Ký ức về những liệt sỹ ở làng Lai Xá

17:23 | 15/08/2019
(LĐTĐ) Không chỉ được biết đến là làng nghề nhiếp ảnh nổi tiếng của Thủ đô, làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội còn được biết đến là ngôi làng có truyền thống anh hùng, bất khuất. Tại nơi đây, bao nhiêu chàng trai đã ra đi vì sự độc lập - tự do cho Tổ quốc. Để tưởng nhớ những người đã ngã xuống, Bảo tàng nhiếp ảnh làng Lai Xá đã tổ chức triển lãm trưng bày những kỷ vật và kể về câu chuyện của các liệt sỹ làng Lai Xá.
ky uc ve nhung liet sy o lang lai xa Thị xã Sơn Tây tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ
ky uc ve nhung liet sy o lang lai xa Tuổi trẻ Thủ đô tổ chức nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ
ky uc ve nhung liet sy o lang lai xa Làng nhiếp ảnh độc nhất vô nhị

Những câu chuyện chưa kể

Trải qua 2 cuộc kháng chiến và chiến tranh biên giới phía Tây Nam phía Bắc những người con làng Lai Xá lần lượt ra đi để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ mất con, người chồng mất vợ, thế nhưng, vượt lên trên những nỗi niềm riêng, những người làm cha, làm mẹ cũng đành dứt lòng để con ra đi phụng sự cho Tổ quốc.

ky uc ve nhung liet sy o lang lai xa
Các bà, các mẹ làng Lai Xá không khỏi xúc động khi nhìn những hình ảnh các liệt sỹ của làng được trưng bày trong triển lãm.

Bao nhiêu năm chiến đấu là bấy nhiêu năm họ đối mặt với nhớ thương, lo âu, mỗi bữa cơm là một bữa đầy nước mắt, những giọt nước mắt của sự tuyệt vọng khi không thấy con trở về.

Là con trong một gia đình có 4/5 người con tham gia kháng chiến, liệt sỹ Lê Văn Phiến đã phải nằm lại nơi đất khách, quê người sau lần giải phóng Buôn Ma Thuột. Đứng bên cạnh kỷ vật của anh trai, ông Lê Ngọc Vang không thể nào cầm được nước mắt, ông Vang kể rằng: “Đây là tấm hình duy nhất của anh trai tôi hồi còn trẻ, anh tôi tham gia kháng chiến vào năm 1963 khi vừa tròn 20 tuổi. Sau một thời gian, anh được điều động lên Sơn Tây để học Sỹ quan và tiếp tục nhận nhiệm vụ tại chiến trường. Tới ngày 16/3/1975 anh tôi hy sinh. Khi nhận được tin báo anh không còn, gia đình vô cùng xót xa, nhà có mấy anh em mà anh lại hy sinh còn tôi thì cũng là thương binh hạng ¾.

Thời điểm đó, mẹ tôi cũng đã ở cái tuổi gần đất xa trời, ngoài việc chăm lo cho gia đình, mẹ tôi cứ trăn trở không biết anh tôi hy sinh thân thể có còn nguyên vẹn hay không và mong muốn được nhìn thấy con lần cuối. Mặc dù gia đình đã tìm đủ cách liên hệ với những người cùng tham gia đơn vị năm đó để đưa anh về nhưng mãi vẫn không có tin tức gì. Gia đình chúng tôi cứ mãi sống trong nỗi day dứt như vậy cho tới 20 năm sau chúng tôi mới nhận được tin anh trai tôi đang nằm tại Nghĩa trang liệt sỹ Buôn Ma Thuột.

Ngay khi có tin, gia đình đã vào để đưa anh về, khi tới nơi thấy anh nằm tại nơi khang trang, sạch đẹp thì gia đình cũng thấy nhẹ lòng, sau khi trình bày mong muốn của gia đình với quản trang, chúng tôi đã đưa được anh về nhà. Những năm trước cứ đến ngày lễ tết hay ngày thương binh liệt sỹ là mẹ tôi lại ngồi khóc một mình. Thế nhưng từ khi đưa anh về thì mẹ tôi tỏ ra vui mừng, bớt buồn phiền hơn vì anh tôi đã được an nghỉ nơi quê nhà, được gần mẹ, gần anh em”.

Không chỉ có gia đình ông Lê Ngọc Vang có liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc, anh Phạm Văn Tả (con trai của liệt sỹ Phạm Gia Kim) cũng đã phải xa rời người cha ngay từ khi còn nhỏ, để tới giờ anh không thể hình dung vóc dáng của cha ngay cả trong trí tưởng tượng.

Anh Tả chia sẻ với chúng tôi: “Từ lúc bố còn trong bộ đội và khi bố về thăm nhà lần cuối tính đến nay là hơn 50 năm. Ông tái ngũ từ năm 1966 đến năm 1969 thì hy sinh tại chiến trường phía Nam. Bố tôi để lại 2 bức thư và 1 bộ quần áo. Bức thư đầu tiên viết cho mẹ vào năm 1969 và bức thư thứ hai viết vào năm 1979. Tôi may mắn hơn em mình vì tôi được nhìn thấy bố và được bố bế, còn đứa em út của tôi chưa ra đời thì bố tôi đã mãi ra đi.”

Hai gia đình, hai số phận nhưng cũng là đại diện cho hơn 50 gia đình làng Lai Xá có người thân là liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Họ không kể nhiều về chiến công mà con mình đã lập được, cái còn lại trong họ là những mảnh ký ức thông qua những kỷ vật mà con để lại, cũng chính những kỷ vật này đã trở thành nguồn động lực để những người ở lại viết tiếp lên những ước mơ còn dang dở của những người đã ngã xuống.

Những ô cửa mở ra ký ức

Để tưởng nhớ những hy sinh thầm lặng của những liệt sỹ thôn Lai Xá, một nhóm sinh viên của Khoa Di sản văn hóa - Đại học Văn hóa Hà Nội đã đến từng gia đình liệt sĩ ở làng Lai Xá, nghe người thân kể những câu chuyện về liệt sĩ, về mong ước tìm hài cốt đưa họ về quê cha đất tổ... Mỗi gia đình có những hoàn cảnh riêng, người nhớ nhiều, người nhớ ít, gia đình còn có ảnh hoặc không có ảnh liệt sĩ, nhưng tất cả đều giữ tình cảm sâu nặng với những người đã ngã xuống.

May mắn vì còn giữ được chút kỷ vật cuối cùng mà anh trai để lại, ông Lê Ngọc Vang đưa chúng tôi đến chiếc bàn trưng bày kỷ vật anh trai ông, kỷ vật anh trai ông để lại chỉ là một chiếc mũ cối và một chiếc bình bi đông, thế nhưng đó lại là cả tấm lòng của người anh trai dành cho đứa em của mình trước lúc đi vào nơi chiến trận.

Luôn mang theo những kỷ vật của anh bên mình, ông Vang cho biết những kỷ vật dù được ông gìn giữ nhưng cũng không thể nào nguyên vẹn như lúc ban đầu, may mắn lại có buổi trưng bày kỷ vật của các liệt sỹ làng Lai Xá, đây là cơ hội gìn giữ kỷ vật không chỉ cho gia đình ông mà còn cho nhiều gia đình liệt sỹ khác trong làng.

“Ngay từ đầu khi nhận được tin đưa những kỷ vật tới trưng bày tại Bảo tàng thôn Lai Xá, gia đình tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi. Đây là việc làm rất ý nghĩa không chỉ với gia đình tôi mà còn với nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ khác. Nhờ có triển lãm để mọi người nhìn lại những kỷ vật thân thuộc của con em mình.”- ông Vang cho biết.

Trưng bày “Ký ức về liệt sỹ làng Lai” gồm 3 phần: Những ký ức đậm sâu; Day dứt những nỗi đau và Những ký ức mỏng manh. Mới lạ và công phu, cách những người thực hiện triển lãm tạo ấn tượng đặc biệt là thông qua mỗi ô cửa sổ để giới thiệu ký ức một liệt sĩ, nhằm gợi cho người xem cảm xúc muốn khám phá tìm hiểu. Mỗi ô cửa đó mở ra không phải để thỏa mãn tò mò mà để bắt gặp cảm xúc mạnh mẽ về những chàng trai trẻ đã ra đi và không thể trở về.

“Để làm triển lãm, phải đi hỏi, đi xin tài liệu của gia đình và những người gần họ như anh em. Họ đều cũng có tuổi rồi. Có người bố hy sinh khi còn nhỏ, giờ đã ngoài 60 tuổi. Thời gian cũng xóa mờ ký ức. Họ không khóc òa lên khi kể chuyện, nhưng ai cũng ngậm ngùi”, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cho hay.

Trưng bày với cách kể chuyện và khám phá mới mẻ, thông qua ký ức của các thế hệ khác nhau về người thân là liệt sĩ, người xem sẽ thấy được có những ký ức sâu đậm, có những ký ức mong manh. Những bức ảnh chứa đựng nhiều kỷ niệm và ký ức thì lại càng mong manh hơn, bởi chúng đang bị huỷ hoại dần theo thời gian. Chúng ta phải làm gì trước những sự mong manh này? Đó là câu hỏi cho người Lai Xá và khách tham quan khi bước ra khỏi phòng trưng bày tuy nhỏ nhưng đầy ắp tình yêu này.

Làng Lai Xá vốn nổi tiếng về nghề nhiếp ảnh, nhưng ở triển lãm này, hiện diện đều là những tấm ảnh ố màu, chân thực đến bật khóc, những tấm hình không chỉnh sửa. Với cách tiếp cận nhân vật khác biệt nên những câu chuyện trong triển lãm cũng khiến người xem đắm đuối từ đầu đến cuối.

Ai cũng có thể vừa cảm nhận về sự chân thực dung dị của người làng Lai, vừa cảm thấy tính hiện đại, khúc triết trong thủ pháp trưng bày. Còn theo những người thực hiện, điều khó nhất ở đây chính là sự mong manh của ký ức, khi thời gian mải miết trôi đi. Làng có 50 liệt sĩ, nhưng khi tìm kiếm thông tin cho triển lãm thì chỉ có 20 người.

“Thông qua triển lãm này, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mong muốn gửi đến người xem một thông điệp lớn. Đó là cộng đồng hãy tiếp tục cùng nhau ghi lại những ký ức đang dần phai nhạt theo thời gian, sưu tầm, lưu giữ thật tốt những tấm ảnh quý về các liệt sĩ nói riêng và về gia đình nói chung…”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy bộc bạch.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này