Thắm mãi màu xanh

09:03 | 31/07/2019
(LĐTĐ) Ai rồi cũng sẽ đi qua thời tuổi trẻ. Cái thời mang theo tình yêu đầu đời và cả bầu trời nhiệt huyết trong tim. Cái thời mà ta vẫn thường gọi là “Thanh xuân”.Với tôi, màu sắc của thanh xuân là màu xanh. Nếu nói 60 năm là một cuộc đời, thì đến lúc vượt ngưỡng bước sang nửa bên kia của cuộc đời, tôi bỗng chợt nhận ra “thanh xuân” của mình sao lại dài đến thế.
tham mai mau xanh Cho nhau một lối đi riêng
tham mai mau xanh Phải chăng em không là định mệnh của tôi

Chẳng biết từ bao giờ cái màu áo xanh ấy luôn chiếm một vị trí rất đặc biệt, nằm gọn trong miền cảm xúc của tôi, để rồi mỗi khi thoáng nhìn thấy cái bóng “xanh xanh” của một ai đó lướt qua lại làm dâng lên trong lòng tôi một cảm giác thương thương, nhớ nhớ đến lạ kỳ.

Suốt thời sinh viên, tôi hoạt động năng nổ trong công tác đoàn thể. Tôi được giao nhiệm vụ phụ trách đội sinh viên tình nguyện. Tháng có ba mươi ngày thì đến hai tám ngày tôi mặc áo xanh. Sau này đi làm, màu áo ấy vẫn theo tôi trên khắp các chặng đường. Và tôi, chưa bao giờ hối hận khi được khoác lên mình tấm áo màu xanh ấy.

Tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm công đoàn. Cha mẹ tôi đều công tác trong tổ chức công đoàn của thị xã, nơi tôi ở trong suốt mười mấy năm. Ngày ấy, mẹ tôi có hai chiếc áo thay nhau mặc đi làm.

Chẳng hiểu sao khi ấy chưa có đồng phục công đoàn như bây giờ nhưng cả hai chiếc áo của mẹ đều màu xanh. Mẹ tôi bảo, mặc áo màu xanh mát, mà có cảm giác gần gũi, thân thiện khi tiếp xúc với anh em cơ sở.

tham mai mau xanh

Tôi còn nhớ như in hồi bé, mỗi buổi chiều ngồi ngóng mẹ đi làm về, cứ thấy cái bóng áo xanh xanh đạp xe từ xa là đoán chắc đấy là mẹ của mình, không chệch đi đâu được, vì cả thôn chỉ có mình mẹ có cái áo màu xanh coban ấy.

Bố mẹ tôi rất bận, thường đi làm từ rất sớm và lúc về thì gần như nhà nào cũng ăn cơm tối rồi. Gia đình tôi thường bắt đầu bữa tối muộn, hôm nào sớm thì cũng tầm 7 giờ.

Và chỉ lúc ăn cơm là gia đình tôi đông đủ nhất. Ăn xong, chị em tôi ngồi vào bàn học cũng là lúc bố mẹ tôi cặm cụi ngồi ghi ghi, chép chép công việc chuẩn bị cho ngày hôm sau. Hồi ấy, tôi cứ thắc mắc mãi một điều mà không dám nói ra: Tại sao cha mẹ tôi lại không chọn một công việc khác nhẹ nhàng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn?.

Như nhà thằng Minh hàng xóm bên cạnh, bố nó làm trong ngành Ngân hàng. Có hôm chị em tôi nhìn trộm qua kẽ liếp, thấy mẹ nó ngồi đếm tiền cả xấp. Hay như nhà cái Hoa, mẹ nó làm ở công ty sản xuất bánh kẹo, thi thoảng lại thấy mẹ nó đem một, hai gói kẹo về cho anh em nó, nhìn thấy mà thèm rỏ dãi.

Có năm, tết công ty mẹ nó thưởng cho cả một thùng to nào bánh, nào kẹo, sướng ơi là sướng. Còn nhà mình, chả thấy bố mẹ đem gì về ngoài công việc. Bằng khen thì treo đầy nhà, hết cả chỗ treo giấy khen của chị em tôi.

Hồi đấy, có lần chị em tôi ngồi lau chùi biển tên phụ giúp bố mẹ để chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ cơ quan ngày hôm sau, bố vừa tỉ mẫn cắt từng mẩu giấy vừa nói bâng quơ với chị em tôi: “Sau này lớn lên, hai đứa đừng theo nghề của bố mẹ nhé. Phấn đấu học hành tử tế rồi làm giáo viên, bác sĩ ấy. Vừa có điền kiện chăm chăm lo cho gia đình vừa có thu nhập khá…”.

“Sau này” ấy, tôi đã không trở thành giáo viên, bác sĩ như lời bố nhắn nhủ. Tôi thành “Người của Tổ chức Công đoàn”. Còn bố mẹ tôi cũng gắn bó với công việc của mình cho đến khi nghỉ hưu mà không nghỉ việc.

Và cho đến hôm nay, sau gần 20 năm sống cùng Tổ chức, chưa một giây phút nào tôi cảm thấy sai lầm về sự lựa chọn của mình. Gia đình tôi, bố mẹ và cũng là những người đồng chí của tôi vẫn luôn âm thầm ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng tôi trên những bước đường tôi đi.

Hoạt động công đoàn đem đến cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Làm công đoàn tuy nghèo về vật chất, nhưng rất giàu tình cảm. Anh em làm công tác phong trào lúc nào cũng nhiệt tình sôi nổi và đặc biệt sống trách nhiệm, tình cảm. Những ai đã, đang là người của Tổ chức công đoàn chắc hẳn cũng sẽ có cảm xúc như vậy.

Nhà văn Lỗ Tấn đã từng viết: “Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Và đường đi của những người làm công tác công đoàn thì không ít chông gai. Tôi còn nhớ những ngày đầu chập chững bước chân vào nghề cảm thấy công việc khó khăn vô cùng.

Trong lúc khó khăn mới thấy được tầm quan trọng của cái gọi là “Tổ chức”. Anh em luôn động viên nhau, cứ tâm niệm một điều: đoàn kết, sẻ chia, cố gắng và cố gắng rồi mọi việc sẽ thành công.

Làm công tác công đoàn có “cái khó” riêng, xuất phát từ đặc thù chăm lo đời sống cho người lao động ở nhiều lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh khác nhau. Muốn họ tham gia vào công đoàn thì phải vận động, tuyên truyền và đảm bảo quyền - lợi ích hợp pháp chính đáng cho họ.

So với các hoạt động phong trào khác thì hoạt động công đoàn khó khăn hơn vì khi chạm đến quyền lợi sẽ không tránh được va chạm. Và muốn phong trào đoàn thể mạnh, phát triển, có điểm nhấn riêng thì người làm công tác công đoàn phải hiểu và yêu công việc đó, muốn gắn bó tha thiết với nó chứ không đơn thuần chỉ là hai chữ “trách nhiệm”.

Những năm tháng hoạt động công đoàn đã giúp tôi gắn bó hơn với đoàn viên, người lao động và mỗi khi làm được cho người lao động một việc gì, dù nhỏ nhất, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc thăng hoa. Khi lắng nghe, chia sẻ, cảm thông và luôn đặt mình vào vị trí của người lao động để biết họ cần gì, để tìm giải pháp tốt nhất bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Giúp được một hoàn cảnh nào đó cảm thấy lòng sung sướng, dễ chịu vô cùng, thấy cuộc đời mình có ích, càng thấy ý nghĩa khi khoác lên mình tấm áo xanh - đồng phục của Tổ chức công đoàn.

Trong những lần “bám” cơ sở, tâm sự với đoàn viên, tôi đã được nghe tâm sự của một nữ đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh gia đình hết sức éo le: Chồng đi làm xa, chẳng may bị tai nạn lao động, chấn thương cột sống phải nằm một chỗ mà không có tiền chữa trị.

Mẹ chồng già yếu lại mắc bệnh tai biến, liệt nửa người, không đi lại được. Anh chồng là con một, gánh nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của chị. Vừa đi làm kiếm tiền lo cho cả gia đình, vừa chăm sóc cả chồng và mẹ chồng, vừa phải nuôi 2 đứa con mới 6 và 8 tuổi ăn học. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Biết được hoàn cảnh của chị, tôi đã cùng với anh em cán bộ công đoàn đến tận nhà thăm hỏi, động viên cả về mặt tinh thần lẫn vật chất. Bên cạnh đó, chúng tôi vận động các tổ chức, đoàn thể ủng hộ, quyên góp giúp đỡ gia đình họ.

Hai cháu bé đã được một doanh nghiệp lớn hỗ trợ học phí cho các cháu đến hết bậc trung học phổ thông. Chồng chị ấy thì được một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật cột sống. Đến hôm nay, trải qua 3 lần phẫu thuật, chồng chị đã có thể tự đi lại mà không cần chống nạng.

Mẹ chồng chị cũng được đưa đi phục hồi chức năng hai tháng một lần theo diện hoàn cảnh đặc biệt. Giờ mỗi lần vào thăm gia đình chị, mẹ chồng chị vẫn nắm chặt tay tôi rưng rưng xúc động. Bà cụ còn bảo: Lâu lâu không thấy cái bóng xanh xanh của tôi là lại thấy nhớ.

Chính những tình cảm đó đã tiếp thêm sức mạnh, động lực để tôi và những người đồng chí của tôi vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Phải chăng đó cũng là lý do mà cha mẹ tôi cho đến bây giờ vẫn sống hạnh phúc, an yên, vẫn nắm tay đồng hành cùng nhau trong tất cả các hoạt động to, nhỏ của mình. Cùng chung chí hướng, cùng chung lý tưởng, chung gia đình, chung mục đích sống. Đấy là hạnh phúc.

Tháng bảy lại về, trong các cơ quan, công sở, nhà máy, xí nghiệp dường như rộn ràng hơn, vui tươi hơn. Có lẽ như lời một ai đó nói: “Ngày của chúng mình mà!”. Phải rồi, sắp đến ngày 28/7, ngày thành lập Tổ chức công đoàn, ngày đáng nhớ của những người làm Công đoàn. Đã 90 năm trôi qua và tình yêu dành cho Công đoàn trong gia đình tôi vẫn vẹn nguyên, son sắc.

Song Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này