Chuyện nghệ nhân đưa “hồn cốt” lụa Vạn Phúc hồi sinh

12:26 | 17/09/2019
(LĐTĐ) Đã có một thời, không chỉ người dân ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), mà ngay cả với những người mê lụa truyền thống cũng phải ngậm ngùi nghĩ rằng lụa Vân - một thứ lụa đã trở thành “hồn cốt” của làng nghề truyền thống Vạn Phúc sẽ chỉ là ký ức.
chuyen nghe nhan dua hon cot lua van phuc hoi sinh Tô thắm sắc lụa Hà Đông
chuyen nghe nhan dua hon cot lua van phuc hoi sinh Rực rỡ làng lụa Vạn Phúc
chuyen nghe nhan dua hon cot lua van phuc hoi sinh Người “giữ lửa” cho làng lụa Vạn Phúc

Thế nhưng, với bàn tay cần mẫn và tình yêu của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã làm hồi sinh thứ lụa quý giá đó, để làm đẹp thêm cho dáng vóc và tâm hồn con người Việt Nam.

chuyen nghe nhan dua hon cot lua van phuc hoi sinh
Làng nghệ truyền thống dệt lụa Vạn Phúc nơi nổi tiếng với sản phẩm lụa Vân.

Mỗi khung cửi, sợi tơ như mạch máu…

Không trang trí cầu kỳ, hoa mỹ, thậm chí nhìn bên ngoài cơ sở sản xuất lụa tơ tằm Triệu Văn Mão – tên một nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc trước đây và cũng là bố chồng của nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm trang trí khá đơn giản. Thế nhưng, chỉ cần bước chân qua bậc cửa ngôi nhà, mọi thứ dần trở nên khác biệt. Thậm chí, không ít du khách đặt chân tới đây đều cho rằng, cơ sở như một “Vạn Phúc thu nhỏ”.

Sự ví von ấy quả cũng chẳng sai, bởi qua bàn tay tài hoa của “người phụ nữ lụa” Nguyễn Thị Tâm, mọi sản phẩm từ lụa Vân, the, đũi…với đầy đủ mẫu mã, hoa văn đều xuất hiện ở những vị trí trang trọng nhất (trong đó lụa Vân - thứ lụa đặc biệt có hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt, nhìn như những đám mây và chỉ có ở Vạn Phúc).

chuyen nghe nhan dua hon cot lua van phuc hoi sinh
Với những cống hiến của mình với lụa Vạn Phúc, bà Nguyễn Thị Tâm đã được vinh danh là Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2015.

Ngoài ra, khác với những cơ sở sản xuất lụa tại làng nghề Vạn Phúc, cơ sở sản xuất lụa tơ tằm Triệu Văn Mão không chỉ dành không gian bày bán, giới thiệu sản phẩm thông thường, mà nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm còn thiết kế luôn một xưởng sản xuất ngay bên cạnh cửa hàng để du khách tiện thăm quan, tìm hiểu.

Nói về sự khác biệt này, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết, bà mong muốn khách tới Vạn Phúc không chỉ được nhìn những tấm lụa đủ màu sắc, được chạm tay vào những thớ vải óng ả, mà còn được tận mắt tham quan công việc của những người thợ dệt tài hoa. Thậm chí, du khách đến đây còn được lắng nghe tiếng khung cửi, tiếng thoi đưa lách cách… tất cả những thứ đó tạo nên một không gian tổng thể của làng nghề, thu hút và hấp dẫn du khách tìm đến thăm quan, mua sắm.

Kể về câu chuyện giữ gìn và phục hồi những dòng lụa quý, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm cho biết, đến bây giờ bà cũng không thể nhớ chính xác nghề dệt đã đến với mình từ bao giờ. Nhưng với bà, mỗi khung cửi, mỗi sợ tơ như mạch máu trong cơ thể, nó nuôi dưỡng niềm đam mê, khao khát được cống hiến, gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống cha ông để lại. Trong những giá trị ấy, ít ai biết rằng người đã truyền ngọn lửa, truyền đam mê cho bà Tâm lại chính là ông Triệu Văn Mão (bố chồng của bà Tâm).

Lớn lên ở làng lụa Vạn Phúc, bởi thế ngay từ nhỏ tiếng thoi đưa, tiếng khung cửi kẽo kẹt đã ăn sâu vào trong tiềm thức và trở thành một phần tuổi thơ của bà Tâm. Lớn lên, bà may mắn được làm dâu trong một gia đình có truyền thống với nghề dệt lụa, đặc biệt, bố chồng bà Tâm còn là một nghệ nhân nổi tiếng và rất tâm huyết với nghề. Vì thế, ông luôn đau đáu với việc gìn giữ, phát huy nghề dệt lụa truyền thống. Có lẽ vậy, cái duyên với lụa càng thêm thấm đẫm trong tâm hồn nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm.

Đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu

Nhớ lại thời kỳ khó khăn nhất với làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phúc, bà Tâm lặng im một hồi rồi bảo, đó là thời điểm mà cả nước chuyển mình từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Ngày đó, không riêng gì lụa Vạn Phúc mà nhiều thương hiệu truyền thống nổi tiếng khác cũng gặp phải tình cảnh lao đao.

Ngay với bà Tâm cũng vậy, thời điểm đó bà cũng có ý định chuyển sang kinh doanh ở một lĩnh vực khác. Nhưng nhờ có nghệ nhân Triệu Văn Mão, một người bố chồng tâm huyết với nghề đã níu giữ bà lại, để rồi làng lụa Vạn Phúc có một nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm như ngày hôm nay.

“Đúng thời điểm tôi lao đao giữa việc gìn giữ, tiếp nối nghề truyền thống hay rẽ sang hướng kinh doanh khác thì bố chồng tôi đã gọi tôi lại và bảo: Con về đây làm nghề cùng bố, cả làng làm nghề được thì mình cũng làm được. Nếu bây giờ bỏ nghề thì tiếc lắm… nghe vậy, niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề lại trỗi dậy và tôi quyết định trở lại gắn bó với nghề dệt lụa truyền thống, cùng với gia đình gìn giữ và vực dậy cơ sở sản xuất lụa tơ tằm Triệu Văn Mão”, bà Tâm kể lại.

Luôn trăn trở với nghề song, khi quyết định quay lại gìn giữ nghề truyền thống bà Tâm quan niệm, không làm thì thôi mà đã làm thì phải làm đến cùng. Vì thế, khi phát hiện ra những mẫu vải cổ, hoặc có những gia đình gửi mẫu vải lụa từ thời xưa nhờ phục dựng lại, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm luôn cố gắng hết mình. Thậm chí, để tìm kiếm được những mẫu lụa cổ bà phải đến từng gia đình trong làng, hỏi các cụ cao niên để họ truyền lại và chia sẻ những kinh nghiệm làm nên loại lụa truyền thống.

Tìm được mẫu đã khó, việc phục dựng lại còn khó khăn hơn gấp bội. Trong đó, nhiều mẫu lụa cổ như lụa Vân quế hồng điệp, lụa Vân mai thọ, lụa Vân lương long song phượng… bà phải mất đến cả năm trời mới khôi phục được. Vì thế, khi thành công nó đã trở thành đứa con tinh thần, là động lực thôi thúc bà tìm tòi và phát triển những cái mới.

Cùng với phát triển làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm luôn quan tâm đến việc giữ gìn thương hiệu lụa Vạn Phúc. Đặc biệt hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm lụa trôi nổi, chất lượng kém hoặc các hàng giả, hàng nhái. Bằng kinh nghiệm của mình, bà cùng với hiệp hội làng nghề lụa Vạn Phúc đã tập huấn cho các hộ gia đình vừa biết cách quảng bá sản phẩm vừa giữ gìn thương hiệu sản phẩm.

Chia sẻ về bí quyết thành công của mình bà Tâm chỉ gói gọn trong một câu “Đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu”, và đó không chỉ là bí quyết mà còn là đam mê giúp bà gìn giữ tình yêu với lụa truyền thống.

Thành công là vậy, nhưng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để duy trì và phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống bà Tâm cũng có nhiều trăn trở. Theo nghệ nhân, để duy trì được nghề dệt truyền thống của cha ông, đưa làng nghề dệt Vạn Phúc phát triển như hiện nay, đó là cả một sự cố gắng, đồng lòng của toàn thể người dân làng nghề, cùng sự định hướng, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, điều mà các hộ gia đình ở làng nghề lo lắng nhất là nguồn nguyên liệu không ổn định, việc xử lý nguyên liệu còn rất thủ công do chưa hình thành được các cơ sở, nhà máy chế biến và xử lý.

Mặt khác, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp đa số là nhỏ. Lực lượng lao động phần lớn được đào tạo theo phương pháp truyền nghề, sản xuất hộ gia đình, chưa có trường lớp đào tạo chính quy, vì thế làng nghề đang gặp rất nhiều thách thức trước sự hội nhập quốc tế.

Và đây cũng chính là thách thức chung của tất cả các làng nghề ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Giải quyết được vấn đề này, chắc chắn không chỉ có lụa Vạn Phúc mà còn nhiều sản phẩm truyền thống khác sẽ còn bay cao, bay xa và được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này