Công nhân phải có hoài bão vươn lên, khát vọng làm thay đổi cuộc sống

17:54 | 05/05/2019
(LĐTĐ) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Công nhân kỹ thuật cao là tài nguyên, là tài sản, vốn quý của dân tộc, quốc gia. Thế giới đã chuyển từ tuyển dụng dựa vào bằng cấp sang tuyển dụng nhân lực sở hữu kỹ năng cụ thể. Do vậy, công nhân kỹ thuật cao là lực lượng lao động đang có nhu cầu tăng cao, không lo bị robot thay thế.
cong nhan phai co hoai bao vuon len khat vong lam thay doi cuoc song 5 nhóm vấn đề được nêu tại cuộc gặp của Thủ tướng với công nhân kỹ thuật cao
cong nhan phai co hoai bao vuon len khat vong lam thay doi cuoc song Hà Nội: 4 công nhân kỹ thuật bậc cao vinh dự đối thoại với Thủ tướng Chính phủ
cong nhan phai co hoai bao vuon len khat vong lam thay doi cuoc song Công đoàn luôn chăm lo toàn diện cho đội ngũ công nhân

Hôm nay (5/5), tại TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt với gần 1.000 công nhân, lao động (CNLĐ), trong đó có 90 CNLĐ kỹ thuật cao ở 7 tỉnh, thành phố và nhiều công đoàn ngành trong cả nước.

cong nhan phai co hoai bao vuon len khat vong lam thay doi cuoc song
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và các bộ, ngành trò chuyện với công nhân trước cuộc đối thoại. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Tháng Công nhân năm 2019, hướng đến kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, phương thức sản xuất có nhiều đổi mới, nhưng bản chất vẫn là sản xuất công nghiệp, gắn với công nhân và công nghệ. Anh chị em CNLĐ cần nhìn nhận đây là cơ hội hơn là thách thức nếu mình có nhận thức đúng và bước đi phù hợp. Từ đó xác định, mỗi người CNLĐ trong kỷ nguyên số cần phải làm chủ công nghệ và có kỹ năng mà máy móc không thể có.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới cũng như không để tụt lại phía sau con tàu CMCN 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

“Trong bối cảnh đó thì cuộc gặp gỡ lần này với Thủ tướng một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến CNLĐ; khẳng định Công đoàn Việt Nam, NLĐ đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định.

Phát biểu tại buổi gặp gỡ với CNLĐ kỹ thuật bậc cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Công nhân kỹ thuật cao, tay nghề cao là cơ hội cho sự phát triển cạnh tranh khi đất nước hội nhập. Đặc biệt, công nhân kỹ thuật cao làm cho hiệu suất lao động cao, từ đó, có thu nhập cao.

cong nhan phai co hoai bao vuon len khat vong lam thay doi cuoc song
Đại diện công nhân bày tỏ nguyện vọng với Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là trong 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trên tổng số hơn 53 triệu lao động cả nước thì có chưa đến 19% công nhân kỹ thuật cao. Theo Thủ tướng, tỷ lệ này là thấp. Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển nhanh nhưng nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, đặc biệt doanh nghiệp có năng suất thấp, sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp còn hạn chế mà nguyên nhân đầu tiên là thiếu hụt công nhân kỹ thuật cao, cả về số lượng, chất lượng.

Về vấn đề “ai sẽ phát triển đội ngũ công nhân kỹ thuật cao”, Thủ tướng nhìn nhận trước hết là Chính phủ, cơ quan hoạch định chính sách và nơi đào tạo, các bộ, ngành, địa phương và Công đoàn cũng phải chủ động trong vấn đề này. Công nhân phải tự học tự rèn. Doanh nghiệp tạo điều kiện và quan tâm. Tất cả phải chung tay vào làm công việc quan trọng này, tránh tình trạng mỗi người một hướng.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực, nhất là việc tập trung đào tạo, phát triển đội ngũ CNLĐ thực hành giỏi, tay nghề cao, với mục tiêu Việt Nam phải phấn đấu vươn lên trở thành quốc gia khởi nghiệp, năng động, sáng tạo, là điểm đến tin cậy của các tập đoàn lớn, công nghệ cao. Cũng như các doanh nghiệp Việt Nam phát triển với tốc độ cao, chất lượng cao, năng suất cao từ nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương, chủ doanh nghiệp quan tâm đến 4 vấn đề thiết yếu của công nhân: Lương và thu nhập, bảo đảo nhu cầu tối thiểu; nhà ở xã hội cho công nhân; môi trường làm việc, học tập; chỗ học tập và vui chơi cho con em của công nhân.

cong nhan phai co hoai bao vuon len khat vong lam thay doi cuoc song
Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho CNLĐ kỹ thuật cao. Ảnh: Sơn Tùng

Nhấn mạnh “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, Thủ tướng mong muốn công nhân phải tự học, tự rèn, học nữa, học mãi. Công nhân phải có khát vọng, hoài bão; khát vọng làm thay đổi cuộc sống. Cần vượt qua thói quen lãng phí thời gian như việc lướt web, chơi game và uống cà phê kéo dài, tránh xa tệ nạn xã hội, nhất là trong giới trẻ.

“Chúng ta phải dành thời gian rỗi cho việc đọc sách, trau dồi kiến thức, kỹ năng và các hoạt động có ích khác. Mỗi công nhân cần đặt ra kế hoạch cụ thể của riêng mình để phấn đấu, nhất là công nhân trẻ tuổi. Yêu cầu trước tiên đối với công nhân, đặc biệt là công nhân kỹ thuật cao, là phải có tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động tốt, phải tự đào tạo, nâng cao tay nghề, tự cập nhật kiến thức. Internet và các công cụ học tập trực tuyến đã mở ra cơ hội tự học chưa từng có đối với mỗi người”, Thủ tướng gợi mở.

“Các bạn có tay nghề cao, có bàn tay vàng, có đầu óc sáng tạo thì mới có thể có thu nhập cao. Nếu không nâng cao trình độ thì khó có thể có thu nhập cao trong bối cảnh hội nhập hiện nay”, Thủ tướng nói.

Đối với công đoàn các cấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục đổi mới phương pháp làm việc, cách thức tiếp cận, tương tác với công nhân. Không chỉ nắm tâm tư, nguyện vọng của công nhân mà Công đoàn cần quan tâm đến hoàn cảnh gia đình họ, hậu phương của người công nhân. Công nhân nước ta phần lớn xa quê, xa nhà, Công đoàn cần tìm giải pháp để có thể thay thế phần nào cho gia đình của họ, để tổ chức Công đoàn trở thành gia đình thứ hai của công nhân.

Đối với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, trở thành những doanh nghiệp thông minh, cơ sở sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ số. Có chính sách đãi ngộ phù hợp để CNLĐ kỹ thuật cao trở thành “đầu kéo phát triển” của doanh nghiệp, của địa phương, của đất nước.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, cần quan tâm đến chính sách tiền lương, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời có chính sách quan tâm đến đời sống người lao động.

Chính quyền địa phương ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động; tôn vinh, khen thưởng CNLĐ.

Thay mặt Tổng LĐLĐ Việt Nam, đồng chí Bùi Văn Cường đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ bản đề xuất kiến nghị gồm 43 nội dung, với 7 nhóm vấn đề là ý kiến hiến kế, đề xuất, kiến nghị của đội ngũ CNLĐ kỹ thuật cao với Đảng và Chính phủ mà Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã lấy ý kiến từ đội ngũ CNLĐ kỹ thuật cao của cả nước và tổng hợp lại.

cong nhan phai co hoai bao vuon len khat vong lam thay doi cuoc song

7 nhóm vấn đề, đề xuất kiến nghị gửi đến Thủ tướng

1. Kiến nghị về thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành than, thuyền viên ngành hàng hải và CNLĐ kỹ thuật cao ngành dầu khí.

2. Kiến nghị về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành hàng hải, công nhân mỏ ngành than.

3. Kiến nghị về chế độ lương các ngành hàng hải, hàng không, ngành thép, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

4. Kiến nghị về điều kiện làm việc của công nhân mỏ, các y, bác sĩ, công nhân ngành thép, ngành hàng không.

5. Kiến nghị về nâng cao chất lượng cuộc sống CNLĐ kỹ thuật cao.

6. Kiến nghị về chính sách đào tạo CNLĐ kỹ thuật cao.

7. Kiến nghị về chính sách phát triển đội ngũ CNLĐ kỹ thuật cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, 43 kiến nghị mà tổ chức Công đoàn đã tập hợp và gửi gắm cùng với kiến nghị của các CNLĐ tại buổi gặp mặt sẽ được giao cho Văn phòng Chính phủ, phân loại, gửi cho từng bộ, ngành, địa phương để trả lời cho Tổng LĐLĐ Việt Nam và CNLĐ.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này