Người dân phải được dùng thực phẩm sạch như hàng xuất khẩu

10:19 | 28/06/2019
(LĐTĐ) Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) tổ chức tại trụ sở Chính phủ vào sáng qua (27/6). 
nguoi dan phai duoc dung thuc pham sach nhu hang xuat khau Hà Nội: Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm
nguoi dan phai duoc dung thuc pham sach nhu hang xuat khau Nhiều siêu thị, cửa hàng ghi điểm vì sử dụng lá chuối để gói rau
nguoi dan phai duoc dung thuc pham sach nhu hang xuat khau Tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, công tác an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là việc thanh, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có liên quan.

nguoi dan phai duoc dung thuc pham sach nhu hang xuat khau

Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển 1.261 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, 1.456 sản phẩm và 3.177 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Các chuỗi cung ứng có sự tham gia của 100 hợp tác xã, 250 công ty, một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop…).

Các cấp hội liên hiệp phụ nữ tiếp tục xây dựng các mô hình phụ nữ cam kết thực hiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn. Nhiều tỉnh đã lựa chọn ý tưởng từ hoạt động khởi nghiệp để hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng các điểm kinh doanh, buôn bán thực phẩm an toàn và các mô hình kinh tế tập thể như: Tổ phụ nữ cung cấp dịch vụ nấu cỗ ATTP, mỗi hộ có 1 vườn rau xanh, chi hội phụ nữ trồng rau sạch…

Trong 6 tháng đầu năm 2019, qua kiểm tra 347.503 cơ sở trên toàn quốc đã phát hiện 56.816 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, đã xử lý 9.717 cơ sở (chiếm 17.01% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 8.409 cơ sở với số tiền phạt trên 24,2 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, như Bộ Y tế xử phạt hành chính 38 cơ sở với 54 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt gần 2,4 tỷ đồng. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.256 vụ, xử lý 2.103 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng, trị giá tang vật thu giữ hơn 9,6 tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp đã tổ chức 1.216 hội nghị, hội thảo, tập huấn về chất lượng, ATTP cho 35.314 lượt người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hoạt động thông tin, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên chứ không chỉ tập trung vào dịp lễ, tết, tháng hành động vì ATTP.

Bộ Y tế tiếp tục phối hợp triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã ở 9 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Ngành y tế đào tạo được 3.000 cán bộ thanh tra liên ngành, nhưng một số tỉnh như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai chưa mở các lớp đào tạo. Bên cạnh đó, các địa phương đã đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATTP.

Trong đó phát hiện vi phạm của 56.816 cơ sở trên tổng số 347.503 cơ sở được kiểm tra. Xử phạt hành hành chính 8.409 cơ sở với số tiền trên 24,2 tỷ đồng, áp dụng hình thức xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, tiêu huỷ sản phẩm, đình chỉ lưu hành sản phẩm không đạt yêu cầu ATTP. Đến nay, toàn quốc có 182 phòng kiểm nghiệm thực phẩm của ngành y tế và nông nghiệp; 198 cơ sở được chỉ định.

Trong tổng số 116.017 mẫu thực phẩm được xét nghiệm, có 11.305 mẫu không đạt chỉ tiêu lý hoá, vi sinh. Về tình hình ngộ độc thực phẩm trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận 32 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 794 người mắc, 785 người đi viện, 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 10 vụ, 288 người mắc, 101 người đi viện và 7 người tử vong.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nói rõ những hành vi vi phạm ATTP và xử lý nghiêm. Đã đến lúc cần làm sao để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu. Muốn thế, cần lựa chọn thực hiện thí điểm trước hết tại các thành phố, đô thị lớn là những nơi tiêu thụ lượng lớn thực phẩm.

Cạnh đó, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin liên quan đến giao dịch điện tử, quảng cáo trên mạng. Đơn cử việc xử lý tình trạng quảng cáo sản phẩm thực phẩm trên mạng, đặc biệt là thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khoẻ, cần có công cụ quét tất cả các sản phẩm, so sánh với danh sách sản phẩm được cấp phép, nếu có vi phạm thì cảnh báo và xử lý ngay.

“Các bộ ngành tiếp tục tăng cường phối hợp, gần nhất là khẩn trương vận hành hệ thống báo cáo trực tuyến thông tin ATTP của Bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNT, các địa phương để cập nhật, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, chỉ đạo kịp thời. Phần nào các đồng chí đã thống nhất được thì đưa vào ngay, không chờ xong toàn bộ. Ngoài việc phục vụ công tác quản lý nhà nước, điểm rất quan trọng là hệ thống thông tin ATTP phải huy động cả xã hội tham gia vào.

Cùng với doanh nghiệp, vấn đề làm sao để cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm lớn thì làm sao để một người nông dân, một quán ăn đều có thể dễ dàng đưa thông tin về các loại rau, quả, thịt, cá, đồ ăn lên hệ thống, có địa chỉ rõ ràng. Còn người tiêu dùng cũng thuận lợi chia sẻ thông tin về những loại thực phẩm, cửa hàng an toàn, phát hiện vi phạm ATTP, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

P.V

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này