Tiếng sáo trúc của lòng bao dung

17:04 | 11/04/2019
(LĐTĐ) Dù đôi mắt không còn nhưng với đôi tay tài hoa và sự cảm âm tuyệt vời, ông Nguyễn Tiến Công vẫn từng ngày làm nên những chiếc sáo trúc chứa đựng cả đam mê của mình. Mỗi ngày cùng với cây sáo, ông gắn bó với những mảnh đời bất hạnh, trẻ em sống lang thang cơ nhỡ. Nhờ sự giúp đỡ của ông, biết bao trẻ nhỏ đã được hòa nhập với cuộc sống, tránh xa những cạm bẫy, tệ nạn xã hội và sống có ích hơn.
tieng sao truc cua long bao dung Những người “giữ hồn” phố cổ
tieng sao truc cua long bao dung Chân dung cô giáo bộ môn Giáo dục công dân được học sinh lập hẳn fanpage

Trong căn nhà rộng chưa đầy 40m2 tại phố Vũ Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội), người ta vẫn thường nghe thấy tiếng sáo trúc vang lên trong căn nhà nhỏ của ông, những tiếng sáo có lúc sâu lắng, có lúc du dương, vi vu trầm bổng, lúc pha chút hoài niệm man mác buồn. Hàng trăm cây sáo trúc được người đàn ông mù bó thành bó, xếp ngay ngắn trong các thùng giấy.

Cất những cây sáo gọn gàng vào thùng giấy, ông Công thoáng buồn: “Yêu sáo thì làm sáo, thổi sáo thôi chứ ngày nhỏ có được học hành chi đâu. Mẹ mất sớm, đến khi bố đi bước nữa thì dì không thương, hành hạ đủ kiểu, khổ lắm cháu ạ”.

tieng sao truc cua long bao dung
Mỗi cây sáo được ông Công tạo ra bằng niềm đam mê, tiếng sáo là niềm vui, tiếp thêm động lực cho ông.

Nói vậy rồi ông bắt đầu kể cho tôi nghe về những năm tháng tuổi thơ gian khó của ông. Ông Công sinh ra ở Hà Tĩnh, trong gia đình có bốn đời bên ngoại làm sáo trúc nhưng không phải bởi vậy mà ông được thừa hưởng cách làm sáo từ nhỏ, ông lớn lên với tuổi thơ dữ dội. Mồ côi mẹ từ nhỏ đến năm 13 tuổi, trong một tai nạn nổ mìn, đã vĩnh viễn cướp đi nguồn sáng của ông. Từ đó, ông Công chỉ có thể cảm nhận thế giới xung quanh qua âm thanh, mùi vị và đôi bàn tay.

Bị gia đình hắt hủi, ông uất ức bỏ nhà lên Hà Nội. Những buổi đầu, chân ướt chân ráo tới thị thành, bị cướp tất cả đồ dùng cùng với số tiền ít ỏi mang theo, ông tìm đến đồn công an khai báo và được đưa tới trại trẻ mồ côi.

Kể tới đây, giọng ông nghẹn lại: “Ngày đó, khi công an hỏi, bác còn không dám nói tên thật, phải thay tên, đổi tuổi. Chỉ bảo là cha mẹ mất hết, người thân không còn ai, chứ nói thật lại bị đưa về gia đình, chắc bác không sống nổi. Đôi mắt không thể nhìn được, không có người thân giúp đỡ, cuộc sống của ông gặp rất nhiều khó khăn, nhiều lúc tưởng chết đi sống lại đấy cháu ạ”.

Chính vì sống trong thế giới bóng tối cùng ký ức tuổi thơ dữ dội mà người đàn ông này đã tự tạo nên thứ âm thanh tuyệt diệu cho riêng bản thân mình. Lớn lên trong trại trẻ mồ côi, ông luôn cố gắng học tập để sau này có thể tự làm việc, nuôi sống bản thân.

Ông đã thi vào Trường Đại học Luật Hà Nội và làm thêm nhiều nghề để có thể tự nuôi mình ăn học. Với niềm đam mê sáo, từ nhỏ cây sáo đã theo ông với những tiếng du dương trên khắp các nẻo đường từ Trung ra Bắc, bên cạnh bầu bạn cùng ông khi vui, khi buồn.

Khoảng năm 2005, biết có nhiều người học chơi sáo trúc rồi lập thành từng nhóm giao lưu với nhau, vậy là ông quyết định mua trúc về mày mò làm vài ống sáo bán, kiếm thêm thu nhập và tập hợp nhiều người cùng đam mê sáo trúc cùng nhau chia sẻ niềm yêu thích môn nghệ thuật này. Với đôi bàn tay khéo léo, niềm đam mê sáo trúc, dần dà ông Công cho ra những cây sáo đạt chất lượng, được nhiều người yêu thích, chọn mua.

Ngồi nhìn ông làm những cây sáo với các công đoạn nhanh thoăn thoắt, tôi hỏi thiếu ánh sáng vậy ông học làm sáo như thế nào? ông cười rồi nói ông học bằng thính giác và bằng sự cảm nhận từ trái tim mình.

“Đôi mắt cho ta nhìn thấy khung cảnh trữ tình để cảm xúc được lâng lâng, bay bổng, với người khiếm thị thì trí tưởng tượng của họ cũng bay bổng chẳng kém những người có đôi mắt sáng. Tai nghe cho ta cảm nhận tốt nhất những thang âm điệu...cùng đôi bàn tay tập làm lâu dần sẽ trở nên khéo léo, nhịp nhàng hơn nhưng quan trọng nhất là cứ đam mê, yêu mến sáo từ trái tim sẽ cho ra những cây sáo chất lượng”, ông Công chia sẻ.

Nhiều năm nay, dù đôi mắt đã mù lòa nhưng hàng ngày ông vẫn ngồi bên những chiếc sáo, thổi các bài nhạc du dương hay đôi lúc ông ngồi bên chiếc máy vi tính nghe những bản nhạc cổ xưa mà ông yêu thích để thêm yêu cuộc sống này.

Niềm yêu sáo, cùng những kiến thức am hiểu sáo trúc học được từ những năm tháng rong ruổi khắp miền vẫn là niềm đam mê của ông. Bởi bất cứ lúc nào, ở đâu mời tham gia văn nghệ sáo trúc, ông đều sẵn sàng đi.

… Điều đáng nói, những năm qua, người đàn ông khiếm thị này đã cống hiến sức lực của mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình tuy nhiên khi được hỏi lại rằng ông đã giúp đỡ được bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn thì ông Công không nhắc lại, một phần vì ông cũng không nhớ hết và ông cũng không muốn nhớ lại quá khứ. Với ông đã giúp người là giúp từ tâm, mình có cơ hội để giúp cớ gì không giúp họ, khi đã giúp rồi tuyệt nhiên không nên nhớ để rồi nhắc lại…

Cho đến hiện nay, dù đã tạo được cần câu cơm cho nhiều người khó khăn nhưng ông Công vẫn luôn ấp ủ dự định phát triển nghề sáo lâu hơn nữa, truyền nghề đến được với nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, mong muốn giúp đỡ được nhiều số phận bất hạnh để họ vơi đi phần nào nỗi khó khăn, bớt mặc cảm, hòa nhập, tự tin bước vào đời.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này