Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

08:35 | 13/07/2019
(LĐTĐ) Hiện nay, toàn thành phố có 134 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các chuỗi liên kết đã giúp người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững và tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm đầu ra cho nông sản.  
phat trien cac chuoi lien ket san xuat tieu thu san pham nong nghiep Từng bước sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
phat trien cac chuoi lien ket san xuat tieu thu san pham nong nghiep Hiệu quả từ thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp
phat trien cac chuoi lien ket san xuat tieu thu san pham nong nghiep Tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Ngày 12/7, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức hội nghị giao ban quý II đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản tiếp tục được đẩy mạnh. Hiện nay, toàn thành phố có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có một số mô hình nổi bật như: Nhà máy trồng nấm kim châm theo công nghệ Nhật Bản tại xã Đốc Tín (Mỹ Đức), mô hình sản xuất giống và trồng hoa lan tại xã Đan Hoài (Đan Phượng), mô hình trồng rau thủy canh tại Đa Tốn (Gia Lâm)... Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố.

phat trien cac chuoi lien ket san xuat tieu thu san pham nong nghiep
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao (Ảnh Lương Hằng)

Việc xây dựng, tổ chức các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tiếp tục được thành phố tập trung thực hiện. Đến nay, toàn thành phố có 134 chuỗi liên kết. Các chuỗi liên kết đã giúp người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững và tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, bảo đảm đầu ra cho nông sản... Cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi sau dồn điền, đổi thửa tiếp tục được đẩy mạnh, qua đó hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng cây ăn quả ở Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai; vùng sản xuất rau an toàn tại các huyện Phúc Thọ, Đông Anh, Phúc Thọ, Gia Lâm…

Đối với dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, ngoài bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh khác cơ bản được kiểm soát. Tính đến 9/7, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 27.689 hộ chăn nuôi (chiếm 34,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi), làm mắc bệnh và tiêu hủy 481.649 con lợn (chiếm 25,7% tổng đàn). Đến nay, có 68 xã, phường thuộc 17 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.

Về kết quả xây dựng nông thôn mới, ngoài 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, thành phố đang chỉ đạo 2 huyện (Gia Lâm, Quốc Oai) hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; chỉ đạo huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019; chỉ đạo các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí.

Đối với cấp xã, đến nay toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt trước 2 năm so với mục tiêu đề ra), ngoài ra có 3 xã của Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018 là Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung. Trong 61 xã còn lại chưa đạt nông thôn mới, có 9 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 xã đạt và cơ bản đạt 15-18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.

Từ kết quả phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân khu vực nông thôn được nâng lên rõ nét, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,81%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch tăng lên 57%. Đời sống tinh thần của nhân dân được quan tâm, nhiều địa phương triển khai phong trào đường có hoa, nhà có số... tạo diện mạo nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ: Tiếp tục chỉ đạo, làm tốt công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành; tiếp tục duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng nông sản; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm bảo đảm yêu cầu, hiệu quả.

Trong xây dựng nông thôn mới, tập trung tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy; tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Thành phố phấn đấu năm 2019 tăng thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, về đào tạo nghề... gắn với đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này