Hồi sinh những lá phổi xanh

07:30 | 28/07/2019
(LĐTĐ) Thăng Long - Hà Nội xưa được ví như thành Venice của nước Ý, với hệ thống sông, hồ, đầm dày đặc. Tuy vậy, hơn hai thập kỷ qua, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, hệ thống ao hồ trên địa bàn Thủ đô không những bị xâm lấn mà còn đứng trước vấn nạn ô nhiễm. Còn một số dòng sông đang có nguy cơ thành những dòng sông chết. Với quyết tâm trả lại hệ sinh thái tự nhiên cho hệ thống sông, hồ để góp phần xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng biến quyết tâm thành hành động.
hoi sinh nhung la phoi xanh Hiệu quả từ công tác cải tạo "những lá phổi xanh"
hoi sinh nhung la phoi xanh Sớm trả lại lá phổi xanh cho Thành phố

Sống lại hệ thống hồ trong lòng thành phố

Có mặt tại hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) vào một chiều tháng 7, ngoài đường vẫn nóng hầm hập, song bên hồ gió thổi lên mát rượi. Cư dân quanh khu vực tủa ra ngồi chơi, hóng gió. Chỉ xuống mặt hồ trong xanh, ông Nguyễn Hoàng Linh, phường Ngọc Khánh cho biết: Trước đây, hồ Ngọc Khánh không khác gì hồ chết, đầy bèo, rác, bùn và mùi hôi thối. Tuy nhiên, những năm qua nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong xử lý ô nhiễm nguồn nước của Thành phố, hồ Ngọc Khánh đã xanh trong trở lại.

Cũng giống như hồ Ngọc Khánh, hồ Ba Mẫu (quận Hai Bà Trưng), sau một thời gian dài “ngủ yên” trong ô nhiễm, giờ đây hồ cũng đã được hồi sinh. Vừa tập thể dục buổi sáng xong, khi biết tôi có ý định viết về chủ đề môi trường, ông Phạm Văn Thảo, cư dân Tổ 7, phường Phương Liên chia sẻ: Từ những năm 2008, hồ Ba Mẫu bị ô nhiễm trầm trọng. Lòng hồ không được nạo vét bùn, mặt hồ phủ kín bèo, rác thải, luôn có mùi hôi bốc lên nồng nặc khiến cư dân xung quanh không ai dám ra hồ. Tuy nhiên, từ năm 2016, sau khi được thành phố tiến hành cải tạo và phun rải chế phẩm Redoxy-3C, môi trường hồ được cải thiện rõ rệt. “Hồ Ba Mẫu bây giờ đúng nghĩa là lá phổi xanh”- ông Thảo cho hay.

hoi sinh nhung la phoi xanh

Trên chỉ là hai ví dụ điển hình về sự hồi sinh kỳ diệu của một số hồ trên địa bàn Thủ đô. Nói kỳ diệu không phải lộng ngôn, vì trước đó, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu và cộng đồng môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho thấy, năm 2015 chỉ có 2% trong số gần 200 sông, hồ được lấy mẫu tại Hà Nội đạt yêu cầu về chất lượng nước theo Quy chuẩn Việt Nam. Nghĩa là phần lớn hồ tại Hà Nội bị ô nhiễm, trong đó có những hồ nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân khu vực.

Để đánh giá lại tình trạng môi trường nước trong hồ, mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lấy mẫu nước hồ Ba Mẫu để đánh giá phân tích sau gần 3 năm làm sạch bằng công nghệ Đức. Kết quả cho thấy, độ PH kiềm, độ TSS và mật độ coliform trong nước hồ giảm, thông số thủy lý hóa không vượt quá ngưỡng.

Theo bà Trần Thu Hiền, phụ trách Trung tâm thử nghiệm môi trường nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, chế phẩm Redoxy-3C được sử dụng làm sạch các hồ của Hà Nội có thể kích thích oxy tăng nhanh khi hòa tan trong nước, khi áp dụng làm sạch các hồ đã phát huy hiệu quả, khiến môi trường nước trong sạch hơn, giúp cho hệ sinh thái, thủy sinh phát triển tốt. Tuy nhiên về lâu dài, để hồ xanh, sạch đẹp hơn thì cần quản lý tốt nguồn nước, nâng cao ý thức của người dân: không vứt rác xuống hồ...

Tới đây, khi việc cải tạo môi trường hồ bằng các công nghệ hiện đại, trong đó có việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C được nghiệm thu, chắc chắn những hồ nước đang bị ô nhiễm trên khắp địa bàn Thành phố sẽ được áp dụng công nghệ mới, đồng nghĩa hồ sẽ được tái sinh.

Hồi sinh những dòng sông

Không dừng ở việc cải tạo các ao, hồ, những năm qua Hà Nội cũng đã lên kế hoạch và triển khai nhiều phương án nhằm hồi sinh các dòng sông chảy qua địa bàn. Năm 2013, thành phố đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, quận Hoàng Mai, nhà máy này sẽ có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của sông Sét và sông Kim Ngưu, khi qua xử lý nước sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn xả nước ra môi trường.

Tháng 10/2016, UBND Hà Nội tiếp tục khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì với kỳ vọng sẽ làm "sống” lại các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Tháng 5/2017, Thường vụ Thành ủy thông qua Nghị quyết số 11 “về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Theo đó, thành phố sẽ hoàn thành việc tách nước thải đưa về hệ thống xử lý tập trung trước khi đổ vào hồ, xử lý tất cả các hồ nội thành và các hồ gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh bị ô nhiễm.

Ngoài ra, để làm sạch sông Tô Lịch, Hà Nội cũng đang thí điểm nhiều công nghệ tiên tiến của nước ngoài để thử nghiệm làm sạch nước sông. Đến nay, các công nghệ này đều có kết quả tích cực, nước sông giảm mùi hôi thối, và lượng ô xy trong nước cũng cao hơn… Thực tế những ngày qua cho thấy, sau khi được bơm 1 triệu m3 nước từ hồ Tây, dòng sông Tô Lịch (Hà Nội) đã đổi màu xanh rêu lạ lẫm, giảm mùi hôi thối và trở nên thơ mộng như những ngày xưa. Ông Nguyễn Văn Sơn sống tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy cho biết: "Lâu lắm mới được thấy dòng Tô Lịch có màu xanh thế này, nhìn rất thích mắt và dễ chịu. Cá nhân tôi và người dân Thủ đô thật sự mong muốn sau này, sông Tô Lịch sẽ trở về dòng sông như nó vốn có trước đây".

Để khôi phục là các dòng sông của Thủ đô, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, đối với các dòng sông trong khu vực nội đô, vấn đề quan trọng nhất của các con sông không có nguồn cấp nước, nhiều đoạn đã bị lấp. Ví dụ sông Kim Ngưu đầu nguồn bắt đầu tư khu vực Hồ Tây nhưng hiện nay đã bị lấp; khu vực đầu đường Trần Khát Chân dấu tích còn lại là một cống nước thải; hay sông Tô Lịch cũng không có nguồn nước để thau rửa.

Năm 2009, Hà Nội đã có đề án dùng nước sông Hồng để "tẩy trắng" sông Tô Lịch nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nói như vậy để thấy, công cuộc “hồi sinh” dòng sông vẫn còn là chặng đường dài. Tuy nhiên, tin tưởng rằng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền Thành phố bằng việc áp dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật; sự đồng tâm, đồng lòng của nhân dân… thời gian không xa, những dòng sông, những hồ ao, hồ của Thủ đô lại được hồi sinh.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này