Khi một số lao động vẫn chờ... trợ cấp thôi việc

10:03 | 02/07/2019
(LĐTĐ) Một số lao động đã nghỉ việc tại Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam (địa chỉ: Tổ 18, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) phản ánh, sau 4 năm, Công ty vẫn chưa chi trả chế độ trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động, khiến đời sống của họ gặp nhiều khó khăn,…  Mặc dù, người lao động đã nhiều lần gửi đơn đề nghị Công ty thanh toán nhưng chưa được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
khi mot so lao dong van cho tro cap thoi viec Thời gian được tính, được hưởng ra sao?
khi mot so lao dong van cho tro cap thoi viec Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc?
khi mot so lao dong van cho tro cap thoi viec Nghỉ hưu có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Cụ thể, trao đổi với PV Lao động Thủ đô, bà Lê Thị Hằng (trú tại tổ 13, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) – là công nhân đã nghỉ việc tại Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam, cho biết: Tháng 3/2015, bà Hằng làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động và được Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam đồng ý. Đến ngày 1/7/2015, bà Hằng chính thức được Phòng Hành chính – Tổng hợp của Công ty trao quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động và sổ bảo hiểm.

khi mot so lao dong van cho tro cap thoi viec
Bà Lê Thị Hằng nhiều lần đề nghị nhưng chưa được Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc.

Tại Điều 2 của Quyết định số 152/QĐ-TGĐ ra ngày 8/6/2015 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Hằng ghi rõ: “Bà Lê Thị Hằng có thời gian làm việc tại Công ty từ tháng 9/1981 đến tháng 12/2008 là 27 năm 4 tháng, được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động là: 1.150.000 đồng x 4,40 x (27 năm x 0,5) = 68.310.000 đồng (sáu mươi tám triệu, ba trăm mười ngàn đồng). Thế nhưng, suốt từ đó đến nay, Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam vẫn chưa thanh toán chế độ trợ cấp thôi việc như đã ghi trong quyết định.

“Tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị Tổng Giám đốc Công ty thanh toán nhưng chỉ nhận được câu trả lời là do khó khăn, lúc thì đẩy do hội đồng quản trị. Việc Công ty chậm chi trả trợ cấp thôi việc khiến cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó tôi được biết, Công ty đã giải quyết quyền lợi cho một số cán bộ cũng nghỉ chế độ như tôi là ông Nguyễn Quyết Thắng lúc bấy giờ là phó tiến sĩ, Bí thư Đảng ủy; ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên; ông Chu Văn Hảo, nhân viên bảo vệ.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động

Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2012, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. Như vậy, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán các khoản lương, thanh toán bằng tiền cho những ngày nghỉ hàng năm mà người lao động chưa nghỉ hết, trợ cấp, trả lại sổ bảo hiểm xã hội, giấy tờ khác đã giữ cho người lao động trong thời hạn pháp luật quy định.

Người lao động cũng phải thực hiện những nghĩa vụ nếu có. Trong trường hợp trên, đã hơn 4 năm công ty chưa thanh toán trợ cấp thôi việc, như vậy, công ty đã không thực hiện các quy định của pháp luật bắt buộc phải làm khi chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy, người lao động có thể cùng viết đơn yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải vụ việc.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng bên phía công ty không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì người lao động có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

(Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Thiết nghĩ, cùng làm việc trong Công ty tại sao Ban lãnh đạo Công ty lại có sự phân biệt đối xử giữa lao động nam và lao động nữ; giữa lao động trưc tiếp với lao động gián tiếp, giữa cán bộ với công nhân lao động. Thật là không công bằng…”, bà Hằng bức xúc.

Một lao động khác từng có nhiều năm làm việc tại Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam cũng rơi vào tình trạng tương tự là bà Đàm Thị Cộng. Theo Quyết định số 153/QĐ-TGĐ về việc chấm dứt hợp đồng lao động thì bà Cộng có thời gian làm việc tại Công ty từ tháng 2/1984 đến tháng 12/2008 là 24 năm 11 tháng, được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động là: 1.150.000 đồng x 4,40 x (25 năm x 0,5) = 63.250.000 đồng (sáu mươi ba triệu, hai trăm năm mươi ngàn đồng). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bà Cộng cũng chưa được Công ty thanh toán chế độ trợ cấp thôi việc.

Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình, đầu tháng 1/2019, bà Lê Thị Hằng và Đàm Thị Cộng đã gửi đơn đến Phòng Lao động – Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Đông Anh nhờ can thiệp, hỗ trợ giải quyết.

Theo tìm hiểu của PV, ngay sau khi nhận đươc đơn phản ánh người lao động, đại diện Phòng LĐ-TB&XH và LĐLĐ huyện Đông Anh đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam (trực tiếp là Tổng Giám đốc Vũ Ngọc Tú và Chánh Văn phòng Công ty Đặng Quốc Hải).

Tại Biên bản làm việc hồi 14h30 ngày 17/1/2019, sau khi đại diện Phòng LĐ-TB&XH và LĐLĐ huyện Đông Anh có ý kiến về việc “bà Lê Thị Hằng và Đàm Thị Cộng từ lúc nghỉ việc (ngày 1/7/2015 đến ngày 17/1/2019) chưa được nhận trợ cấp thôi việc đã được ghi rõ trong quyết định nghỉ hưu” thì ông Vũ Ngọc Tú cho rằng “căn cứ vào tình hình sản xuất kinh doanh hiện tại của công ty nên công ty tạm thời chưa chi trả tiền đền bù cho người lao động… Nếu Hội đồng quản trị thay đổi Nghị quyết và cho chỉ đạo, Công ty sẽ giải quyết”.

Tại cuộc làm việc trên, đại diện Phòng LĐ-TB&XH và LĐLĐ huyện Đông Anh đã đề nghị Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam phản ánh và có ý kiến lên Hội đồng quản trị để giải quyết chế độ thôi việc cho người lao động (chậm nhất trước ngày 24/1/2019). Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam vẫn chưa giải quyết quyền lợi cho bà Lê Thị Hằng và Đàm Thị Cộng. Mặc dù sau đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh liên tiếp có văn bản gửi Giám đốc Công ty đề nghị giải quyết chế độ cho người lao động. Trong đó, văn bản gần đây nhất là ngày 25/6/2019.

Trao đổi với PV Lao động Thủ đô, đại diện Phòng LĐ-TB&XH và LĐLĐ huyện Đông Anh cho biết, trước đây trên địa bàn huyện Đông Anh có một số doanh nghiệp chậm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho người lao động nhưng sau khi các cơ quan chuyên môn làm việc, giải thích doanh nghiệp đều đã chi trả đầy đủ quyền lợi cho người lao động.

Hiện tại, chỉ còn Công ty Cổ phần Nồi hơi Việt Nam hiện vẫn chưa thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Sắp tới, nếu phía Công ty vẫn không hợp tác để giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động thì Phòng LĐ-TB&XH và LĐLĐ huyện Đông Anh sẽ hướng dẫn người lao động khởi kiện ra Tòa án.

Báo Lao động Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Nhóm PVPL

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này