Chung tay giữ gìn di sản kiến trúc đô thị:

Kỳ 1: Di sản giữa bủa vây đô thị

17:51 | 13/06/2019
(LĐTĐ) Không chỉ góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của một quốc gia, một thành phố, không gian di sản còn mang dấu ấn về quá khứ và những hồi ức của những con người gắn với di sản ấy. Khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, tình trạng xâm hại và phá hoại di sản ngày càng nhiều, không gian di sản ngày càng mất đi kiến trúc và giá trị nguyên bản, xóa nhòa đi dấu ấn của quá khứ.
chung tay giu gin di san kien truc do thi di san giua bua vay do thi ky 1 Di sản văn hóa Việt Nam: Kết tinh những tinh hoa truyền thống
chung tay giu gin di san kien truc do thi di san giua bua vay do thi ky 1 Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Tôn vinh di sản áo dài Việt

Trong thế giới tự nhiên, cuộc đấu tranh sinh tồn luôn diễn ra vô cùng quyết liệt. Cũng như hàng ngàn vạn thực thể trên trái đất, di sản cũng phải trải qua những thăng trầm của thời gian, lịch sử và thời đại để tồn tại.

Không gian tự nhiên mà Hà Nội hiện nay sở hữu một lượng rất lớn những giá trị di sản. Đó là kết quả của quá trình chuyển hóa, đấu tranh và sinh tồn để tiếp nối theo dòng chảy lịch sử. Tuy nhiên không hẳn là chưa từng đứng trước những nguy cơ và thách thức.

chung tay giu gin di san kien truc do thi di san giua bua vay do thi ky 1
Ga Hà Nội, một công trình di sản kiến trúc đặc trưng của Thủ đô. (ảnh: Tuấn Dũng)

Còn nhớ vào năm 2014, di tích quốc gia chùa Sổ thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội được phát hiện khi hiện trường của chùa giống một đống đổ nát sau chiến tranh. Từng đám ngói đổ vỡ chồng lên nhau. Ngói rơi còn làm sập một hương án cổ đã vài trăm năm tuổi. Trong khi đó, theo nguyên tắc trùng tu, những viên ngói này phải được chuyền tay chuyển xuống để phân loại, trước khi quyết định có được tái sử dụng hay không. Trùng tu mà như phá khiến di sản không kịp trở tay, đứng giữa gianh giới mong manh của “sống” và “chết”.

Năm 2016, Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sững sờ khi tại chùa Hương, một tòa nhà 3 tầng có tên Hương Nghiêm pháp đường được xây dựng không phép với nhiều trang trí, kiến trúc xa lạ với kiến trúc chùa Việt. Chẳng hạn, để ngăn gian, người ta dùng cửa lửng - hình ảnh thường thấy ở các... quán rượu trong phim Mỹ.

Năm 2017, Trưởng nhóm Đình làng Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình đã tá hỏa khi nhìn thấy những mảng chạm ở đền Gióng bị sơn đỏ lòe loẹt. Sơn son thếp vàng sai cả thủ tục lẫn kỹ thuật đã làm hỏng toàn bộ các mảng chạm cũng như vì kèo của di tích quốc gia đặc biệt đền Gióng.

Điều đáng nói hơn, nhiều công trình sau khi phát hiện sai phạm đã rơi vào tình trạng không thể vãn hồi. Hương Nghiêm pháp đường ở chùa Hương giờ vẫn đứng sừng sững và không thể hoàn trả nguyên trạng. Sau khi bị sơn thếp, di tích quốc gia đền Gióng đã không thể phục hồi như cũ. Đó là những di tích đền chùa, còn ngay trong đô thị, những công trình di sản cũng bị “phá” hỏng theo nhiều cách khác nhau.

Nhà hát lớn là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền, gần hồ Hoàn Kiếm và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam. So với các nhà hát ở thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng, Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thành phố Hà Nội. Năm 2015, di tích quốc gia đặc biệt này bỗng nhiên được xây mới và có màu vàng chóe không liên quan đến di tích gốc.

Năm 2015, đề xuất phát triển nhà cao tầng xung quanh ga Hà Nội được đem ra bàn cãi và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Sở dĩ việc xây dựng khu đô thị ga Hà Nội có nhiều tranh luận vì đây là khu nằm ở vùng lõi Thủ đô với mật độ đô thị đã khá cao. Kết cấu không gian khu vực này gắn liền với những ngôi nhà Pháp cổ rất đẹp nên nếu thay thế bằng những tòa nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn kết cấu không gian lịch sử. Tuy nhiên không phải công trình nào cũng có được may mắn như Ga Hà Nội.

“Xu thế siêu thị hóa, tái cấu trúc các chợ Đồng Xuân, Hàng Da… là thất bại về văn hóa”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định. “Chính sự tích tụ giá trị văn hóa mới tạo nên vị thế thương hiệu của chợ” và “Mái chợ Đồng Xuân”, theo quan sát ảnh các công trình kiến trúc cùng thời, là công trình dàn thép lợp tôn đầu tiên ở Hà Nội. Đặc biệt, do khẩu độ giữa các cột lớn nên việc tối ưu hóa dầm thép là một thành công”. Nhà sử học cho rằng, hiện tại Hà Nội được mở rộng gấp 3 và đang đứng trước thử thách lớn trong việc bảo tồn di sản trên một mặt bằng quá rộng. Chợ Đồng Xuân, trước là chợ Cầu Đông nổi tiếng với những cửa hàng nối dài dọc tuyến phố đang dần mất đi vị thế giao thương quan trọng.

Hà Nội có tiếng nói bảo tồn di sản đô thị mạnh mẽ nhất trong tất cả các thành phố khác trên cả nước nhưng cũng là nơi chịu nhiều thách thức - nơi luôn luôn phải tranh chấp giữa bảo tồn và phát triển. Đã có thời kỳ, phố cổ Hà Nội được đưa vào danh mục xóa sổ để thay thế bằng những tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, cho đến nay, phố cổ Hà Nội vẫn đang tồn tại như một thực thể sống mạnh mẽ, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm bởi nét kiến trúc cổ kính, đời sống văn hóa tinh thần phong phú, mang nét đặc trưng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nghiên cứu về phố cổ Hà Nội từ những năm 1982 - 1983, GS. TS. Kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông cho biết, “Những năm 80 của thế kỷ trước, người ta coi phố cổ Hà Nội không có giá trị, thậm chí người ta sẵn sàng bỏ đi để xây khu tập thể. Nói một cách kỹ hơn, người ta làm cầu Chương Dương là để làm một con đường đi qua phố cổ, đi thẳng vào Hoàng Thành. Đến năm 1990, từ những bài học của các quốc gia khác tại Đông Nam Á, người ta bắt đầu tỉnh ngộ. Tuy nhiên, đó là cả một quá trình thay đổi về nhận thức của chính quyền và người dân. Để bây giờ, phố cổ Hà Nội vẫn tồn tại cổ kính, mang hơi thở của thời đại”

Nhìn nhận lại giá trị di sản trong phát triển hiện đại, các chuyên gia kiến trúc đô thị cho rằng, Hà Nội đang có bước đi ngoạn mục khi thực hành việc bảo tồn, hình thành nên chính sách đặc thù - đó chính là bảo tồn di sản văn hóa trong đô thị hiện đại với sự tham gia của cộng đồng. Đơn cử như dự án phố đi bộ tại Hồ Gươm, tranh bích họa tại phố Phùng Hưng là tín hiệu cho thấy thử nghiệm về phố nghệ thuật đang khích lệ giải pháp bảo tồn di sản, làm cho sức sống di sản mạnh mẽ hơn, cuộc sống tinh thần của người dân Hà Nội nói riêng ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, các dự án đã kích hoạt hoạt động thương mại, du lịch rất tốt, tạo nên hình ảnh một Hà Nội mới với di sản, phù hợp với sinh hoạt hiện đại, tạo nên sức hút, một không gian nghỉ dưỡng, vui chơi lành mạnh của các thế hệ.

Bảo Thoa

Kỳ 2: Bảo vệ di sản cần cụ thể và quyết liệt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này