Quản lý đô thị, góc nhìn từ một lãnh đạo phường

13:19 | 29/03/2019
(LĐTĐ) Báo Lao động Thủ đô đã đề cập trong chuỗi 5 kỳ liên quan đến quản lý trật tự đô thị. Và để bộ mặt đô thị lúc nào cũng khang trang, sạch đẹp, vai trò và trách nhiệm của chính quyền xã, phường là đặc biệt quan trọng. Dưới góc nhìn của một lãnh đạo phường, phụ trách về quản lý đô thị, bà Hoàng Hoài Loan (Phó Chủ tịch UBND phường Trung Liệt, quận Đống Đa) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô.
quan ly do thi goc nhin tu mot lanh dao phuong Hướng đến công tác quản lý đô thị văn minh
quan ly do thi goc nhin tu mot lanh dao phuong Làm tốt công tác quản lý đô thị

- Phóng viên: Là một lãnh đạo phường phụ trách về mảng trật tự đô thị, bà đánh giá thế nào về thực trạng vi phạm trật tự đô thị trong thời gian qua?

-Bà Hoàng Hoài Loan: Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, tình trạng vi phạm về trật tự đô thị đã giảm đáng kể. Các lực lượng chức năng đã vào cuộc hết sức quyết liệt để xử lý những vi phạm.

Đối với chính quyền các xã, phường, mặc dù đã vào cuộc tích cực trong công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng, đô thị nhưng có thể thấy, nhiều địa phương vẫn còn tồn tại các công trình xây dựng sai phép, những vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm về an toàn giao thông… gây thiệt hại chung cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền.

quan ly do thi goc nhin tu mot lanh dao phuong
Để bộ mặt đô thị lúc nào cũng khang trang, sạch đẹp, vai trò của chính quyền phường là đặc biệt quan trọng. Ảnh minh họa

Hiện nay, những vi phạm về trật tự an toàn giao thông hiện đang rất nóng bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt đô thị của Hà Nội. Riêng đối với phường Trung Liệt, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, các nhiệm vụ được giao và hưởng ứng chủ đề công tác năm 2019 là “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, ngay từ đầu năm 2019, UBND phường đã xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và thực hiện Năm An toàn giao thông trên địa bàn năm 2019.

Qua đó, tạo được sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có gắn trách nhiệm các cấp chính quyền, các phòng ban đơn vị trong công tác đảm bảo trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Chúng tôi cũng thường xuyên tăng cường kiểm tra, kiểm soát, siết chặt kỷ cương, đảm bảo trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông, kiềm chế và kéo giảm các vụ tai nạn liên quan đến mô tô, xe máy; quản lý chặt chẽ tải trọng phương tiện; quản lý điểm trông giữ phương tiện giao thông; tăng cường công tác ứng dụng khoa học công nghệ quản lý, điều hành giao thông trong quản lý, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước, nhất quán, đồng bộ trong việc thiết lập triển khai năm 2019 “An toàn giao thông” trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn…

Tuy nhiên, dù chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều giải pháp giải quyết nhưng tình trạng vi phạm trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phường vẫn diễn ra.

- Phóng viên: Mặc dù các lực lượng chức năng của Thành phố từ cấp phường, xã cho đến cấp quận đều rất quyết liệt trong việc xử lý vi phạm nhưng tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường vẫn diễn ra. Theo bà, đâu là nguyên nhân?

- Bà Hoàng Hoài Loan: Thực tế, quy định về văn hóa - văn minh đô thị ở ta không thiếu; thậm chí nhiều nội dung đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Cái thiếu chính là ý thức của các công dân đô thị.

Có thể nói rằng, tất cả những hành vi vi phạm văn minh đô thị đều bắt nguồn từ sự thiếu ý thức. Vậy nên, để chấn chỉnh và xóa bỏ thực trạng trên, chính quyền địa phương cần phải mạnh tay, làm công tác trật tự đô thị thường xuyên, lâu dài.

Thêm nữa, điều rất cần là phải giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, kết hợp với xử phạt nghiêm minh. Đã đến lúc người dân cần phải cùng nhau ý thức đúng và hành động nghiêm túc để xây dựng phố phường xanh - sạch - đẹp; để văn minh đô thị không chỉ là khái niệm.

Tuyên truyền các quy định, quy ước về văn hóa - văn minh đô thị là cần thiết để người dân thấm nhuần và thực hiện, nhưng điều quan trọng nhất chính là ý thức của con người… Muốn có văn minh đô thị, phải có nếp sống đô thị và muốn có nếp sống đô thị, phải có ý thức của người đô thị.

- Phóng viên: Theo bà, để trật tự đô thị đi vào nền nếp cần có những giải pháp cụ thể nào?

- Bà Hoàng Hoài Loan: Theo tôi, đầu tiên phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông: Xây dựng nếp sống “văn hóa giao thông” và “văn minh đô thị” trọng tâm tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện…

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục về bảo đảm trật tự an toàn giao thông tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức doanh nghiệp, trường học trên địa bàn phường, tập trung giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh các trường Tiểu học, Trung học cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật về giao thông thông qua các hội nghị, phát tờ rơi, treo pano, áp phích, các hội thi tìm hiểu pháp luật giao thông.

Bên cạnh đó, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, không vứt rác ra đường, không lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán không đúng quy định, mọi người khi tham gia giao thông thực hiện đi đúng làn đường, đỗ dừng xe, để xe đúng nơi quy định.

Phấn đấu mỗi công dân sống trên địa bàn đều là những công dân văn minh, thanh lịch. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phòng trào “Người tốt – Việc tốt”; những quy định trong xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan đơn vị văn hóa.

Tổ chức tốt việc xét công nhận “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Đẩy mạnh và duy trì hoạt động, nề nếp sinh hoạt văn minh công sở. Thực hiện tốt phong trào tổng vệ sinh vào chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy hằng tuần trên các tuyến phố, khu vực trường học, các khu tập thể, khu dân cư. Xây dựng phong tào để tạo thói quen không vứt rác ra đường, bảo vệ chăm sóc cây xanh, tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt thành nếp sống đẹp.

Đối với các phường, là đơn vị gần nhất trong lĩnh vực phát hiện, xử lý vi phạm về đô thị, UBND phường cần chỉ đạo Công an phường thường xuyên tổ chức các đợt ra quân kiểm tra, xử lý tháo dỡ mái che, mái vẩy tái vi phạm, biển quảng cáo, biển hiệu không phép, sai quy định; kiên quyết xử lý họp chợ cóc, kinh doanh buôn bán, để vật liệu xây dựng, rửa xe, trông gửi xe ô tô, xe máy trên hè, đường không đúng quy định; tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường trên các tuyến phố văn minh đô thị.

Chỉ đạo các khu dân cư, tổ dân phố và Tổ công tác tuyên truyền của các khu dân cư tổ chức kiểm tra danh mục các điểm còn tồn tại, chưa được giải quyết trên địa bàn khu dân cư và tổ chức xóa bỏ quảng cáo rao vặt làm mất mỹ quan đô thị .

Chỉ đạo về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kiên quyết vi phạm trật tự an toàn giao thông – trật tự đô thị, không để lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán, sắp xếp điểm trông giữ phương tiện một cách hợp lý đảm bảo “lòng đường dành cho phương tiện, hè dành cho người đi bộ” góp phần giảm ùn tắc giao thông và tổ chức duy trì chống tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Đồng thời chỉ đạo Tổ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm phường tập trung kiểm tra, kiểm soát đưa hoạt động giết mổ, chế biến vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn phường vào nề nếp, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, văn minh thương mại. Tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, nhà hàng, ăn uống, quán ăn, thức ăn đường phố…

Xin trân trọng cảm ơn bà!

H.Duy

(thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này