Công nhân viên chức lao động Thủ đô:

Nhiều đóng góp tâm huyết vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

16:36 | 06/06/2019
(LĐTĐ) Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) hiện đang được Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Với trách nhiệm của mình trước việc xây dựng một Bộ Luật tác động trực tiếp tới người lao động, các cấp công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đã tích cực đưa ra nhiều ý kiến đóng góp sửa đổi Bộ luật Lao động.  
nhieu dong gop tam huyet vao du thao bo luat lao dong sua doi Nhiều lao động phải làm thêm giờ, tăng ca vượt quy định
nhieu dong gop tam huyet vao du thao bo luat lao dong sua doi Chỉ khi người lao động đồng ý mới được huy động làm thêm giờ
nhieu dong gop tam huyet vao du thao bo luat lao dong sua doi Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Xây dựng thang lương, bảng lương nên lấy ý kiến cơ quan đại diện NLĐ

Liên quan thiết thân nhất tới đời sống người lao động nên vấn đề tiền lương thu hút sự quan tâm chú ý và đóng góp ý kiến của đông đảo cán bộ công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định về tiền lương như sau: Tiền lương tối thiểu được xác định và điều chỉnh căn cứ vào các yếu tố sau: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa lương tối thiểu và mức lương phổ biến của người lao động trên thị trường; Chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; Quan hệ cung cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; Khả năng chi trả của doanh nghiệp.

nhieu dong gop tam huyet vao du thao bo luat lao dong sua doi
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ TP Hà Nội tổ chức

Doanh nghiệp được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có xây dựng thang bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương) và thực hiện trả lương cho người lao động trên cơ sở năng suất, hiệu quả và mức độ đóng góp của họ. Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện tập thể lao động tăng cường thỏa thuận, thương lượng về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ đãi ngộ nhằm bảo đảm lợi ích tốt hơn đối với người lao động.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cho biết, qua tổng hợp của LĐLĐ Thành phố, đa số ý kiến cán bộ công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô đồng ý quan điểm bảo đảm tiền lương tối thiểu ở mức đáp ứng được mức sống tối thiểu và cải thiện đời sống người lao động bằng việc sửa đổi khái niệm tiền lương tối thiểu được xác định căn cứ vào mức sống tối thiểu.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và tổ chức của người lao động được thành lập theo quy định tại các Điều 172, 173, 174 Bộ luật này.

Tổ chức đại diện của người lao động được thành lập theo Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn và theo quy định tại các Điều 172, 173, 174 Bộ luật này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động”.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô thống nhất bổ sung thêm thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực lao động tiền lương bên cạnh các thành viên như quy định của pháp luật hiện hành, có thể nghiên cứu mô hình: Hội đồng tiền lương quốc gia do đại diện cơ quan quản lý nhà nước làm Chủ tịch, các bên còn lại là thành viên đại diện giới chủ, đại diện người lao động và các chuyên gia độc lập, không cơ cấu đại diện cơ quan quản lý nhà nước là thành viên( ngoài Chủ tịch Hội đồng).

Các cấp công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô cũng thống nhất quy định theo hướng hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào quan hệ của các bên trong thị trường lao động; tạo điều kiện để doanh nghiệp có quyền chủ động trong quản trị doanh nghiệp liên quan đến việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trong sản xuất kinh doanh; nâng cao sự chủ động thỏa thuận, thương lượng giữa đại diện người lao động và người sử dụng lao động để quyết định thang lương, bảng lương và định mức lao động tuy nhiên cần có lộ trình và bước đi phù hợp; đồng thời, cần quy định có sự tham gia thỏa đáng của tổ chức đại diện người lao động trong quá trình xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động, chứ không chỉ là “tham khảo ý kiến” có tính chất hình thức như hiện nay, nên là “lấy ý kiến”.

Đặc biệt, các cấp công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô đề nghị bổ sung vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi quy định giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm.

Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng tại doanh nghiệp

Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam là vấn đề hết sức mới mẻ, chưa có tiền lệ và tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Vì vậy, việc quy định về tổ chức và hoạt động của “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” trong Bộ luật Lao động sửa đổi phải quán triệt đầy đủ, đúng đắn Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.

Đó là phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức người lao động tại doanh nghiệp; tăng cường quản lý có hiệu quả hoạt động của tổ chức người lao động; tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng pháp luật, phù hợp với các nguyên tắc của ILO, đồng thời giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo vai trò lãnh đạo cách mạng của gia cấp Công nhân Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, các cấp công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô thống nhất phương án được xây dựng trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) theo hướng chỉ quy định mang tính nguyên tắc và những nội dung bắt buộc phải quy định ở văn bản luật do liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo đúng tinh thần của Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013.

Các nội dung về điều kiện, thủ tục, hồ sơ đăng ký thành lập, việc thu hồi đăng ký của tổ chức đại diện người lao động ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, cũng như về quyền liên kết giữa các tổ chức để thành lập ra các tổ chức đại diện người lao động cấp trên cơ sở, sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự linh hoạt, có thể điều chỉnh khi cần thiết cho phù hợp với nhu cầu quản lý nhà nước đối với một vấn đề hoàn toàn mới trong bối cảnh quan hệ lao động có sự thay đổi khó lường. Các cấp công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đề nghị, quy định trong Dự thảo cần tiếp tục được rà soát để đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ, chuẩn xác, tránh gây nhầm lẫn giữa tổ chức công đoàn cơ sở thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện người lao động không thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Theo đó, công đoàn cơ sở thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tổ chức của người lao động khác được thành lập theo quy định của Bộ luật Lao động. Nhưng quy định tại các Điều 172,173,174 trong dự thảo hiện nay có thể gây nhầm lẫn về đối tượng điều chỉnh.

Do vậy, Điều 171: “Tổ chức đại diện người lao động tại sơ sở” cần được quy định rõ hơn như sau: “Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam và tổ chức của người lao động được thành lập theo quy định tại các Điều 172, 173, 174 Bộ luật này.

Tổ chức đại diện của người lao động được thành lập theo Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn và theo quy định tại các Điều 172, 173, 174 Bộ luật này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động”.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này