Phát huy vai trò nêu gương trong công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn

Kỳ cuối: Để nông thôn trở thành nơi đáng sống

20:47 | 11/08/2019
(LĐTĐ) Sau nhiều năm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện, với sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Chương trình 02 của Thành ủy đã và đang thực sự trở thành phong trào rộng lớn trên địa bàn TP Hà Nội. Dù còn không ít trở ngại và thách thức, song với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, sự gương mẫu đi đầu của các cá nhân, tổ chức cơ sở Đảng, nhiều “điểm sáng” đã được thắp lên, góp phần đổi thay những miền quê của Thủ đô…  
ky cuoi de nong thon tro thanh noi dang song Kỳ 2: Những “cầu nối” giữa cấp ủy Đảng với người dân
ky cuoi de nong thon tro thanh noi dang song Phát huy vai trò nêu gương trong công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn
ky cuoi de nong thon tro thanh noi dang song Ứng Hòa tìm hướng phát triển kinh tế bền vững

Thắp lên khát vọng đổi thay

Nông thôn mới như một cuộc cách mạng, giúp người dân bứt phá, làng quê thay da đổi thịt vươn lên cuộc sống mới. Sự đổi thay có thể dễ dàng thấy được thông qua các tiêu chí về chất lượng cuộc sống như cảnh quan môi trường, đời sống kinh tế…

Đến các xã của huyện Đan Phượng thời điểm này có thể dễ dàng bắt gặp những “con đường bích họa” bắt mắt, xóm làng phong quang, những ngôi trường khang trang, sạch đẹp, những khu trồng hoa ly, hoa cúc, hoa hồng nhiều màu sắc… Không chỉ vậy, nhìn rộng ra các dải đất của miền ngoại thành này đều có thể thấy những gương mặt hồ hởi, phấn khởi, những nụ cười thân thiện của người dân.

ky cuoi de nong thon tro thanh noi dang song
Đời sống của người dân trên các miền quê ngoại thành Hà Nội ngày càng được cải thiện

Tại Song Phượng – địa phương đi đầu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi có phong trào cách mạng sớm nhất huyện Đan Phượng, trong kháng chiến chống Mỹ, luôn thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… thời điểm này đời sống người dân vẫn đang không ngừng được nâng lên.

Tính đến hết năm 2018, thu nhập bình quân là 51 triệu đồng/người/năm; trên địa bàn xã không còn hộ nghèo. Tất cả các tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện đều được thảm nhựa, đổ bê-tông; các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng đạt 100%. Số người có việc làm trên số dân trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động là hơn 95%.

Cùng với Song Phượng, hai xã Liên Trung và Ðan Phượng cũng là các “xã điểm” được huyện Đan Phượng xây dựng mô hình nông thôn mới nâng cao. Ðến nay, bộ mặt nông thôn rất khởi sắc, nhiều hộ nông dân làm kinh tế giỏi, cuộc sống ngày một khấm khá. Theo ông Nguyễn Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng, có được thành quả như bây giờ “bí quyết” chẳng đâu xa lạ đều là nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân trong toàn xã.

Là một trong những địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, song đến nay huyện Chương Mỹ cũng đã có 25 trong số 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhắc chuyện nông thôn mới, anh Nguyễn Phượng Minh ở xã Mỹ Lương không giấu được niềm vui cho biết, hiện anh có 3.000 m2 trồng cây ăn quả, thời điểm này đã bắt đầu cho thu hoạch. Gia đình anh sẽ có thu nhập cả trăm triệu đồng nhờ mảnh đất này.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Bí thư Chi bộ thôn Núi Sáo, xã Mỹ Lương cho biết: Tại thôn Núi Sáo nói riêng và xã Mỹ Lương nói chung ngày càng xuất hiện nhiều chủ trang trại, những điển hình tiên tiến làm giàu từ chính những thửa ruộng, những trang trại được chuyển mục đích sử dụng đất. Những đổi thay này là minh chứng dễ dàng thấy nhất từ chương trình xây dựng nông thôn mới đang hiện hữu.

Xuất phát điểm khi bắt tay xây dựng nông thôn mới thấp, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách hạn chế... bởi vậy phương châm “huy động sức dân để chăm lo cho dân” đã trở thành một trong những định hướng để xây dựng nông thôn mới ở huyện Ứng Hòa.

Chia sẻ những kết quả đạt được, bà Hoàng Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, về phát triển kinh tế huyện, tổng giá trị sản xuất 6 tháng ước đạt 5.65 tỉ đồng, đạt 49,21% kế hoạch năm (tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 1.920 tỉ đồng, đạt 46,92% kế hoạch năm; giá trị sản xuất Công nghiệp - Xây dựng ước đạt 1.560 tỉ đồng, đạt 48% kế hoạch năm; giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ ước đạt 2.145 tỉ đồng, đạt 52,5% kế hoạch năm.

ky cuoi de nong thon tro thanh noi dang song
Những cánh đồng mẫu lớn giúp người nông dân có điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển hàng hóa, mang lại thu nhập cao

Theo tìm hiểu, quanh tiến độ thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020” tại huyện Ứng Hòa, đến nay toàn huyện đã có 19/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mặc dù là huyện khó khăn, nhưng Ứng Hòa luôn chú trọng huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện luôn ưu tiên đầu tư, nâng cấp và xây mới các công trình hạ tầng nông thôn ở các xã như: Bê tông và nhựa hóa 132,39km đường giao thông trục xã; 160,52km trục thôn và 427,9km đường ngõ xóm.

Thời gian tới, để việc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, huyện Ứng Hòa sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn các biện pháp kỹ thuật, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng cơ giới hóa, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhất là lĩnh vực có thế mạnh là thuỷ sản, trồng cây ăn quả.

Cùng chung xuất phát điểm thấp song huyện Ba Vì cũng đang không ngừng dồn sức cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Trong đó, theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Để khắc phục những khó khăn, thời gian tới Ba Vì sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sữa bò; nghiên cứu quy hoạch vùng trồng cây đặc sản; phát triển thương hiệu gà đồi, chè Ba Vì... Huyện Ba Vì cũng nỗ lực để tăng nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và các nguồn xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng…

Nhân rộng những mô hình điểm

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, từ kinh nghiệm thực tiễn trên các miền quê thành công trong công tác xây dựng nông thôn mới cho thấy, khi nhân dân đã hiểu được những chủ trương, chính sách của Đảng là đúng đắn thì việc triển khai thực hiện không còn là chuyện khó. Hàng trăm gương sáng, “mô hình điểm” sau Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy là một minh chứng rõ nét.

Chẳng hạn như: Gương ông Nguyễn Tứ Hùng (xã Tân Lập, Đan Phượng) ủng hộ 100% kinh phí cải tạo ao của thôn Hạnh Đàm với số tiền 1,8 tỷ đồng và ủng hộ 300 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã; gương ông Thiều Văn Dung (xã Trung Châu) hiến 270m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn; ông Nguyễn Văn Miễn (xã Hạ Mỗ) đã vận động người cao tuổi và nhân dân làm 2 cổng chào, kè giếng, xây dựng 50m đường thành tuyến đường hoa kiểu mẫu của huyện với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng…

ky cuoi de nong thon tro thanh noi dang song
Công cuộc xây dựng nông thôn mới suy cho cùng đích đến vẫn là nâng cao được chất lượng sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân

Đó là những gương sáng ủng hộ sức người, sức của tại địa phương đi đầu trong công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn. Tại huyện Ứng Hòa, hiện đang có không ít “mô hình điểm” trong việc việc huy động người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Dẫn chúng tôi tham quan tuyến đường làng mới đổ bê tông, ông Đặng Xuân Khôi - Phó Bí thư Chi bộ thôn Triều Khê (xã Đội Bình) cho biết: Để phục vụ giao thông, góp sức xây dựng nông thôn mới, cán bộ và nhân dân trong thôn đã thống nhất đóng góp mỗi khẩu 200.000 đồng/năm, mỗi đầu sào ruộng 100.000 đồng/năm cùng nhiều hộ dân ủng hộ kinh phí, công sức...

Sau hơn 2 tháng vận động kinh phí, mua vật liệu xây dựng, trực tiếp thi công, giám sát thôn Triều Khê đã hoàn thành 800m đường bê tông, rộng 3m. Từ nay đến cuối năm 2019, thôn Triều Khê dự tính tiếp tục đầu tư xây dựng một tuyến đường khác trên địa bàn dài 600m, rộng 3m, dự toán 500 triệu đồng, bằng nguồn kinh phí của nhân dân đóng góp, ủng hộ…

Còn tại thôn Lạc Đạo (xã Trung Tú) bộ mặt làng xã cũng trở nên khang trang, sạch đẹp nhờ những đoạn đường rực rỡ sắc hoa. Để có những kết quả này, theo ông Mai Văn Nghì - Bí thư thôn Lạc Đạo, ngoài việc phát động và thực hiện từ Chi hội Người cao tuổi và Chi hội Liên hiệp phụ nữ thôn thì không thể thiếu sự góp sức, đồng lòng của người dân. Tính đến nay, phong trào trồng hoa, cải tạo cảnh quan đã lan tỏa rộng rãi khắp vùng, hơn 80% gia đình trong thôn tự trồng hoa trong khuôn viên nhà ở, hơn 500m đường làng đang được phủ hoa.

ky cuoi de nong thon tro thanh noi dang song
Những đường hoa, đường tranh góp phần thay đổi, cải thiện cảnh quan bộ mặt làng quê

Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế - chính trị - xã hội. Trên tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TƯ (khoá X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các nghị quyết Đại hội XV, XVI của Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa bằng Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân (giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020). Sự đổi thay từ gốc rễ trong đời sống nông thôn có được là nhờ chủ trương đúng, kịp thời của Đảng, sự cụ thể hóa và áp dụng sáng tạo vào thực tiễn của chính quyền, cả sự đồng thuận của người dân.

Nói như bà Nguyễn Thị Thám - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đoài Khê (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng), nông thôn mới như một cuộc cách mạng, giúp người dân bứt phá, làng quê thay da đổi thịt vươn lên cuộc sống mới. Để nông thôn nay trở thành nơi thật đáng sống, chúng tôi - những người ở “tuyến đầu” sẽ tiếp tục nỗ lực làm tốt công việc của mình. Phải quyết tâm cao hơn nữa.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới suy cho cùng đích đến vẫn là nâng cao được chất lượng sống, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để khẳng định vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự tiên phong của tổ chức Đảng. Để nông thôn trở thành nơi đáng sống thì còn cần nhiều hơn nữa những “đòn bẩy” nâng cao đời sống. Dừng lại, tự thỏa mãn với những kết quả đạt được sẽ tụt hậu. Hơn lúc nào hết, những nhiệm vụ này thuộc về cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của đảng viên, người đứng đầu.

Đinh Luyện – Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này