Lương tối thiếu đáp ứng nhu cầu sống tối thiếu:

Còn phải phụ thuộc vào giá

14:30 | 11/07/2019
(LĐTĐ) Chiều 10/7, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động; đề xuất phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2020. Tại Hội thảo, mức sống tối thiểu là một nội dung được nhiều đại biểu đóng góp ý kiến, và đa phần ý kiến đều khẳng định: Lương tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, nếu chỉ kỳ vọng vào tăng lương mà thiếu chính sách vĩ mô về giá thì kỳ vọng lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu ngày càng khó.
con phai phu thuoc vao gia Khởi động đàm phán lương tối thiểu vùng năm 2020
con phai phu thuoc vao gia Mức thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động tăng trung bình từ 9-26%
con phai phu thuoc vao gia Không cắt giảm lương làm thêm, phụ cấp của NLĐ khi thực hiện lương tối thiểu vùng

Lương vẫn chưa đủ sống

Tổ chức Oxfam cùng với Viện Công nhân và Công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mới đây đã thực hiện khảo sát chuyên sâu về cuộc sống của công nhân may ở Việt Nam.

con phai phu thuoc vao gia
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia chủ trì tọa đàm

Kết quả, qua phỏng vấn sâu hơn 88 công nhân; qua 6 thảo luận nhóm ở nhà máy, phỏng vấn sâu với 157 người với đa dạng các đối tượng từ công nhân, đến quản đốc/chuyền trưởng, quản lý cấp cao, cán bộ công đoàn, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội… thậm chí cả thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia và chuyên gia tiền lương; thông qua các tình huống điển hình; đồng thời tham chiếu với tổng quan tài liệu các nghiên cứu đã công bố, cho thấy: Hầu hết công nhân may được phỏng vấn đều có mức lương dưới mức đủ sống, và đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân, gia đình, thậm chí có những lúc bị đói.

Theo Điều 91, Bộ Luật Lao động (2012): “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Nhà nước quy định tiền lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thoả thuận tiền lương và điều tiết thị trường lao động.

Bà Văn Thị Thu Hà - đại diện Tổ chức Oxfam cho biết: Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy rằng 99% người lao động có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Sàn lương châu Á và 74% có mức lương thấp hơn mức lương đủ sống của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu.

Nếu tính cả tiền lương làm thêm giờ, vẫn có hơn 52% công nhân may ở Việt Nam đang được trả mức lương dưới mức của Liên minh Lương đủ sống Toàn cầu, và vẫn cùng con số 99% công nhân có mức lương thấp hơn mức Sàn lương châu Á.

Tuy nhiên, theo bà Hà, rất khó để tính được số tiền mà công nhận được trả cho giờ làm thêm trong tống tiền lương tháng của họ, bởi vì công nhân được trả theo lượng sản phẩm và họ thường không theo dõi chặt chẽ sổ giờ làm thêm của mình. Dựa trên phỏng vấn công nhân, chúng tôi thấy rằng công nhân làm thêm phổ biển ít nhất một giờ mỗi ngày. Tiền làm thêm giờ chiếm khoảng 11-16% thu nhập của họ.

Là người gắn bó với công nhân lao động, tâm huyết, mong muốn nâng cao đời sống, việc làm người lao động, PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - chia sẻ: Hiện nay, người lao động đang bị tha hoá, công nhân lao động đang trở thành nhóm yếu thế do thu nhập thấp. Họ đang là đối tượng sẵn sàng làm những việc nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, thậm chí nhiều lao động nữ đi chửa thuê và đẻ thuê…để có thu nhập.

Ông Thọ kể: Chúng tôi đã đi tìm hiểu ở các khu nhà trọ công nhân gần khu công nghiệp, và chua xót khi biết rằng nhiều nữ lao động phải “kiếm thêm thu nhập” từ dịch vụ chửa thuê và đẻ thuê. Tiếp xúc với một nữ lao động đẻ thuê, chị này cho biết được nhận 12.000 USD, tương đương với khoảng 300 triệu đồng từ việc đẻ thuê.

Câu chuyện này xảy ra ở Đồng Nai cách đây 7-8 năm và hiện nay tại các khu công nghiệp, ông Thọ khẳng định không thiếu những câu chuyện đau lòng này. “Vấn đề mấu chốt là do tiền lương thấp, không đủ sống”, PGS.TS Vũ Quang Thọ khẳng định.

Lương tối thiểu cần tăng thêm khoảng 8%

Từ thực tế đời sống, việc làm của công nhân lao động tại Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội đặt câu hỏi: Với thu nhập phố biến ở mức khoảng 6 triệu đồng, sống tại Thủ đô, liệu gia đình công nhân lao động có đủ sống hay không?

Ông Thắng phân tích, tại TP Hà Nội có 9 khu công nghiệp, nhưng hiện tại mới có Khu công nghiệp Thăng Long có nhà trẻ dành cho con công nhân. Trong khi đó, theo khảo sát mới nhất, Hà Nội hiện có hơn 6 vạn lao động nhập cư, do không có hộ khẩu, không thể gửi con tại trường công, phải gửi con tại trường tư với giá trên 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền gửi thêm trong ngày thứ Bảy do đi làm thêm.

Họ cũng đang phải trả tiền điện giá cao (trên 3.000 đồng/số); mức thuê nhà trọ phổ biến ở mức 1,5-1,8 triệu đồng/tháng. “Đời sống công nhân lao động đều còn ở mức thấp, nên họ luôn mong muốn và cố gắng đi làm thêm ca kíp, để vừa bớt bữa ăn tại gia đình; đỡ phải ở nhà trọ chật chội trong những ngày nắng nóng. Tất cả đều phải tính toán từng đồng, kể cả phí rút tiền lương vài ngàn đồng”, ông Thắng chua xót nói.

Cũng theo ông Thắng, qua khảo sát nguyện vọng từ công nhân lao động, họ đề xuất tăng lương tối thiểu thêm 9% trong năm tới, mới đảm bảo được đời sống cho gia đình.

Còn ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng Ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đề nghị thời gian tới cần xem xét tăng lương thỏa đáng cho công nhân lao động – những người đang từng ngày, từng giờ lao động, sản xuất tạo ra của cải vật chất cho xã hội, thúc đẩy đất nước phát triển.

Họ cần được đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình bằng đồng lương, thu nhập từ chính công việc của họ, cần được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần tối thiểu, nhất là trong điều kiện thời đại số hóa như hiện nay”. Theo đó, ông Đô đề xuất Hội đồng tiền lương quốc gia nên xem xét tăng lương từ 8-10% trong năm tới để đảm bảo cuộc sống người lao động.

Phát biểu về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhấn mạnh: Để có căn cứ đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020, vấn đề quan trọng là xác định được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ quan chính thức được pháp luật quy định có thẩm quyền nghiên cứu và chính thức công bố mức sống tối thiểu của người lao động, mà nhiệm vụ này đang được giao cho bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán để tham khảo. Trong khi đó, kết quả tính toán này không dễ được các bên chấp nhận.

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh thêm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần tính toán, căn cứ dựa trên Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII); tình hình phát triển kinh tế - xã hội (GDP tăng khoảng 7%; CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%)...

“Nếu doanh nghiệp trả lương thấp, người lao động sẽ bỏ đi và ngược lại nếu đảm bảo đời sống cho gia đình họ, doanh nghiệp sẽ giữ chân được người lao động. Tuy nhiên, người lao động đi làm không sống cho bản thân, mà họ còn có gia đình, cần tính toán đến tương lai của người lao động và con cái họ”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khuyến nghị.

Vẫn biết lương tối thiếu chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu và tăng lương là vấn đề tất yếu. Song câu chuyện đặt ra ở đây, nếu mỗi lần tăng lương đối với một lao động khoảng 200 - 300 nghìn đồng/tháng; thậm chí tăng thêm 1 triệu đồng mà bài toán giá cả không được giải quyết thì không chỉ công nhân, tất cả lao động hiện nay đều khó sống được bằng lương.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này