ, trước ngày giải phóng, tất cả các anh em chúng tôi đều không được gặp gia đình nên nhớ nhà lắm. Đêm trước ngày giải phóng, tôi ngủ không được, tờ mờ sáng, các anh chị em đã rục rịch dậy để chuẩn bị”.

Sau khi đón đoàn quân tiếp quản Thủ đô trở về, bà Toán nhanh chóng trở về nhà đoàn tụ với gia đình. Bắt đầu bước vào căn nhà nhỏ trên phố Hàng Đậu, người đầu tiên bà Toán gặp là mẹ. Niềm vui, xúc động đan xen vào nhau, hai mẹ con bà nghẹn ngào, nước mắt chan hòa ôm nhau khăng khít. “Mẹ vuốt tóc tôi, tay sờ tìm xem con gái có vết thương nào trên người không, bà hỏi han sức khỏe. Cả gia đình gặp nhau mừng mừng, tủi tủi”.

Thời khắc tháng 10 lịch sử đối với nhà sử học Lê Văn Lan cũng chính là ngày đoàn tụ. Nhà sử học chia sẻ khi ấy mình còn là một thanh niên 18 tuổi hòa trong dòng người đón đoàn quân chiến thắng trở về. Nhìn lớp lớp đoàn quân hân hoan trên đường phố, người dân hai bên đường nô nức đón chào, một cảm xúc trào dâng trong ông.

Không chỉ hưởng niềm vui chiến thắng, ông còn được đón người thân trở về, bởi trong đoàn quân đó có người anh thứ hai của ông. “Sự giải phóng ở đây là giải phóng dân tộc, giải phóng Hà Nội và người trong gia đình giải phóng cho nhau, cùng nhau đoàn tụ” - Nhà sử học Lê Văn Lan bày tỏ.

Đến nay, đã 65 năm trôi qua, nhưng ký ức đẹp của những người được chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng trong Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn mãi.

Dù sau này, chiến tranh tiếp diễn, Hà Nội cũng như cả nước gồng mình trong cuộc chiến bảo vệ, kiến thiết, phát triển đất nước, nhưng dấu ấn về những phút giây Hà Nội được giải phóng là không thể quên đối với nhiều nhân chứng lịch sử. Ký ức của những ngày được giải phóng cũng chính là động lực để toàn dân, toàn quân ta chiến đấu đòi lại quyền tự do cho dân tộc về sau này.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này