Khi tham gia giao thông: Nói không với rượu bia

17:22 | 16/05/2019
(LĐTĐ) Tai nạn giao thông ngày nào cũng xảy ra với nhiều mức độ và nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, đáng tiếc và ám ảnh nhất với nhiều người là các vụ tai nạn do tài xế say xỉn gây ra. Thảm kịch ập đến với nhiều gia đình khi “ma men” ngồi phía sau vô lăng cướp đi sinh mạng người thân của họ. Những đứa trẻ bỗng mồ côi cha mẹ, những người chồng, người vợ mất đi chỗ dựa tình cảm, sẻ chia trong cuộc sống... 
khi tham gia giao thong noi khong voi ruou bia Tử vong do TNGT dịp nghỉ lễ chưa giảm sâu: Nhìn từ ý thức giao thông
khi tham gia giao thong noi khong voi ruou bia Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông: Giảm thiểu mọi rủi ro
khi tham gia giao thong noi khong voi ruou bia Nói không với sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông

Đằng sau cụng ly là… gây ra không ít cái chết vô tội

Đã có không ít những phân tích của nhà chức trách, các chuyên gia và báo chí đề cập về vấn đề tai nạn giao thông ở nước ta. Các nghiên cứu, phân tích chỉ ra rằng: Có nhiều nguyên nhân, gồm cả khách quan và chủ quan.

khi tham gia giao thong noi khong voi ruou bia
Đã uống bia, rượu là không lái xe (Ảnh minh họa)

Song, nguyên nhân chủ quan được đề cập nhiều hơn cả, đó là văn hóa và ý thức tham gia giao thông của cộng đồng chưa cao, là hành vi coi thường pháp luật hoặc các biện pháp răn đe của pháp luật chưa đủ nghiêm dẫn đến không ít người tham gia giao thông vẫn còn coi thường tính mạng của chính mình và người khác... Trong đó, vấn đề rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông, hành vi uống rượu bia mà vẫn tham gia giao thông là tội ác, “ma men” đã cướp đi mạng sống của không ít các nạn nhân.

Người đàn ông sử dụng rượu bia trong buổi họp lớp nhưng vẫn ngồi sau vô lăng tông tử vong 2 người phụ nữ ở hầm Kim Liên, Hà Nội vào tối ngày 1/5.Tài xế uống 5 - 7 cốc bia vẫn cầm lái ôtô gây tai nạn liên hoàn và cái chết thương tâm cho nữ công nhân vệ sinh tại đường Láng, Hà Nội tối 22/4. Càng thương xót cho các nạn nhân của 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây, dư luận càng phẫn nộ với tài xế gây ra nỗi đau cho người khác.

Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông - Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Những con số thống kê làm chúng ta không khỏi giật mình.

Vì rượu bia và tai nạn giao thông dường như có liên quan mật thiết với nhau. Thống kê cho thấy những nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông phần lớn là nạn nhân của đối tượng sử dụng rượu, bia hoặc trước đó có sử dụng rượu, bia.

Những đứa trẻ bỗng bơ vơ vì mất mẹ. Những gia đình bỗng mất đi chỗ dựa tình cảm, sẻ chia trong cuộc sống... Tất cả nỗi bất hạnh ập đến chỉ vì con “ma men” ngồi phía sau vô lăng. Nhiều người khi hồ hởi cụng ly, để vui trong phút chốc mà không nghĩ có thể một lúc sau, mạng sống của một bà mẹ nghèo, ông bố đi làm thuê nuôi cả gia đình, cô cậu sinh viên tương lai đang phơi phới hay đứa trẻ vô tội nào đó... bị cướp đi. Khi ấy, những câu “ân hận”, “xin lỗi”, “giá như” hay sự bù đắp bằng tiền bạc... không thể khỏa lấp nỗi mất mát quá lớn cho thân nhân người bị nạn.

Ý thức kém

Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, theo thống kê chưa đầy đủ, thời gian gần đây có tới 65 - 70% vụ tai nạn giao thông mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn.Trên các bàn nhậu, bàn tiệc, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết, không khó bắt gặp cảnh tượng mời mọc, nài ép, thậm chí khích bác nhau uống bằng được.

Người được mời vì nể nang, ngại từ chối hay thậm chí không muốn khước từ, cứ thế dốc cạn chén này sang chén khác. Họ coi đó là thước đo khí chất, bản lĩnh hay tình cảm anh em, bạn bè. Hình ảnh ép nhau uống rượu, bia quen đến mức nó đã trở thành thứ “văn hóa” xấu xí, kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông, án mạng, bạo lực.

Tác hại của rượu, bia là không thể phủ nhận. Cũng không có gì bàn cãi khi say xỉn do tự nguyện uống hay bị ép đều là tội lỗi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng vấn đề không nằm ở bia rượu hay văn hóa ép nhau uống, mà do ý thức của mỗi người. Bởi, ép là chuyện của người ta, còn uống hay không là lựa chọn của mình.

Quả là rất đáng lo ngại về số người chết vì tai nạn giao thông ở Việt Nam, bởi nó được cho là nhiều hơn cả số người chết vì chiến tranh xảy ra ở một số nước hiện đang có chiến tranh, khoảng 15.000 người tử vong vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Việt Nam. Con số này thật khủng khiếp, thật đau xót, đây là sự mất mát quá lớn về người và của đối với các gia đình những nạn nhân cũng như xã hội.

Rất có thể, trong những nạn nhân xấu số, có lẽ, họ cũng đã từng phải thốt lên về những cái chết vì tại nạn giao thông đã xảy ra ở những kỳ nghỉ lễ trước khi họ gặp nạn, và nỗi ám ảnh về tai nạn giao thông thì vẫn còn đó, bởi những ngày nghỉ, kỳ nghỉ thì vẫn sẽ diễn ra như thường lệ.

Mặc dù, quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đã được đưa vào Luật Giao thông đường bộ, tuy nhiên, việc tuyên truyền, phòng, chống vi phạm nồng độ cồn hiệu quả chưa cao do thói quen uống rượu bia của người dân khá phổ biến. Đặc biệt vào mỗi dịp lễ, Tết. Những kỳ nghỉ dài ngày là cơ hội để tụ tập, nào là họp lớp, họp hội đồng niên, đồng hương… gặp nhau thì đa phần lần nào cũng rượu, cũng bia… và tất nhiên, hậu quả của nó là những hành vi khó kiểm soát do đã say xỉn dẫn đến những tai nạn thương tâm.

Các biện pháp ngăn chặn bia - rượu

Để ngăn chặn kịp thời, giảm và chấm dứt các vụ tại nạn giao thông do các hành vi vi phạm nồng độ cồn và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tại Công văn số 560/TTg-CN, ngày 10/5/2019, Thủ tướng yêu cầu: Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc với nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát theo chuyên đề gắn với các hành vi uy hiếp nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đặc biệt là hành vi vi phạm quy định về ma túy và nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; ra quân thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe trong các dịp nghỉ lễ dài ngày, các thời kỳ cao điểm về hoạt động lễ hội, du lịch tại từng địa phương; cương quyết xử lý, trấn áp các hành vi chống đối lực lượng thi hành công vụ; bảo đảm các điều kiện trang thiết bị, vật dụng phục vụ công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất ma túy; chủ động phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật và ủng hộ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT.

Đồng thời yêu cầu, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, thực hiện thông điệp “Đã uống rượu bia - Không lái xe”; đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các kế hoạch của địa phương về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này