Đại tá Nguyễn Tiến Dũng - Người lính cụ Hồ làm nhiều hơn nói

21:38 | 12/07/2019
(LĐTĐ) Biết về anh từ lâu, vậy mà, phải sau rất nhiều lần liên lạc, đặt lịch hẹn trước, tôi mới gặp được Đại tá, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Hậu cần - Quân sự Bệnh viện Quân y 354. Tiếp xúc với anh, tôi thấy mọi người gọi anh là người lính cụ Hồ – làm nhiều hơn nói thật chẳng sai. 
dai ta nguyen tien dung nguoi linh cu ho lam nhieu hon noi Người lính cụ Hồ với tấm lòng sống vì cộng đồng
dai ta nguyen tien dung nguoi linh cu ho lam nhieu hon noi Đại tá Hoàng Đăng Vinh - Bản lĩnh người bộ đội Cụ Hồ
dai ta nguyen tien dung nguoi linh cu ho lam nhieu hon noi Gặp chỉ huy đội “mãnh hổ” tiên phong

"Điểm sáng" của Bệnh viện 354

Bản lĩnh, tự tin là thế, vậy mà khi nói về mình, tôi thấy anh có vẻ ngại ngùng, khiêm tốn. Chắp nối một hồi những câu chuyện, tôi mới biết Đại tá - TS Nguyễn Tiến Dũng sinh ra tại Thanh Trì - Hà Nội, trong một gia đình có bố làm nhà giáo quân đội.

Là "con nhà lính" nên ngay từ nhỏ, cậu bé Dũng đã tự rèn cho mình tính tự lập, tự giác trong học tập, sinh hoạt. Suốt thời gian học phổ thông, Dũng luôn là học sinh giỏi nổi bật của trường. Tốt nghiệp THPT, nối nghiệp người cha mẫu mực, cậu học trò Nguyễn Tiến Dũng quyết định thi vào trường Sỹ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) và đậu thủ khoa.

dai ta nguyen tien dung nguoi linh cu ho lam nhieu hon noi

Đại tá - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng.

Quá trình học tập, rèn luyện tại trường, anh luôn là học viên giỏi toàn diện, nhiều lần được nêu gương. Năm 1989, anh tốt nghiệp loại giỏi, là một trong số ít học viên được phong quân hàm trung uý. Nhận thấy ở người sĩ quan trẻ tuổi có những phẩm chất của người thủ lĩnh, phù hợp với những công việc đòi hỏi sự táo bạo, quyết đoán, nên sau khi ra trường, anh được điều chuyển qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Mỗi môi trường làm việc là một cuộc "thử lửa" giúp người cán bộ hậu cần trẻ tuổi trưởng thành hơn và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quý.

Dù ở môi trường nào, Nguyễn Tiến Dũng cũng tạo được những dấu ấn, được chỉ huy tin tưởng, đồng đội, cấp dưới nể phục. Năm 2008, khi đang làm Trưởng ban Hành chính- Hậu cần Viện U bướu - Phóng xạ Quân đội, Nguyễn Tiến Dũng được cấp trên điều động về làm Chủ nhiệm Hậu cần Bệnh viện Quân y 354, khi anh còn nhiều dự định chưa kịp thực hiện...

Được về công tác tại một Bệnh viện Anh hùng, có truyền thống lâu đời, Nguyễn Tiến Dũng cảm thấy vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy áp lực. Khi nhận bàn giao công việc, nắm bắt khái quát thực trạng công tác hậu cần, anh không khỏi băn khoăn, suy nghĩ, bởi nhận thấy, công tác hậu cần nơi đây hoạt động chưa "xứng tầm" với tầm vóc của Bệnh viện. Nhiều hạng mục doanh trại bị xuống cấp, các bếp ăn của bệnh nhân và nhân viên vắng bóng, tồn đọng kinh phí xây dựng cơ bản từ nhiều năm trước chưa được quyết toán…

Để "vực dậy" mảng công tác vốn được coi là "thứ yếu" nhưng không thể thiếu, tân chủ nhiệm Nguyễn Tiến Dũng quyết định "đột phá" vào khâu tổ chức cán bộ bởi học theo lời dạy của Bác: "Cán bộ là cái gốc của công việc". Những cán bộ có năng lực, tác phong tốt, dù trẻ tuổi, vẫn được anh tin tưởng, giao đảm trách những công việc quan trọng. Cán bộ, nhân viên có biểu hiện lơ là, sao nhãng công việc được anh góp ý chân tình. Chỉ sau thời gian ngắn, guồng máy của Ban Hậu cần Bệnh viện đã hoạt động "trơn tru", hiệu quả hơn hẳn.

Chấn chỉnh xong lề lối làm việc của cơ quan hậu cần, anh tranh thủ dành thời gian giải quyết các công việc tồn đọng từ trước để lại, quyết toán xong toàn bộ số hoá đơn, chứng từ tồn đọng suốt từ 10 năm trước. Sau đó, anh tham mưu cho Đảng uỷ, Ban giám đốc Bệnh viện đổi mới hình thức hoạt động của hệ thống căng tin, nhà ăn; xây dựng, cải tạo lại toàn bộ khu khám bệnh, nhà để xe, nhà tắm…rồi đổi mới cách thức quản lý bếp ăn theo hướng công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm ngon, sạch, rẻ hơn so với bên ngoài.

Để thu hút lượng người ăn, anh bàn bạc với cán bộ, nhân viên tăng cường đổi mới khâu chế biến thực phẩm, thực hiện bữa ăn tự chọn; đồng thời xin trên đầu tư mới toàn bộ dụng cụ cấp dưỡng, bàn, ghế ăn. Kết quả, từ chỗ thưa vắng khách, đến nay các bếp ăn trong Bệnh viện luôn chật kín người ăn. Nhờ triển khai hệ thống điện ưu tiên, tổ chức lắp đồng hồ đo điện đến từng khoa, ban, hơn mỗi năm, toàn Bệnh viện đã tiết kiệm được gần một tỉ đồng tiền điện, nước.

Nhờ công sức của người "thuyền trưởng", công tác Hậu cần của Bệnh viện Quân y 354 cũng có được nhiều thành tựu nổi bật so với trước đây. Từ chỗ là cơ quan "thường thường bậc trung", không có hoạt động, thành tích nổi bật, đến nay, Ban Hậu cần đã trở thành một "điểm sáng" của Bệnh viện, liên tục được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Cá nhân Đại tá, TS Nguyễn Tiến Dũng cũng có được cho mình "bộ sưu tập" thành tích đáng nể với nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần và liên tục được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Thấy tôi liếc nhìn những tấm bằng khen treo kín tường, anh Dũng cười khiêm tốn: " Cũng nhờ có sự chung tay hợp lực của các cán bộ, nhân viên, sự quan tâm của Đảng ủy, chỉ huy Bệnh viện và cấp trên. Nếu chỉ cá nhân mình sẽ chẳng bao giờ có được những thành tích ấy!".

Người không chịu…dừng lại!

Khi trò chuyện với tôi, Đại tá - TS Nguyễn Tiến Dũng thường nhắc đến câu châm ngôn mà anh luôn coi là quan điểm sống của mình: "Tôi đi chậm, nhưng tôi đi suốt đời". Với phương châm sống ấy, nên dù bận rộn với bao công việc, tranh thủ những ngày nghỉ, thời gian rảnh rỗi, anh vẫn miệt mài học tập để thu nạp thêm kiến thức, tích lũy vốn ngoại ngữ. Đến nay, ngoài 2 tấm bằng tốt nghiệp vòng 1, vòng 2 tại Học viện Hậu cần, anh đã kịp "sưu tập" cho mình tấm bằng cử nhân của các trường: Viện Đại học Mở, Đại học Kinh tế Quốc dân. Tháng 9 năm 2015, anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Ngân hàng với đề tài "Ổn định tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam". Phát biểu tại buổi lễ bảo vệ mà anh đạt điểm xuất sắc, giảng viên trực tiếp hướng dẫn đã chia sẻ: Ban đầu, tôi cứ ngỡ Nguyễn Tiến Dũng sẽ bỏ cuộc vì thấy cậu ấy luôn bận rộn. Vậy mà, cậu ấy đã nỗ lực vượt qua, bảo vệ thành công và thuyết phục được toàn bộ hội đồng.

Không chỉ say mê với nghiên cứu, học tập, Nguyễn Tiến Dũng luôn tranh thủ thời gian, sắp xếp công việc để tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội, giúp đỡ các gia đình chính sách. Anh đã hỗ trợ căn nhà tình nghĩa cho bà Ứng Thị Tiến, tại huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Toàn bộ số tiền xây dựng căn nhà do anh tài trợ từ nguồn quỹ của gia đình.

Anh cũng đã có nhiều đợt thiện nguyện tặng quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình và các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi trên địa bàn Bệnh viện đứng chân. Ngoài ra, từ nguồn quỹ của gia đình, anh đã tổ chức các đợt trao học bổng, nhận bảo trợ giúp đỡ các học viên có thành tích xuất sắc của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn và Học viện Ngân hàng. Hàng chục sinh viên học giỏi đã được nhận sự giúp đỡ về tài chính của gia đình Đại tá-TS Nguyễn Tiến Dũng. Nếu khi ra trường, các em có nhu cầu, anh sẵn sàng nhận vào làm tại công ty của gia đình mình hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn mà anh đang tham gia quản lý ngoài giờ hành chính.

Chào anh ra về khi thấy 2 chiếc điện thoại trên bàn của anh rung lên liên tục. Anh bắt tay tôi thật chặt, giọng thân tình: "Thông cảm nhé, mình bận quá". Tôi không thông cảm sao được, vì biết rằng, những con người vừa có tâm, có tài như anh, làm gì cho phép mình có được lúc nào nhàn hạ, thảnh thơi.

P.B

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này