Biến cái không thể thành có thể...

15:50 | 26/07/2019
(LĐTĐ) Dấn thân, nỗ lực áp dụng các chính sách, quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động là những gì đội ngũ cán bộ công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội thực hiện suốt thời gian qua. Không ít những vụ việc khó khăn, đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động tưởng chừng đi vào bế tắc, song trong hành trình gian nan đó vẫn có những “trái ngọt” được gặt hái, củng cố thêm niềm tin của người lao động dành cho tổ chức công đoàn. 
bien cai khong the thanh co the Người cán bộ công đoàn giàu sức sáng tạo
bien cai khong the thanh co the Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ
bien cai khong the thanh co the Biểu dương 90 gương cán bộ công đoàn tiêu biểu toàn ngành Y tế Hà Nội

Những hành trình chưa kể…

Cách đây ít lâu, Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động Thành phố phối hợp với Liên đoàn lao động quận Nam Từ Liêm và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết việc tranh chấp lao động giữa Công ty TNHH Phần mềm kế toán Thông Minh (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) với người lao động.

bien cai khong the thanh co the
Cán bộ công đoàn luôn gắn bó, sát sao đến người lao động

Trong đó, 4 lao động Phạm Thị Tuyết, Nguyễn Thị Bấm, Nguyễn Thị Lài, Nguyễn Văn Tuấn phản ánh thường xuyên bị công ty nợ lương, dẫn tới phải xin nghỉ việc. Không những vậy, chị Nguyễn Thị Lài còn chưa được chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội, bị giữ Bằng tốt nghiệp đại học. Cả 4 lao động trên đều có chung nguyện vọng là công ty thực hiện đúng nghĩa vụ, trong đó có thanh toán khoản nợ lương hơn 180 triệu đồng cho họ.

Để bảo vệ người lao động, Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội nhanh chóng lập tổ công tác xác minh các vấn đề liên quan. Trung tâm nỗ lực thu thập chứng cứ, xây dựng lập luận bảo vệ quyền lợi của người lao động. Sau khi làm việc với người lao động và chủ sử dụng lao động, Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm và Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội đã là cầu nối để hai bên tiếp tục thương lượng, giải quyết dứt điểm nội dung phản ánh của người lao động.

Thời gian qua Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động tại 260 doanh nghiệp; các cấp công đoàn đã phối hợp kiểm tra hơn 500 doanh nghiệp về thực hiện chế độ chính sách liên quan đến người lao động và chính sách đối với lao động nữ...

Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Tính đến nay, tổ chức Công đoàn đã nhận được 583 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội và có 75 hồ sơ công đoàn khởi kiện đã được cơ quan Tòa án thụ lý.

Qua thủ tục thông báo khởi kiện của tổ chức công đoàn đã có 118 đơn vị, doanh nghiệp trả hết nợ bảo hiểm xã hội, có 180 doanh nghiệp tự giác nộp một phần số tiền nợ với tổng số tiền thu nợ đọng bảo hiểm xã hội là 99 tỷ 673 triệu đồng.

Đây là một trong hàng chục vụ việc tranh chấp lao động mà Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội và Liên đoàn Lao động các quận, huyện, ngành đã và đang phối hợp giải quyết. Theo ông Hà Văn Cường – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội, khối lượng công việc tư vấn, hỗ trợ pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động ngày càng nhiều, phức tạp và liên quan tới nhiều lĩnh vực. Chỉ khi các cán bộ công đoàn nắm rõ các quy định của pháp luật và áp dụng vào thực tiễn thì hoạt động bảo vệ quyền lợi cho người lao động sẽ hiệu quả.

Thực tế, không ít người sử dụng lao động, người lao động không xác định đúng vị thế và nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong quan hệ lao động, dẫn đến hành vi ứng xử hoặc đòi hỏi quyền lợi không đúng mức. Vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở Công ty TNHH Sản xuất Đức Anh (huyện Gia Lâm) là ví dụ.

Ở vụ việc này, cả người lao động và doanh nghiệp đều thực hiện không đầy đủ các quy định về pháp luật lao động, gây khó khăn cho việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Cụ thể, do vi phạm kỷ luật nên ông Phạm Minh Thành lái xe cho Công ty bị đơn vị này không ký tiếp hợp đồng lao động và bị phạt tiền. Không đồng tình với quyết định của Công ty, ông Thành đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố vào cuộc, bảo vệ quyền lợi.

Qua xem xét vụ việc, Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội nhận thấy, ông Thành không hoàn thành nhiệm vụ là đúng, nhưng công ty cũng có lỗi khi không đăng ký nội quy lao động, không xây dựng quy chế, tiêu chí đánh giá lao động. Trung tâm Tư vấn pháp luật đã can thiệp, giúp ông Thành được bồi thường 4 tháng lương (hơn 21 triệu đồng).

Tạo thêm niềm tin cho người lao động

Theo ông Ngô Minh Hoàn – Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội, việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giờ làm việc, chế độ phụ cấp, trợ cấp… không đơn giản. Để công tác này hiệu quả, việc nâng cao công tác nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở là hết sức cần thiết.

Ông Ngô Minh Hoàn cho biết, với vấn đề này công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội luôn xác định tập huấn nghiệp vụ công tác công đoàn là một trong những nền tảng góp phần giúp đội ngũ cán bộ chuyên trách trau dồi thêm kiến thức pháp luật, bảo đảm công tác ứng xử, cách xử lý tình huống nhuần nhuyễn nếu phát sinh các vụ việc tranh chấp.

“Qua tập huấn, cán bộ công đoàn cơ sở sẽ có những kiến thức và lối ứng xử phù hợp với người lao động và người sử dụng lao động, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. Chỉ khi họ - những cán bộ công đoàn biết, hiểu và vận dụng kiến thức pháp luật tốt thì họ sẽ tự tin trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động” - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội nhấn mạnh.

Chia sẻ tâm tư, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây Hứa Đức Tuấn cho biết, người đảm nhiệm công tác công đoàn phải có đủ cả “tâm” và “tầm”. Phải theo dõi sát sao, gần gũi, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người lao động, giải thích các vướng mắc, xử lý mâu thuẫn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Để làm tốt chức trách của mình, Chủ tịch công đoàn cơ sở phải chủ động phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, sao cho quyền lợi của người lao động được thực hiện tốt hơn so với các quy định của pháp luật đề ra, nhưng vẫn phải bảo đảm quan hệ hài hòa giữa hai bên.

Trong khi hệ thống chính sách pháp luật lao động dần hoàn thiện, việc vận dụng để bảo vệ quyền lợi của người lao động hẳn sẽ còn nhiều vướng mắc khó khăn. Điều này đòi hỏi những người cán bộ công đoàn luôn phải nêu cao bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm cao mới có thể đấu tranh hiệu quả vì người lao động.

Đ.Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này