“Giải bài toán” nước sạch Hà Nội:

Kỳ cuối: Chung tay tháo gỡ khó khăn

08:39 | 02/05/2019
(LĐTĐ) Để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương 100% người dân được sử dụng nước sạch, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền và doanh nghiệp, rất cần hơn nữa sự chung tay của cả công đồng vì một mục tiêu chung, góp phần xây dựng Thủ đô “xanh – sạch – đẹp – văn minh – văn hiến”.  
ky cuoi chung tay thao go kho khan Kế hoạch cấp nước và thoát nước mùa hè năm 2019
ky cuoi chung tay thao go kho khan Kỳ II: Bài toán công nghệ và nguồn nhân lực
ky cuoi chung tay thao go kho khan Kỳ I: Khó khăn và thách thức

Đẩy nhanh tiến độ triển khai

Nước sạch sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu của người dân Thủ đô và trong giai đoạn đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ vừa qua, Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực này. Thành phố đã có nhiều giải pháp đột phá, mang tính chiến lược, bền vững để tháo gỡ những khó khăn về cơ sở hạ tầng và nguồn lực triển khai.

Một trong những giải pháp được đánh giá cao là chủ trương xã hội hóa phát triển hệ thống cấp nước. Ngoài ra, thành phố cũng cho phép doanh nghiệp vừa làm thủ tục, vừa thiết kế, thi công để rút ngắn thời gian thực hiện. Đối với các các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu phải thành lập tổ công tác để trực tiếp giải quyết các thủ tục, công việc của các nhà đầu tư cấp nước sạch.

ky cuoi chung tay thao go kho khan
Khởi công xây dựng đường ống dẫn nước tại huyện Hoài Đức. (Ảnh Đỗ Hạnh)

Huyện Hoài Đức là một trong những địa phương tiên phong của thành phố trong việc thực hiện chủ trương này. Dự án nước sạch tại xã Đức Thượng được triển khai từ giữa tháng 4/2018 do Công ty nước sạch Tây Hà Nội làm chủ đầu tư. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống cung ứng, dự án cũng tập trung cắt, đào đường, lắp đặt đường ống dẫn nước và hoàn trả mặt bằng cho người dân.

Tính đến cuối năm 2018, dự án đã thực hiện xong hơn 32.000m trên tổng số 45.000m đường ống dẫn nước; hoàn thành việc thu tiền xã hội hoá tại một số thôn. Đến nay, dự án đã thực hiện việc cấp nước cho các hộ dân thôn Nội và thôn Thượng Thụy.

Như vậy, với phương châm “nói đi đôi với làm”, các dự án nước sạch đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân mà không để chậm trễ tiến độ. Đến nay, theo thống kê của huyện Hoài Đức, đã có 40.100/60.000 hộ được sử dụng nước sạch tập trung, đạt tỷ lệ 70% và tiếp tục tăng nhanh.

Từ câu chuyện của huyện Hoài Đức cho thấy, từ nay đến năm 2020 không còn xa, tuy nhiên việc hoàn thành đề án 100% người dân được sử dụng nước sạch là hoàn toàn khả thi khi Thành phố tập trung nhiều nguồn lực để triển khai.

Chung tay tháo gỡ vướng mắc

Bên cạnh việc kêu gọi triển khai các dự án đầu tư mới, Hà Nội cũng hết sức chủ động trong việc tháo gỡ những khó khăn, hạn chế mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư, phát triển hệ thống cấp nước. Cụ thể, UBND thành phố cũng đã giao một đầu mối là Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chung về vấn đề này.

Sở Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, giải quyết, tháo gỡ vướng mắc của các dự án đã được giao triển khai thực hiện liên quan đến quy hoạch, cập nhật bổ sung các dự án mạng, nguồn đang triển khai thực hiện theo chủ trương đã được UBND thành phố chấp thuận vào điều chỉnh quy hoạch cấp nước.

ky cuoi chung tay thao go kho khan
Để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch vào năm 2020 rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. (Ảnh: Quốc Nam)

UBND thành phố cũng giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp, rà soát giá nước sinh hoạt; đề xuất, báo cáo phương án điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn thành phố. Đồng thời tham mưu cho thành phố biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nước sạch tại khu vực ngoại thành; hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện phương án huy động người dân đóng góp chi phí lắp đặt đồng hồ và khấu trừ vào tiền nước sử dụng.

Sở Tài chính cũng sẽ tiến hành rà soát cơ chế chính sách về việc hỗ trợ nhà đầu tư lắp đặt mạng lưới cấp nước sạch nông thôn báo cáo thành phố, trình HĐND thành phố quyết định tại kỳ họp vào tháng 7 tới.

Được biết, từ thực tế hiện nay, nhiều chuyên gia trong ngành nước cũng đóng góp ý kiến về đề án nước sạch của Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các doành nghiệp cũng cần ý thức, nâng cao trách nhiệm của mình. Chủ động tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án cấp nước được giao.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, vận hành hệ thống để giảm thiểu chi phí, lượng nước thất thoát, nâng cao tối đa hiệu quả cung cấp cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn nước sạch đã được đấu nối, tránh gây lãng phí, thất thoát, cùng chung sức vì một mục tiêu chung.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này