Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình: Nên thực hiện sớm song bảo đảm hài hòa các yếu tố

Bài 1: Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng

08:11 | 05/06/2019
(LĐTĐ) Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận và kỳ họp lần thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là bài toán dễ giải với bất cứ quốc gia nào, bởi xác định đúng tuổi nghỉ hưu cần dựa trên các nguyên tắc bảo đảm sự phát triển hài hòa kinh tế - chính trị - xã hội, phù hợp với xu thế phát triển về nhân khẩu học, về tâm sinh lý học, về bình đẳng giới cũng như về sức khỏe và đặc điểm của điều kiện lao động trong từng nhóm ngành nghề…
bai 1 cu the hoa nghi quyet cua dang Từ 1/6: Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thay đổi tên miền truy cập
bai 1 cu the hoa nghi quyet cua dang Thành phố vào cuộc cùng doanh nghiệp tháo gỡ nợ đọng bảo hiểm xã hội

Sau gần 25 năm thực hiện Bảo hiểm xã hội (BHXH) theo mô hình tập trung, thống nhất, trước những yêu cầu cấp thiết phải xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Nghị quyết nêu rõ: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

bai 1 cu the hoa nghi quyet cua dang

Báo Lao động Thủ đô phối hợp vơí LĐLĐ huyện Hoài Đức tuyên truyền về chính sách BHXH

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực".

Theo tinh thần này, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phù hợp quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, bảo đảm hài hòa cung - cầu lao động, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Mặt khác, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần tính đến bảo vệ nhóm lao động yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.

Việc điều chỉnh nào cũng cần bảo đảm tính khả thi trong thực thi các điều kiện, tiêu chuẩn lao động; bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, tại Tờ trình Bộ Chính trị về Đề án cải cách chính sách BHXH, Ban cán sự Đảng Chính phủ đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 và thực hiện kể từ năm 2021 với lộ trình phù hợp. Cụ thể hóa các nội dung này, tại Dự án Bộ luật Lao động Sửa đổi, Chính phủ đã đề xuất hai phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:

Phương án 1: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Việc hoàn thiện và trình Quốc hội cho ý kiến về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này, chính là nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế, về cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách BHXH và kiến tạo khung pháp luật về lao động, nhằm phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ths. Dương Ngọc Ánh

Cần đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến từ người lao động

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với việc xem xét để tăng tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi Bộ luật Lao động lần này theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: Đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, đối với những tượng này, phải đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp từ người lao động; giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng, hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn từ 7-10 năm so với quy định. Cần hết sức cân nhắc khi xem xét vấn đề này để tránh những phản ứng chính sách từ người lao động như đã từng xảy ra trong thực tế.

N.Lan (Lược ghi)

Bài 2: Góc nhìn từ thực tiễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này