Hà Nội: Từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch

15:08 | 27/04/2019
(LĐTĐ) Với việc triển khai hiệu quả công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ cây trồng, tăng năng suất sản phẩm trồng trọt, từ đó, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.  
ha noi tung buoc xay dung nen san xuat nong nghiep sach Hà Nội: Quyết liệt ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn châu Phi
ha noi tung buoc xay dung nen san xuat nong nghiep sach Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao
ha noi tung buoc xay dung nen san xuat nong nghiep sach Đan Phượng chuyển mình cùng nông nghiệp công nghệ cao

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố không nhiều. Tuy nhiên, trên thị trường có hàng trăm hoạt chất thuốc trừ sâu, bệnh được dùng trên rau màu với hàng nghìn tên thương phẩm, thực tế đó đã khiến nông dân gặp khó khăn trong việc lựa chọn thuốc sử dụng phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.

ha noi tung buoc xay dung nen san xuat nong nghiep sach
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật góp phần xây dựng nền nông nghiệp sạch (Ảnh M.Q)

Nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm và nhân rộng mô hình nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; nhân rộng cơ sở, địa phương giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ cho cây trồng, thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường đào tạo, tập huấn đồng ruộng cho cán bộ và nông dân.

Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã tổ chức 6 lớp đào tạo giảng viên về IPM trên cây lúa với 180 giảng viên là nhân viên các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận, huyện, thị xã, cán bộ khuyến nông, nhân viên trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã ở các địa phương trọng điểm sản xuất lúa tham gia; tổ chức 225 lớp học đồng ruộng về IPM trên các cây trồng cho 7.650 nông dân; 93 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lúa.

Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã tổ chức 1 lớp đào tạo giảng viên TOT trên cây ăn quả cho 30 học viên; 230 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho 11.500 nông dân trực tiếp trồng cây ăn quả, cây chè; 14 lớp IPM cho 112 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; 8 lớp phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho 640 người tiêu dùng; tiến hành 5 thử nghiệm về thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật mới trong phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả; xây dựng 16 mô hình chuỗi liên kết bảo đảm an toàn thực phẩm trên cây chuối, bưởi, đu đủ, nhãn chín muộn, cam Canh và cây chè.

Đặc biệt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã chủ động phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan xây dựng, phát triển được 25 chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng mô hình giám sát cộng đồng (PGS). Theo đó, đã có 208 doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản, với số lượng tiêu thụ thông qua hợp đồng là 42 tấn/ngày. Sản phẩm của 25 chuỗi này được người tiêu dùng tin tưởng; thu nhập của người sản xuất cũng tăng nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS.

Thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều biện pháp như cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở giám sát, hướng dẫn nông dân sản xuất; kiểm tra quá trình sản xuất rau an toàn; mở các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, các lớp IPM,... Bên cạnh đó, quản lý chặt đầu vào và loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường...

Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND các xã ký cam kết với UBND cấp huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội để thực hiện quản lý, chỉ đạo sản xuất rau an toàn và quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn theo đúng quy định; xây dựng và hình thành các quy định của địa phương về quản lý sản xuất rau an toàn, quản lý và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Từ đó, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững.

M.Q

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này